Trường thiếu sân chơi cho trẻ

Ngày tựu trường, đưa con vào các trường tiểu học và mầm non bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn khi thấy cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Ngay tại TPHCM, do nhà trường nằm trong khu đô thị, mặt bằng chật hẹp nên một số trường mầm non và tiểu học không có sân chơi, trong khi đây là yêu cầu quan trọng đối với trẻ độ tuổi này.
Trường thiếu sân chơi cho trẻ

Ngày tựu trường, đưa con vào các trường tiểu học và mầm non bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn khi thấy cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Ngay tại TPHCM, do nhà trường nằm trong khu đô thị, mặt bằng chật hẹp nên một số trường mầm non và tiểu học không có sân chơi, trong khi đây là yêu cầu quan trọng đối với trẻ độ tuổi này.

Học sinh tiểu học rất cần có sân chơi cho các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể dục. Ảnh: THẢO HƯƠNG

Học sinh tiểu học rất cần có sân chơi cho các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể dục. Ảnh: THẢO HƯƠNG

Trường quốc tế cũng thiếu sân chơi

Không ít phụ huynh nghĩ rằng phải chấp nhận tốn kém, cho con mình vào học tại các trường tiểu học quốc tế, tư thục mới phát triển toàn diện, do tại đây trẻ sẽ được dạy ngoại ngữ ngay từ bé và được rèn luyện thêm các năng khiếu khác như chơi đàn, múa hát, vẽ tranh... Tuy nhiên, nhiều trường quốc tế, tư thục không được thiết kế xây dựng theo quy chuẩn, chỉ thuê lại một tòa nhà ở khu trung tâm TP để mở trường, nên không có sân chơi.

Tại Trường quốc tế Việt Mỹ Úc (quận 11), hàng trăm học sinh tiểu học và trung học cơ sở hàng ngày phải học tập trong ngôi trường không hề có một khoảng sân. Đang ở lứa tuổi hiếu động, trẻ rất cần sân trường rộng rãi, thoáng mát, có cây xanh và được đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu vận động giúp phát triển thể chất. Do không gian hạn chế, ở Trường Anh văn Hội Việt Mỹ (quận 1, 3), Trường Tiểu học Singapore International School (quận 1)…, trẻ phải vừa học vừa chơi ngay trong lớp học.
 
Tại nhiều trường mầm non dân lập, tư thục cũng có tình trạng thiếu sân chơi và thiếu cơ sở vật chất phục vụ hoạt động vui chơi giải trí trẻ độ tuổi mầm non. Đang ở tuổi ăn, tuổi chơi nhưng trẻ phải học trong một ngôi trường “đóng hộp”.

Tại Trường Mầm non dân lập quốc tế Mỹ Úc (cư xá Bình Thới, quận 11), hơn 300 trẻ được học tập trong không gian bít bùng của dãy nhà phố. Khoảng sảnh tầng trệt phải dành làm nơi đón tiếp phụ huynh, phòng hành chính, chỉ có một phần nhỏ làm sân chơi cho bé sau giờ học. Còn trong giờ học không gian chơi của bé là những hành lang hẹp ở cửa phòng học, các lớp phải ra chơi lệch giờ nhau để hạn chế cảnh chen lấn.

Tại Trường Mầm non tư thục Hoa Mai (đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5), gần 200 trẻ học trong những căn phòng thuê lại của một chung cư cũ, không có sân chơi và không gian sinh hoạt chung.

Trường Mầm non tư thục Ánh Dương (phường Tân Thới Hiệp, quận 12) chỉ là căn nhà một trệt một lầu, tổng diện tích chừng 100m², là nơi học tập và sinh hoạt của gần 50 trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Nơi đây hoàn toàn không có không gian để trẻ được thư giãn, vui chơi. Cuối giờ học, trẻ chỉ có một trò giải trí duy nhất, xem phim hoạt hình trên ti vi.

Tại quận 1, nơi tấc đất tấc vàng nên các trường mầm non như Tuổi Hồng, Hoa Lan, Nguyễn Thái Bình… cũng đều không có sân trường để trẻ học và vui chơi.
 
Cần đảm bảo đủ điều kiện mở trường

Nhiều trường tiểu học công lập nhỏ tại các quận nội thành TPHCM như Xóm Chiếu, Cây Bàng (quận 4), Điện Biên (quận 10)... cũng thiếu sân chơi. Một số trường khi thiết kế xây dựng có dành sân chơi, sân tập theo chuẩn nhưng rồi quy mô học sinh tăng theo từng năm nên diện tích sân chơi, sân tập bị co lại để xây thêm phòng học.

Trong khi đó, tại các quận ven và huyện ngoại thành, có nhiều trường mầm non và tiểu học có sân trường rộng nhưng lại thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị vui chơi. Trường thiếu sân chơi khiến trẻ bị gò bó tù túng trong không gian chật hẹp, không thông thoáng và không được vận động, tạo thành thói quen lười vận động, dễ gây ra tình trạng béo phì.

Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT cần thắt chặt hơn các quy định về điều kiện mở trường học đối với các trường quốc tế, tư thục dành cho trẻ mầm non và tiểu học, trong đó phải đáp ứng được điều kiện về không gian thoáng khí, có sân chơi, thiết bị đồ chơi ngoài trời để phục vụ các kỹ năng tối thiểu của trẻ như chạy nhảy, leo trèo...

Đối với các trường công mầm non và tiểu học nhỏ trong khu dân cư, thành phố nên mạnh dạn chuyển đổi công năng, thu hồi kinh phí để đầu tư xây trường mới đúng quy chuẩn, có sân trường và các trang thiết bị vui chơi cho trẻ. Cũng cần quyết liệt thu hồi những khu đất sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả để xây dựng trường mới.

Trong thời gian qua, Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã triển khai việc xây dựng sân chơi tiêu chuẩn quốc tế trong khuôn viên một số trường tiểu học ở một số địa phương, gồm 4 bộ thiết bị vận động: xích đu, thú nhún, vòng xoay và tổ hợp cầu trượt. Các bộ thiết bị vui chơi vận động này được thiết kế và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế về sự an toàn cũng như phù hợp với nhu cầu vui chơi, vận động của lứa tuổi học sinh tiểu học. Đó là một hướng đi đúng và nên chú ý nhân rộng.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục