Y đức và trường y

Gần đây ‘dư luận trong nước đang rộ lên những vấn đề của những người làm công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho một đất nước có tới  90 triệu người.

Nguyên nhân đầu tiên chúng ta phải nói đó là cơ chế quản lý và vận hành của ngành y tế: Câu chuyện về những việc vi phạm y đức thì nhiều, bởi những người làm việc trong ngành y luôn cảm nhận được họ có một quyền lực vô biên, đó là người đứng giữa ranh giới của cái chết và sự sống. Nên bệnh nhân và môi trường làm việc rất dễ tạo điều kiện cho họ sa ngã trước cám dỗ của đồng tiền. Nhất là hiện nay khi hệ thống y tế đang phân hóa khá rạch ròi giữa y tế công lập và y tế nhà nước.

Rõ ràng như chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây, việc tiêu cực về y đức hầu như xảy ra ở các cơ sở y tế công lập, nơi quyền lực của nhân viên y tế và người quản lý là vô biên không có cơ chế kiểm soát hoặc nói rõ ra là không dám kiểm soát.

Tuy nhiên cội nguồn của những tiêu cực về y đức, ngoài cơ chế làm việc ra còn phải kể đến sự đóng góp khá lớn của công tác đào tạo. Ở các nước khác trên thế giới, thầy thuốc là những người ưu tú, được chọn lọc kỹ càng và bài bản kể cả về kiến thức lẫn y đức ngay từ khi cắp sách đến trường đại học. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề này đang bị bỏ ngỏ, thầy thuốc được đào tạo từ nhiều nguồn, từ nhiều hình thức đào tạo cả chính quy và cả không chính quy.

Có những thí sinh 27 điểm chưa đậu đại học nhưng cũng có người 15 điểm đã được đào tạo thành bác sĩ. Họ tranh nhau học, tranh nhau đào tạo, có những trường chỉ nên đào tạo ra những bác sĩ giỏi, có đầy đủ y đức để trở thành tấm gương, những người trụ cột trong ngành y thì lại đào tạo tràn lan với số lượng vượt nhiều lần khả năng để lấy thành tích cho người lãnh đạo và thế là những bác sĩ ra trường với tất cả mọi thành phần, mọi thứ hạng về đạo đức. Một môi trường đào tạo như vậy mà không có những người vi phạm về y đức thì kể cũng lạ.

Ấy thế mà hiện nay lấy lý do thiếu thầy thuốc, thiếu nguồn nhân lực ở các vùng sâu vùng xa, các nhà quản lý giáo dục trong ngành y dược luôn tìm cách tăng chỉ tiêu đào tạo, khiến số lượng sinh viên tăng vọt, cơ hội để các học viên tiếp xúc với người bệnh, với những thầy thuốc giỏi có trình độ cao và có tâm huyết thật ra rất ít và chất lượng đào tạo suy giảm nghiêm trọng kể cả về chuyên môn và y đức.

Mặc dù về hình thức có hẳn bộ môn y đức được giảng dạy trong các trường đại học, nhưng thực tế đã chứng minh rằng đó chỉ là hình thức và căn bệnh thành tích trong đào tạo đã đến hồi trầm kha và hết thuốc chữa. Hơn thế nữa, cho đến hôm nay vẫn chưa có một thống kê nào đáng tin cậy và trung thực về số lượng những học viên thuộc diện cử tuyển hay tuyển sinh theo kiểu ưu tiên với điểm thi thấp về lại phục vụ tại quê hương xứ sở theo cam kết ban đầu.

PGS-TS NGUYỄN HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục