Vụ “Trường quốc tế... lừa người học”: Trách nhiệm của ai?

Liên quan đến bài viết “Trường quốc tế… lừa người học”, chúng tôi tiếp tục có thêm nhiều thông tin quan trọng do ban giám hiệu mới của Trường AVIS và Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM cung cấp. Đặc biệt, cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc để làm rõ vụ việc.
Vụ “Trường quốc tế... lừa người học”: Trách nhiệm của ai?

Liên quan đến bài viết “Trường quốc tế… lừa người học”, chúng tôi tiếp tục có thêm nhiều thông tin quan trọng do ban giám hiệu mới của Trường AVIS và Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM cung cấp. Đặc biệt, cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc để làm rõ vụ việc. 

Không có giấy phép đào tạo cao đẳng nhưng Công ty AVIS vẫn vô tư đào tạo hệ cao đẳng ngành CNTT quốc tế, kinh tế quốc tế... Ảnh: T.HÙNG
Không có giấy phép đào tạo cao đẳng nhưng Công ty AVIS vẫn vô tư đào tạo hệ cao đẳng ngành CNTT quốc tế, kinh tế quốc tế... Ảnh: T.HÙNG

Mạo danh trường quốc tế

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103010652 do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM) cấp ngày 19-6-2008 cho Công ty cổ phần Đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Mỹ Việt (Công ty Mỹ Việt) tại mục 3 có ghi: “Ngành, nghề kinh doanh: Đào tạo đại học và sau đại học; đào tạo cao đẳng; đào tạo nghề... Người đại diện pháp lý của công ty là ông Lê Công Đức”.

Trong khi đó, theo quy định, bản thân công ty, doanh nghiệp và kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng không được phép đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học. Muốn đào tạo phải có sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT. Thế nhưng, có được giấy phép như có được “đặc quyền”, ông Đức vô tư làm bảng hiệu, tờ rơi xưng danh công ty mình là Trường Quốc tế Mỹ Việt (AVIS) để lừa người học. Đáng nói hơn, việc làm trái luật này của ông Đức đã bị Thanh tra Sở LĐTB-XH lập biên bản nhưng ông vẫn cố tình tái phạm.

Kết luận thanh tra của Sở LĐTB-XH TPHCM (ngày 29-4-2010) đã dẫn ra hàng loạt sai phạm của Công ty Mỹ Việt. Theo đó, công ty có đến 4 sai phạm trong việc chấp hành Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, gồm: không kê khai sử dụng lao động; không đăng ký nội quy lao động với cơ quan lao động địa phương; không đăng ký thang lương, bảng lương; không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Riêng về đào tạo, công ty không hoạt động đào tạo nghề tại số 19 Ni Sư Huỳnh Liên, phường 10, quận Tân Bình (theo giấy chứng nhận đăng ký dạy nghề số 31 do Sở LĐTB-XH cấp ngày 23-10-2008) mà lại dời về số 36, đường A4, K300, P12, Tân Bình và có một văn phòng chiêu sinh tại số 394 Lê Văn Sỹ, P12, quận Tân Bình khi chưa được sự chấp thuận của sở về việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính là không đúng quy định.

Tại thời điểm thanh tra, công ty quảng cáo, chiêu sinh và đang liên kết đào tạo 260 sinh viên trình độ cao đẳng ngành khoa học máy tính, kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh theo hợp đồng liên kết đào tạo với Trường ĐH International University (INU) nhưng không xuất trình được các văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền đối với liên kết đào tạo.

Theo đại diện Sở LĐTB-XH, ông Lê Công Đức vi phạm 3 lỗi nghiêm trọng: Tự ý thay đổi tên và mạo nhận là trường quốc tế; liên kết đào đạo không đúng chức năng, vượt cấp; nếu nghiêm trọng hơn, có thể quy vào tội lừa đảo.

Cố tình làm sai

Sai phạm đã rõ ràng nhưng những kiến nghị khắc phục của Thanh tra Sở LĐTB-XH cũng không được ban lãnh đạo Công ty Mỹ Việt, mà đứng đầu là ông Lê Công Đức chấp hành. Thậm chí, hai nội dung quan trọng nhất là “thay đổi biển hiệu đúng với tên gọi đã đăng ký, đồng thời ngưng ngay các hoạt động quảng cáo, chiêu sinh, liên kết đào tạo các ngành nghề chưa có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền” cũng bị phớt lờ.

Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị công ty phải lập hồ sơ đăng ký hoạt động dạy nghề tại địa điểm mới. Tuy nhiên, ông Lê Công Đức vẫn không chấp hành mà vẫn tiếp tục vi phạm. Đã thế, ông đem bán công ty nhằm đẩy trách nhiệm của mình về phía những người chủ mới của công ty.

Những cái sai của ông Đức còn chưa được cơ quan chức năng xử lý thì người mua lại cổ phần và ban lãnh đạo mới của công ty lại tiếp tục sai thêm: Biết đây là công ty mạo danh trường quốc tế lừa sinh viên nhưng vẫn mua lại trường; ban giám hiệu mới không có tinh thần trách nhiệm và không tố giác những sai phạm của ông Đức.

Nghiêm trọng hơn, trong buổi hội thảo ngày 23-6-2010, vị giám đốc một trung tâm xưng là đại diện của Viện Quản trị Doanh nghiệp giới thiệu về chương trình học do viện mua bản quyền của ĐH North West. Tuy nhiên, trước đó bản thân vị giám đốc này cũng biết rõ chương trình chưa được Bộ GD-ĐT chấp thuận và Viện của ông cũng hoàn toàn chưa biết gì về thông tin này. “Tôi cũng biết làm thế là sai nhưng chẳng lẽ đứng khoanh tay nhìn gần 300 sinh viên sắp bị đuổi ra đường, mấy chục công nhân viên có nguy cơ mất việc”, ông giám đốc thổ lộ. 

Quyền lợi sinh viên vẫn bị “treo”

Trao đổi với chúng tôi về những nội dung mà Báo SGGP phản ánh, ông Hồ Nam, Hiệu trưởng mới của AVIS cho biết: “Chính xác đến hôm nay trường tiếp nhận 262 sinh viên do ông Lê Công Đức tuyển sinh “chui” từ năm 2009. Trước đây, tôi cùng làm việc với ông Đức nhưng về việc liên kết đào tạo, chương trình đào tạo, cấp bằng… đều do ông Đức quyết định và hứa với sinh viên. Nhưng cuối cùng, ông ấy chẳng làm được gì cho sinh viên cả…”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, vị chủ tịch Hội đồng quản trị mới của trường thừa nhận: “Cái sai của chúng tôi là  biết ông Đức sai mà vẫn im lặng. Lẽ ra chúng tôi phải đợi đến lúc ông Đức chịu trách nhiệm trước pháp luật rồi mới mua lại trường nhưng tôi lo cho số sinh viên bị tuyển chui đó không biết sẽ đi về đâu. Vì trên thực tế, nếu không mua lại đơn vị này, chắc chắn sinh viên sẽ không có bằng cấp dù đã đóng 1.000USD cho ông Đức…”. Dù khẳng định sẽ cố tìm mọi cách để liên kết với các trường nhằm bảo vệ quyền lợi của sinh viên nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề “bằng cách nào” thì vị chủ tịch này lúng túng: “Có thể sinh viên sẽ phải học thêm các chứng chỉ mới do Bộ GD-ĐT cho phép rồi từ đó học lên tiếp”.

Về thông tin AVIS ký kết hợp đồng đào tạo với chi nhánh phía Nam, Trung tâm Giáo dục và Hợp tác Quốc tế (Comedic) thuộc Viện Quản trị Doanh nghiệp, lãnh đạo Viện Quản trị Doanh nghiệp ngoài Hà Nội cũng chưa nắm rõ. Trong khi đó, chương trình đào tạo của ĐH North West University mà AVIS định giảng dạy cho 262 sinh viên trên cũng mới chỉ dừng ở mức “đang trình với Bộ GD-ĐT”.

Trong ngày 4-8, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Công Đức, người chịu trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho gần 300 sinh viên, để trao đổi và làm rõ thông tin nhưng ông Đức tiếp tục không hợp tác.
Theo thông tin PV Báo SGGP có được, sau khi Báo SGGP đăng thông tin, Phòng An ninh Văn hóa – Tư tưởng thuộc Công an TPHCM và Thanh tra Sở LĐTB-XH đã làm việc với ban lãnh đạo mới của AVIS. Phía Viện Quản trị Doanh nghiệp cũng đã trực tiếp giải trình vụ việc với Bộ Công an

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục