Giấc mơ xa vời…

Trưa ăn cơm thì tối ăn mì tôm
Giấc mơ xa vời…

Hiện nay, đối với sinh viên nông thôn học đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) ở các đô thị, khoản tổn phí lớn nhất, chật vật nhất chính là tiền thuê nhà trọ. Giá nhà trọ sinh viên so với vài năm trước đã tăng 20% - 30%, thậm chí có nơi tăng đến 40%. Hàng triệu sinh viên đang phải sống và học tập trong những căn nhà trọ chật chội, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng học hành của các em. Dù Chính phủ đã có đề án xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhưng xem ra còn lâu lắm các em mới thực hiện được giấc mơ có chỗ ăn ở, học tập đàng hoàng.

Ký túc xá Đại học Bách khoa TPHCM có diện tích 38.000m² phục vụ hàng ngàn sinh viên.

Ký túc xá Đại học Bách khoa TPHCM có diện tích 38.000m² phục vụ hàng ngàn sinh viên.

Trưa ăn cơm thì tối ăn mì tôm

Sinh viên ngoại tỉnh phải thuê trọ với giá đắt, chất lượng tồi tàn ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội… đã là thực trạng nhức nhối từ nhiều năm nay. Hàng năm, giá nhà trọ vẫn cứ không ngừng tăng lên trong khi chất lượng nhà trọ ngày càng xuống cấp. Tại Hà Nội, các khu vực như quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, huyện Từ Liêm-nơi tập trung nhiều trường ĐH-CĐ của Hà Nội với những khu nhà trọ nổi tiếng như Phùng Khoang, Mễ Trì, Phú Đô, Cầu Diễn, Cổ Nhuế, Cầu Giấy… luôn đông đúc sinh viên ở trọ. Rủng rỉnh tiền và may mắn sẽ thuê được phòng khép kín, không thì hàng ngàn sinh viên vẫn phải ở những dãy nhà trọ xập xệ, khu vệ sinh chung chạ. Sinh viên Phan Thị Trang (quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang học liên thông tại Trường ĐH Thương mại Hà Nội cho biết, rất khó tìm phòng trọ ở gần trường. “Bọn em phải thuê xa, tận khu vực gần Cổ Nhuế. Hàng ngày phải đi xe buýt đi học. 3 người ở một căn phòng rộng chừng 12m² nhưng đã có giá 1,8 triệu đồng/tháng/phòng. Nếu tính cả tiền điện nước thì mỗi tháng hết 2,2 triệu đồng. Tính trung bình mỗi đứa bọn em hết hơn 700.000 đồng/tháng tiền phòng”, Trang cho biết.

Số tiền này đối với Trang và 2 người bạn chung phòng là tương đối dễ chịu vì các em tìm được bạn cùng quê để ở ghép 3 người. Còn lại, hiện nay nhiều sinh viên chỉ ở 2 người, thậm chí một người thì số tiền nhà trọ phải chi càng đắt đỏ hơn. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay giá nhà trọ ở Hà Nội thấp nhất là 750.000 - 800.000 đồng/phòng/tháng, diện tích phòng chỉ hơn 10m² và ở xa nội thành, cách xa các trường ĐH 5-10km. Các phòng trọ giá rẻ này tập trung ở khu vực Nhổn, Chèm… của huyện Từ Liêm. Đa phần là nhà trọ cấp 4, lợp tôn, khu vệ sinh dùng chung, ẩm thấp và bị ngập lụt khi có mưa. Còn tại khu vực Cầu Giấy gần nội đô hơn, nơi tập trung các trường ĐH lớn của Hà Nội như ĐHQG Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… sinh viên không thể tìm phòng trọ có giá từ 750.000 - 800.000 đồng/phòng, mà rẻ nhất cũng phải từ 1,2-2 triệu đồng/phòng. “Giá cao nhưng tại thời điểm này gần như khu Cầu Giấy không còn phòng trọ trống”, Trang cho biết.

