Gởi trọn niềm tin vào các thầy cô giáo

Hôm nay cả nước bước vào ngày khai giảng. Trong ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, không chỉ các em học sinh, sinh viên (HS-SV) vui mừng gặp lại bạn bè, thầy cô sau 3 tháng hè, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo cũng mang nhiều niềm vui lẫn lo toan. Nhân dịp đầu năm học, Báo SGGP ghi lại những ưu tư, trăn trở và mong ước của những thầy cô giáo, HS-SV đối với sự nghiệp “Trăm năm trồng người”… Học sinh khối lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong quận 5 TPHCM vui mừng trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: MAI HẢI Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM: Nhà trường chỉ tập trung vào giáo dục học sinh
Gởi trọn niềm tin vào các thầy cô giáo

Hôm nay cả nước bước vào ngày khai giảng. Trong ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, không chỉ các em học sinh, sinh viên (HS-SV) vui mừng gặp lại bạn bè, thầy cô sau 3 tháng hè, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo cũng mang nhiều niềm vui lẫn lo toan. Nhân dịp đầu năm học, Báo SGGP ghi lại những ưu tư, trăn trở và mong ước của những thầy cô giáo, HS-SV đối với sự nghiệp “Trăm năm trồng người”…

Học sinh khối lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong quận 5 TPHCM vui mừng trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh khối lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong quận 5 TPHCM vui mừng trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: MAI HẢI

Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM: Nhà trường chỉ tập trung vào giáo dục học sinh

Tôi mong ước nhà trường tiểu học chỉ lo giáo dục HS. Hàng năm, hiệu trưởng làm kế hoạch và dự toán ngân sách thực hiện kế hoạch để phòng GD-ĐT trình chính quyền. Nếu chính quyền phê duyệt cấp kinh phí bằng vốn ngân sách hay vận động xã hội đóng góp là nhiệm vụ của chính quyền. Tuyệt đối nhà trường không kêu gọi cha mẹ HS đóng góp. Như vậy, chức năng giáo dục sẽ được trả lại đầy đủ cho nhà trường và hình ảnh người thầy được tôn trọng hơn.

Trong nhiều bộ chuẩn mà Bộ GD-ĐT ban hành, có 1 chuẩn rất cấp thiết đó là chuẩn đời sống của GV nói chung. Trồng người cũng xem như trồng cây, người thợ chăm sóc vườn ươm, từ mầm chồi thành cây con. Để cây vươn cao, lớn mạnh lên đại thụ, cho quả ngọt trái sai, người thợ phải được đảm bảo đời sống để hết lòng, hết sức chăm sóc vườn ươm. Trồng người cho trăm năm càng khó khăn, càng lao tâm, khổ trí. Vì vậy, để giáo viên (GV) có đời sống ổn định bằng đồng lương thì không hạnh phúc nào hơn. Việc cải tiến hệ thống hành chính quản lý giáo dục, quản lý các cấp phải lấy HS làm trung tâm, giúp cho việc dạy HS tốt nhất.

Cô NGUYỄN THỊ CẨM THANH TRÀ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Kịp, quận Tân Bình: Đủ trường lớp học bán trú và tiếng Anh tăng cường

Trường chúng tôi ở vùng ven của quận với phần đông các em thuộc diện tạm trú, phụ huynh công việc không ổn định nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Dù khó khăn nhưng phụ huynh, học sinh đều có tinh thần hiếu học, hiện nay nhu cầu học bán trú và tiếng Anh tăng cường rất cao. Thế nhưng cơ sở vật chất còn thiếu, sĩ số HS có lớp lên tới 52 em. Tỷ lệ học HS bán trú chỉ đạt 40%, chỉ có 18% HS được học tiếng Anh tăng cường. Tôi mong ước có đủ trường lớp để sĩ số HS giảm xuống, để chúng tôi đủ thời gian chăm sóc từng em tốt hơn. Giải quyết được nhu cầu được học bán trú và tiếng Anh cho tất cả các em HS, bởi đây là nhu cầu chính đáng, phục vụ cho sự phát triển toàn diện của HS.

Cô NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT, Phó phòng Giáo dục quận 3: Giảm giờ làm cho giáo viên mầm non

Hiện nay, ngành giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, nếu đóng học phí cao thì phụ huynh khổ, còn đóng thấp thì GV than. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, lương GV không đủ sống, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học. Đồng lương không đủ sống nên nghề giáo ít thu hút người giỏi vào học, vì vậy rất khó nâng cao được chất lượng giáo dục. Chưa bao giờ tôi thấy tình trạng giáo viên lại thiếu nhiều như hiện nay, dù là quận trung tâm nhưng tuyển GV cực kỳ khó, thậm chí chúng tôi vừa tuyển vừa “nài nỉ” các em vào ngành.

Năm nay chúng tôi vừa tuyển vừa kèm theo lời nhắn: “Các em cần gì về chuyên môn và trong điều kiện có thể giúp được tụi chị sẵn sáng giúp, bạn bè của các em ai chưa có nhiệm sở cứ đến quận 3, Phòng Giáo dục quận 3 sẵn sàng nhận các em vào làm. Yêu nghề, trăn trở với nghề nhiều lắm nhưng tôi luôn mong ước giáo viên mầm non sống được bằng lương, được đánh giá đúng nghĩa tầm quan trọng của người GV mầm non. GV mầm non hiện nay làm việc quá tải, làm 10 giờ/ngày, không có điều kiện chăm lo cho gia đình. Tôi mong Nhà nước sẽ đầu tư hơn nữa cho giáo dục mầm non để các cô yên tâm làm việc. Cụ thể, năm học này chủ trương giảm giờ làm cho giáo viên mầm non sẽ được thực hiện, bởi năm học vừa qua chủ trương đã có nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thể thực hiện được vì thiếu giáo viên”.

Tân sinh viên LÊ THỊ YẾN, khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm TPHCM: Mong chủ nhà trọ không tăng tiền thuê nhà

Xuất thân từ gia đình nông dân ở Hà Tĩnh vào TPHCM theo học ngành sư phạm, tôi chỉ mong học được nhiều kiến thức để truyền thụ lại cho các em học sinh sau này. Chọn ngành sư phạm để giảm bớt chi phí học tập cho gia đình nhưng vào thành phố mới mấy ngày mà tôi thấy tốn kém quá, nào tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền sách vở… tốn đủ đường. Tôi mong các trường đại học sẽ có ký túc xá cho sinh viên ở. Khi chưa đủ chỗ thì hỗ trợ nhà trọ giá rẻ cho sinh viên. Chứ hiện nay nhiều trường đại học đều tập trung ở các khu vực trung tâm, giá nhà trọ đắt đỏ quá, khiến sinh viên chúng tôi rất khó khăn. Chắc chắn những ngày ở thành phố tôi không chỉ tập trung vào học mà phải đi làm thêm để kiếm tiền ăn học. Mong các cô, bác chủ nhà sẽ không tăng giá nhà trọ, hỗ trợ cho chúng tôi trong những năm trọ học xa nhà.

Ông Nguyễn Minh Tân, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai: Gởi trọn niềm tin vào các thầy cô giáo

Là phụ huynh, chúng tôi không mong gì hơn muốn con mình được học tập và dạy dỗ nên người. Hạnh phúc nhất là thấy con mình chăm chỉ học tập, ngoan, trưởng thành. Có được điều này là nhờ công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo. Năm học mới chúng tôi mong muốn được gởi trọn niềm tin yêu vào đội ngũ giáo viên như những người cha, người mẹ thứ 2 của các em học sinh, dù đồng lương không đủ sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vẫn ngày đêm dạy dỗ các em HS nên người.

Mong rằng thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn tập trung dạy các em về nhân cách, kỹ năng sống để các em được phát triển toàn diện, vừa có tài vừa có đức trở thành những công dân có ích cho xã hội. Mong ngành giáo dục sẽ tiếp tục giảm tải để giảm bớt áp lực học tập, thi cử, đưa chất lượng giáo dục đi vào thực chất hơn.

Lê Linh

Tin cùng chuyên mục