Tiếp lửa nghề cho học trò

Những câu chuyện cảm động gần gũi của các giảng viên về tình yêu nghề, tận tâm dẫn dắt, truyền lửa để nâng bước cho các thế hệ sinh viên cùng thành đạt, nối tiếp nghề “trồng người” đã được tái hiện trong buổi giao lưu “Thầy trò thành đạt” tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM sáng 18-1, nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.
Tiếp lửa nghề cho học trò

Những câu chuyện cảm động gần gũi của các giảng viên về tình yêu nghề, tận tâm dẫn dắt, truyền lửa để nâng bước cho các thế hệ sinh viên cùng thành đạt, nối tiếp nghề “trồng người” đã được tái hiện trong buổi giao lưu “Thầy trò thành đạt” tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM sáng 18-1, nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

        Ánh đuốc soi sáng ước mơ

Vẫn biết cuộc đời có nhiều ngã rẽ, có nhiều lựa chọn nghề nghiệp nhưng đã chọn nghiệp “trồng người” thì phải biết chấp nhận hy sinh, tận tâm với công việc và sống đạm bạc. Đó là suy nghĩ, bộc bạch của các thế hệ giảng viên đã dấn thân vào nghề giáo và luôn tỏa sáng nhân cách, đạo đức và chuyên môn.

Là nhà toán học đầu tiên ở khu vực phía Nam nhận giải thưởng của Hội Toán học Việt Nam, GS-TS Đặng Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm Khoa học toán học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM chia sẻ rằng mình may mắn khi gặp được những người thầy tận tâm, hết lòng vì học trò. Chính những “ngọn hải đăng” này đã dẫn dắt, truyền đam mê học tập để một học sinh “bình thường” như ông trở thành PGS khi ở tuổi còn trẻ (gần 40 tuổi).

Nhắc đến những người thầy đã dìu dắt mình đến thành công, GS-TS Đặng Đức Trọng chân thành nhận xét: “Thầy thì nhiều nhưng thầy nghiêm khắc, hiểu biết về học trò để nâng cao sức tự học của học trò không nhiều. Nếu gặp thầy giỏi thì học sinh có tố chất trung bình cũng có thể trở thành người giỏi và ngược lại.”

Nhờ hiểu rõ học trò muốn gì, thầy luôn tận tâm, đồng hành với ước mơ, khơi dậy tình yêu toán học cho sinh viên. Ngoài ra, thầy còn tìm mọi cách chia sẻ khó khăn với những học trò không có điều kiện, thiếu may mắn. Kỷ niệm mà thầy nhắc đến cậu học trò nghèo ở vùng sông nước Cửu Long sau này cũng trở thành đồng nghiệp đang giảng dạy ở Singapore gây xúc động hội trường. Trong một lần đi giảng dạy ở đây, thầy được biết một sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên có nguy cơ phải “bỏ học về chăn trâu” vì gia cảnh khốn khó, không thể lo đủ tiền học. Thương cảm cậu học trò nghèo hiếu học, thầy Trọng đã xin học bổng, giúp em tìm việc làm thêm để nuôi giấc mơ đến giảng đường. Nhờ chiếc phao này, cậu sinh viên đã vượt khó, cố gắng học giỏi và bây giờ trở thành thạc sĩ giảng dạy ở Singapore.

        Cái được lớn nhất...

Câu chuyện đến với nghề giáo của GS-TSKH Lê Văn Hoàng, Phó trưởng Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng ấn tượng không kém. Sau thời gian học tập và làm việc tại Liên bang Nga, năm 1996 thầy Hoàng đã trở về nước và làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Thầy chia sẻ lý do mà mình chọn dừng chân ở đây là vì nhiều sinh viên năng động ham học nhưng lại thiếu giảng viên dẫn dắt. Chấp nhận dấn thân vào nghề dạy học với thu nhập thấp hơn nhiều chỗ làm việc khác được mời nhưng thầy không chút do dự, tính toán. Niềm hạnh phúc và đam mê của thầy bắt nguồn từ sinh viên - những người trẻ ham học hỏi, khát khao được tiếp cận tri thức mới, được khám phá, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, tạo ra những sản phẩm giáo dục có uy tín, thương hiệu, GS-TS Lê Văn Hoàng đã bắt tay vào các dự án, đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn, tận tâm hướng dẫn nhiều sinh viên làm luận án khó, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Nhìn thấy thành quả của mình, trong đó có nhiều sinh viên nối tiếp nghề trồng người, thầy cảm nhận được mùa trái ngọt. Thầy tâm sự rằng cái được lớn nhất là đã xây dựng đội ngũ những người thầy năng động, nhóm nghiên cứu đi theo chuẩn mực của thế giới. Sự đòi hỏi, nghiêm khắc và những lời khuyên phải chú tâm học hành, nghiên cứu thay vì đi làm thêm để lấy số tiền nhỏ của thầy đã giúp học sinh tỉnh ngộ mình phải ưu tiên cái gì trước và vượt khó để đến đích.

GS-TS Lê Văn Hoàng (trái) và học trò TS Nguyễn Ngọc Ty tại buổi giao lưu “Thầy trò thành đạt”.

GS-TS Lê Văn Hoàng (trái) và học trò TS Nguyễn Ngọc Ty tại buổi giao lưu “Thầy trò thành đạt”.

Với thầy, để nghiên cứu mang lại hiệu quả thì phải có lòng đam mê, phải trau dồi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, có như thế mới hội nhập với nền giáo dục tiên tiến. Không những thế, thầy còn gieo vào lòng học trò sự tự tin, vươn đến ước mơ cao hơn - xa hơn, kể cả khát vọng chạm vào giải Nobel như nhiều nhà khoa học đã làm được. Có như thế, khi trở thành thầy giáo, họ mới có thể truyền lửa, tâm huyết cho học trò của mình. 30 năm gắn bó với bục giảng, GS-TS Lê Văn Hoàng luôn được đồng nghiệp, học trò yêu quý, kính trọng và noi gương sáng.

Là học trò thành đạt của thầy Hoàng, TS Nguyễn Ngọc Ty, Trưởng bộ môn Vật lý lý thuyết Khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng mình may mắn được thầy hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp. Nhờ sự tiếp sức của thầy Hoàng, thầy Nguyễn Ngọc Ty đã hoàn thành luận văn tiến sĩ ở tuổi 28. Nhắc lại những kỷ niệm với người thầy đáng kính của mình, TS Nguyễn Ngọc Ty bộc bạch: “Thầy rất tâm huyết với nghề, rất giỏi chuyên môn. Để hướng dẫn sinh viên làm luận án tốt nghiệp đạt kết quả cao, thầy không quản ngại điều gì, thậm chí quên ăn để giảng giải, truyền tải hết kiến thức cho trò. Những chuẩn mực về lối sống, nhân cách và lòng đam mê nghề của thầy đã truyền cảm hứng cho tôi…”.

Đón nhận tinh hoa, bí quyết gắn kết tình thầy trò từ người thầy của mình, TS Nguyễn Ngọc Ty nói rằng không có môn học nào khô khan và nếu để học trò thấy nó khô khan thì đó là lỗi của người thầy và họ chưa biết cách truyền lửa đam mê đến người học. Và theo thầy Nguyễn Ngọc Ty, bất kỳ nhà nghiên cứu nào như khảo cổ học, lịch sử, thiên văn… đều tìm thấy những cái hay trong những lĩnh vực của mình nhờ đam mê, tâm huyết.

Có thể nói, mỗi cặp đôi, mỗi câu chuyện của thầy - trò thành đạt trong buổi giao lưu đều khắc họa những hình ảnh đẹp về người thầy và vượt lên tất cả, họ đã chắp cánh cho thế hệ trẻ vươn lên, làm chủ tri thức, chinh phục đỉnh cao khoa học, kỹ thuật. Để vinh danh những cống hiến của thầy cô cho sự nghiệp giáo dục, LĐLĐ TPHCM đã tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, được sinh viên, đồng nghiệp tin yêu cho 23 thầy cô giáo ở các trường CĐ-ĐH trên địa bàn TP.

KHÁNH HÀ - NAM ANH

Tin cùng chuyên mục