Đa số sinh viên ở Hà Nội cho biết, sinh viên ở trọ phải dùng nước giếng khoan với giá từ 50.000 - 80.000 đồng/tháng/người. Điện cũng bị tính ít nhất là 3.500 đồng/kWh. “Tiền điện nước cộng với tiền nhà là khoản chi phí tốn kém nhất của sinh viên ngoại tỉnh”, Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay. Tuấn nói, bố mẹ gắng hết sức chu cấp cho em 2,5 triệu đồng/tháng, Tuấn chi hết 1 triệu đồng tiền nhà trọ, điện nước. “Em chỉ chi 700.000 đồng/tháng tiền ăn, còn lại để dành chi tất tần tật các khoản khác”, Tuấn cho hay. Nhiều sinh viên cũng chung cảnh ngộ như Tuấn, vì tiền nhà chiếm nhiều nên ăn uống phải bóp lại, “buổi trưa ăn cơm thì tối ăn mì tôm và ngược lại”.

Phải “bôi trơn” mới được ở ký túc xá?

Tại buổi họp báo trước thềm năm học mới 2012-2013 mới đây, ông Phạm Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, Bộ GD-ĐT khẳng định, trước những năm 1980, tỷ lệ sinh viên ở trong ký túc xá trường học chiếm 100% nhưng sau này, do số lượng sinh viên tăng lên nhưng cơ sở vật chất các trường chưa thể đáp ứng nổi nên chưa đảm bảo được số lượng phòng theo nhu cầu của sinh viên. “Hiện nay ký túc xá các trường ĐH-CĐ chỉ đáp ứng 20% chỗ ở cho sinh viên, vì vậy các em phải thuê trọ trong điều kiện giá cả tăng cao như hiện nay là hết sức khó khăn”, ông Phương thừa nhận.

Biết rõ thực trạng khó khăn này, Chính phủ đã ban hành đề án ký túc xá cho sinh viên với mục tiêu tới năm 2015 đáp ứng cho 60% sinh viên có nhu cầu thuê nhà được ở tại các khu ký túc xá. Tuy nhiên, đề án xây dựng ký túc xá sinh viên dù đã được triển khai vài năm nay, song do quy mô sinh viên ngày càng lớn nên chưa đáp ứng kịp, nhất là ở các thành phố lớn. Mặt khác, trong mấy năm qua, do tình hình kinh tế khó khăn, các dự án xây dựng ký túc xá gặp cảnh thiếu vốn, chậm vốn nên tiến độ xây dựng càng trở nên chậm trễ.

Đơn cử tại Hà Nội, những dự án nhà ở sinh viên của ĐH Nông nghiệp, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thủy lợi… đều bị chậm tiến độ, thi công cầm chừng. Thậm chí, một số công trình đang tạm ngừng thi công. Đặc biệt, dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên tập trung nằm trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), với quy mô đáp ứng chỗ ở cho gần 22.000 sinh viên lẽ ra được đưa vào khai thác từ năm học 2011 nhưng đến lúc này dự án vẫn đang rất ì ạch và chưa hẹn ngày về đích. Thực tế, nếu các đề án xây dựng ký túc xá hoàn thành, sẽ có thêm 300.000 chỗ ở mới cho sinh viên, thế nhưng đó vẫn còn là giấc mơ xa xỉ. Còn hiện tại, các trường mới chỉ đủ chỗ ở cho sinh viên thuộc diện đối tượng chính sách, còn dư ra một số ít phòng thì nhiều sinh viên diện bình thường phải “bôi trơn” mới được ở ký túc xá.

Ông Phương cho biết, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các địa phương tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên ổn định chỗ ở, quản lý không để xảy ra việc tăng giá phòng trọ. Chính phủ cũng trình Quốc hội giải pháp hỗ trợ về thuế đối với các chủ nhà trọ để không tăng giá phòng trọ sinh viên. Tuy nhiên, thực tế là cứ mỗi năm học mới đến, sinh viên lại phải chấp nhận việc nhà trọ tăng giá mà không nhận được bất cứ sự bảo vệ nào từ phía chính quyền, đoàn thể, nhà trường. Theo PGS Văn Như Cương, đã đến lúc Chính phủ phải kiên quyết yêu cầu các trường ĐH thành lập mới phải bảo đảm đủ chỗ ở cho sinh viên; còn các trường ĐH đang hoạt động phải có lộ trình xây dựng nhà ở cho sinh viên…

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục