Biết chấp nhận thất bại

Kết thúc kiểm tra học kỳ 2 và tổng kết năm học, bé Bi, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 buồn bã vì chỉ đạt điểm 7 môn toán. Tâm sự với mẹ, Bi nói: “Chắc thầy cô giáo chấm sai rồi mẹ ạ, con không thể nào đạt 7 điểm”. Cả một tuần, chị N.H.T.Anh, mẹ bé Bi phải đau đầu làm thế nào để khuyên bảo con chấp nhận điểm 7 đó.

Chị Anh tâm sự: “Thật khó để dạy con chấp nhận thất bại. Tôi và ba của bé Bi phải mất hết một tuần để dạy con nhận ra là đôi khi phải chấp nhận rằng mình còn những thiếu sót. Ba mẹ sẽ không trách hay phạt, dù bài thi con chỉ đạt điểm 5, điểm 6. Điểm số không quan trọng, điều quan trọng là con phải chấp nhận sự thật và rút kinh nghiệm cho những lần sau”.

Cùng tâm trạng với chị Anh, chị Tr.Th.P.Hồng, phụ huynh một học sinh Trường Tiểu học Tuy Lý Vương (quận 8) cho biết: “Vừa qua, một bé con người bạn học rất giỏi. Trong năm học, bé đều đạt điểm 9, 10 nhưng kỳ thi cuối năm vừa qua, chỉ đạt 6 điểm môn toán. Kết quả, bé cứ khóc suốt đến bỏ ăn, bỏ uống. Dường như không chỉ có bé mà bố mẹ bé cũng không chấp nhận được kết quả này”.
 
Trước đây, ở cấp tiểu học, điểm để xét lên lớp là điểm trung bình cộng của điểm kiểm tra cuối kỳ 1 và cuối kỳ 2. Nay, theo Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT, điểm kiểm tra cuối năm sẽ là điểm học lực môn để xét lên lớp. Ví dụ, một HS có điểm kiểm tra cuối kỳ 1 là 1 và điểm kiểm tra cuối kỳ 2 là 7.

Theo cách tính cũ, điểm học lực môn cả năm là 4, thì học sinh đó không được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại. Nhưng nay theo đánh giá mới, học lực môn là 7, đủ điều kiện là HS tiên tiến. Ngược lại, một HS có điểm kiểm tra cuối kỳ 1 là 8, điểm kiểm tra cuối kỳ 2 là 1. Theo cách tính cũ, điểm học lực môn là 4,5, làm tròn thành 5, HS đó được lên lớp thẳng, nhưng theo cách đánh giá mới, em phải kiểm tra lại.

Mặc dù theo quy định mới, việc đánh giá HS tiểu học phải kết hợp đánh giá định lượng (điểm số) và đánh giá định tính (nhận xét), kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của HS, kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ. Đánh giá HS theo những nguyên tắc trên là thể hiện tính nhân văn của giáo dục tiểu học.

Theo quy định mới, các môn đạo đức, tự nhiên và xã hội, thủ công, âm nhạc, kỹ thuật, mỹ thuật, thể dục là đánh giá bằng nhận xét: các môn tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, tin học là kết hợp cả nhận xét và điểm số. Trong cả hai loại đánh giá, những lời nhận xét đều rất quan trọng. Nó chỉ ra những tiến bộ mà các em đã đạt được, những thiếu sót mà HS cần khắc phục.

Những lời động viên, nhắc nhở không chỉ thể hiện trách nhiệm, mà còn là lương tâm, tình cảm của giáo viên đối với mỗi HS. Lời nhận xét phải làm sao chỉ rõ các em đã sai sót hoặc còn yếu những điểm nào. Lời nhận xét mang tính động viên là chính, không được làm tổn thương đến các em.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều giáo viên chưa chú trọng đến yêu cầu này. Mặt khác, phụ huynh khi nhận được kết quả của con, cũng quan tâm nhiều điểm số hơn là phần nhận xét của giáo viên.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, chia sẻ: “Tiểu học là cấp học nền tảng của giáo dục phổ thông, tạo cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ cho học sinh. Vì vậy, việc đánh giá HS tiểu học, phải lấy động viên, khuyến khích sự tiến bộ của các em là chính.

Phụ huynh đừng nên nhìn vào điểm số mà gây nhiều áp lực cho con. Thay vào đó, nên giúp con nhận ra những sai sót, thất bại và dạy con biết rằng những điều thiếu sót trong hôm nay luôn luôn là bài học thành công cho ngày mai”.

NGUYỄN THỦY

Tin cùng chuyên mục