Phổ cập bơi cho học sinh tiểu học - Vẫn còn “chới với”!

Nghị quyết liên tịch phổ cập bơi lội cho học sinh phổ thông do Sở GD-ĐT TPHCM ký kết cùng Liên đoàn Thể thao dưới nước TP đã bước sang năm thứ tư của tiến trình thực hiện. Song so với mục tiêu ban đầu đề ra đến năm 2015, 100% học sinh tiểu học trong toàn TP biết bơi thì tính đến nay, mới có gần 100/1.800 trường học ở TPHCM có hồ bơi đạt chuẩn. Một lần nữa, bài toán khó khăn về cơ sở vật chất lại đặt ra nhiều thách thức cho những nhà quản lý giáo dục.
Phổ cập bơi cho học sinh tiểu học - Vẫn còn “chới với”!

Nghị quyết liên tịch phổ cập bơi lội cho học sinh phổ thông do Sở GD-ĐT TPHCM ký kết cùng Liên đoàn Thể thao dưới nước TP đã bước sang năm thứ tư của tiến trình thực hiện. Song so với mục tiêu ban đầu đề ra đến năm 2015, 100% học sinh tiểu học trong toàn TP biết bơi thì tính đến nay, mới có gần 100/1.800 trường học ở TPHCM có hồ bơi đạt chuẩn. Một lần nữa, bài toán khó khăn về cơ sở vật chất lại đặt ra nhiều thách thức cho những nhà quản lý giáo dục.

Xây dựng hồ bơi đạt chuẩn ngay trong khuôn viên trường là mơ ước của nhiều đơn vị.

Xây dựng hồ bơi đạt chuẩn ngay trong khuôn viên trường là mơ ước của nhiều đơn vị.

Mỗi nhà một cảnh

Phát biểu tại Hội nghị triển khai hoạt động phổ cập bơi lội học đường do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Sau 3 năm thực hiện liên tịch phổ cập bơi lội, đã có một sự chuyển biến lớn về nhận thức tầm quan trọng của việc học bơi trong một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tiểu học. Nếu cách đây 3 năm, hầu hết các trường chỉ tổ chức học bơi... trên giấy, tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ dừng ở con số 10% - 15%, thì nay đã có hơn 50% học sinh được phổ cập bơi lội. Số lượng trường xây dựng được hồ bơi đạt chuẩn cũng tăng từ 10 lên đến gần 100 trường”. Các quận/huyện đều có kế hoạch đưa bơi lội vào một trong những nội dung của chương trình thể dục chính khóa, thường xuyên tổ chức các giải thi đấu, festival bơi lội để học sinh có dịp cọ xát, nâng cao khả năng.

Song, so với con số 1.800 đơn vị trường học trên toàn TP thì số trường có hồ bơi đạt chuẩn chiếm tỷ lệ chưa đến 5%. Do đó, để đảm bảo yêu cầu về phổ cập bơi lội của TP, các trường phải hợp đồng với hồ bơi tư nhân đưa học sinh sang học. Song, biện pháp chữa cháy này cũng gặp hàng loạt khó khăn như kinh phí đưa đón học sinh từ trường học sang hồ bơi, bất cập về an ninh, kiểm soát học sinh ngoài trường học.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 chia sẻ: “Xây dựng một hồ bơi đạt chuẩn ngay tại khuôn viên nhà trường là mơ ước nhiều năm qua của chúng tôi. Song, dù đã được ngân sách nhà nước trợ giúp một phần kinh phí nhưng số còn lại vẫn trên dưới 1 tỷ đồng nên không phải cứ muốn là thực hiện được”. Đó là chưa kể sau khi xây dựng hồ bơi, chi phí mời các huấn luyện viên giỏi, thuê đội ngũ nhân viên vệ sinh, bảo vệ phục vụ cho hoạt động của hồ cũng là bài toán khó đặt ra cho các trường tiểu học.

Chính vì vậy, hoạt động dạy bơi hiện nay ở các đơn vị vẫn mang tính chắp vá, mỗi nhà một cảnh. Trường ở khu vực nội thành có tiền nhưng không đào đâu ra quỹ đất xây dựng. Trường ngoại thành diện tích đất rộng rãi nhưng kinh phí lại thiếu. Nghịch lý trên khiến nhiều đơn vị đành chọn cách phổ cập bơi cho học sinh trên giấy, khiến việc học bơi chỉ mang tính đối phó, không có tác dụng trong thực tiễn.

Cẩn trọng với giải pháp “bắt tay” cùng doanh nghiệp

Trước thực trạng khó khăn đó, Sở GD-ĐT TPHCM và Liên đoàn thể thao dưới nước TP đã đưa ra phương án nhà trường “bắt tay” cùng doanh nghiệp. Theo đó, trường nào có quỹ đất rộng, có thể hợp tác với doanh nghiệp để họ thiết kế và lên phương án xây dựng hồ bơi. Hiện nay, phương án đang được lựa chọn là lắp ráp hồ bơi nhân tạo theo kiểu modul khép kín, bốn vách làm bằng chất liệu nhựa đặc biệt, nổi hoàn toàn trên mặt đất. Toàn bộ chi phí lắp ráp, vệ sinh môi trường đều do doanh nghiệp chi trả. Trong 5 năm đầu tiên sử dụng, mỗi học sinh phải trả phí 20.000 đồng/tiết xuống hồ bơi luyện tập. Riêng 2 ngày cuối tuần, doanh nghiệp có toàn quyền sử dụng hồ vào mục đích kinh doanh nhằm thu hồi vốn. Sau 5 năm sử dụng, doanh nghiệp sẽ bàn giao hồ bơi lại cho nhà trường điều hành.

Phương án này được xem tối ưu trong việc tiết kiệm chi phí xây dựng hồ, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Hoài Chương, khẳng định: “Chủ trương của sở là tháo gỡ tạm thời khó khăn về mặt chi phí lắp đặt hồ bơi cho các trường. Sau khi cân nhắc, có lắp đặt hay không vẫn thuộc về quyền quyết định của từng trường chứ không tiến hành đại trà ở tất cả các đơn vị”.

Song, câu hỏi được đặt ra là với mô hình xây dựng hồ bơi lắp ráp, sau 5 năm sử dụng, khi đơn vị đầu tư “rút đi”, chất lượng hồ bơi có còn đảm bảo? Các chi phí sửa chữa, cải tạo hồ sẽ do cơ quan nào quản lý? Bên cạnh đó, nhiều nhà quản lý giáo dục lo ngại sẽ xảy ra tình trạng vì lợi ích của cả nhà trường và doanh nghiệp, các trường sẽ cắt xén sân chơi của học sinh lấy đất xây hồ bơi. Khi đó, số lượng trường có hồ bơi đạt chuẩn tăng lên, song diện tích sân chơi đạt chuẩn lại giảm xuống.

Xét ở bình diện đánh giá tổng quát, thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về học sinh. Nói như bày tỏ của một vị nguyên hiệu trưởng (xin được giấu tên) một trường tiểu học trên địa bàn quận 1, việc đạt được mục tiêu này bằng cách đánh đổi một mục tiêu khác không phải cách làm hay trong giáo dục. Một khi đã tính toán đến lợi ích thì quyền lợi sau cùng của học sinh phải được đặt lên hàng đầu. Như vậy, về lâu dài, bài toán phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học vẫn cần một giải pháp căn cơ hơn từ phía các cơ quan lãnh đạo.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục