Sổ tay: Đừng tự làm khổ mình

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp là y như rằng tại các TP lớn lại rộ lên những vấn đề không mong muốn của ngành giáo dục.

1. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp là y như rằng tại các TP lớn lại rộ lên những vấn đề không mong muốn của ngành giáo dục.

Từ chuyện “chạy trường”, căng thẳng chỗ học bậc mầm non, cho đến việc phụ huynh phải xếp hàng, bốc thăm để kiếm tìm một suất học cho con tại trường mà mình mong muốn… Những bất cập tồn tại mang tính thường xuyên ấy, cộng với lời đề nghị giúp đỡ của một vị phụ huynh nhờ “chạy” một suất vào trường TH Ng.B.K. (quận 1) để lại cho tôi nhiều suy nghĩ.

Vẫn biết việc “vỡ” chỉ tiêu vào bậc học mầm non hay lớp 1 tại TP Hà Nội, TPHCM là điều không mới, khi hiện tượng trên vẫn thường xảy ra mỗi khi mùa tuyển sinh đến. Đó là một áp lực, thách thức thật sự mà ngành giáo dục Hà Nội, TPHCM phải đối mặt khi trường lớp một số khu vực nội đô ít nhiều vẫn còn hạn chế so với áp lực dân số. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bản chất vấn đề, những áp lực khách quan lẫn chủ quan mà các TP lớn đang phải đối mặt, ít nhiều cũng đến từ phía phụ huynh.

2. Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục nói chung, từng địa phương nói riêng đã không còn duy trì các loại hình phân định trường chất lượng cao với trường đơn lập. Các chủ trương chính sách đào tạo - bồi dưỡng ngày càng hoàn thiện, với nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp cho các địa phương hàng năm luôn chiếm một lượng ngân sách rất lớn.

Sự đầu tư ấy, một mặt đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn ngành, một mặt đảm bảo nguyên tắc bất di bất dịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mọi học sinh đều được đến trường với bất kỳ lý do, hoàn cảnh khó khăn nào (ai cũng được học hành). Trách nhiệm, ý thức xã hội của ngành với phụ huynh rất lớn. Tuy nhiên, chỉ vì một lối tư duy có phần khô cứng của một số ít phụ huynh, sự ích kỷ và ham muốn cá nhân nhiều khi đến phi lý của một bộ phận, khiến hình ảnh về giáo dục, việc học của học sinh tại một số đô thị lớn trong mắt không ít người còn tệ hơn việc đi học thời bao cấp, chiến tranh phá hoại.

3. Giáo dục và các thiết chế giáo dục hiện nay đã rất chuẩn định. Tuy nhiên, tâm lý muốn con học trường tốt, muốn con được học những người thầy tốt vẫn luôn ám ảnh, đè nặng trong tâm trí không ít phụ huynh. Chính bởi cái ám ảnh về điều tốt đẹp, về các giá trị thật khó cân đo đong đếm mà không ít phụ huynh bất chấp sức học của con em họ, gạt bỏ nguyện vọng của chính các cháu để kiếm tìm cho được những hoài vọng, những điều để thỏa mãn cái ham muốn cá nhân của mình. Hậu quả của điều đó thì đã quá rõ, họ tự làm khổ chính bản thân mình, làm khổ nhà trường và một chút ít phiền muộn, suy nghĩ cho chính những người trong ngành.

Một vị hiệu trưởng trường tiểu học ở quận 1 TPHCM đã không ít lần than thở với tôi rằng: “Tôi không hiểu vì sao nhiều phụ huynh mỗi khi đến mùa tuyển sinh vẫn cố sống cố chết, thậm chí là “vung tiền” để tìm một suất học vào trường cho con họ. Dù nhà trường có giải thích thế nào, lý giải ra sao, họ vẫn nhất quyết đòi vào bằng được, dù mặt bằng giáo dục của các trường tiểu học trên địa bàn hoàn toàn bằng nhau. Sự đòi hỏi ấy nhiều khi đến vô lý, khiến áp lực tuyển sinh của trường năm nào cũng “căng như dây đàn”. Mặc dù trong thực tế, hệ thống trường lớp trên địa bàn dư sức đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân”.

Vì vậy, thiết nghĩ các bậc phụ huynh hãy thật sự bình tĩnh, hãy thôi tự làm khổ chính bản thân mình vì những giá trị không mang lại lợi ích cho con trẻ. Hãy để con trẻ được phát triển một cách tự nhiên, được vui chơi học hành thoải mái, hồn nhiên nhất. Đó mới chính là điều các phụ huynh nên hướng đến trong tiêu chí định hướng, chọn lựa một môi trường giáo dục - phát triển cho con em mình.

Mai Ly

Tin cùng chuyên mục