Không chỉ tại “heo vàng”!

Sự kiện nhiều phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để được nhận 1 trong 25 đơn xin nhập học tại Trường Mầm non (MN) Sơn Ca 5 (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) đã khiến nhiều người băn khoăn: TPHCM thiếu chỗ học đến thế sao?

Sự kiện nhiều phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để được nhận 1 trong 25 đơn xin nhập học tại Trường Mầm non (MN) Sơn Ca 5 (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) đã khiến nhiều người băn khoăn: TPHCM thiếu chỗ học đến thế sao?

Theo nhiều người lý giải, vì năm 2010 là năm trẻ sinh năm 2007 - được gọi là năm “heo vàng” bắt đầu đi học MN nên mới quá tải như thế. Nhiều trường MN chỉ có chỉ tiêu vài chục chỗ để thu nhận trẻ lớp mầm nhưng nơi nào cũng có vài trăm đơn xin vào học. Sự quá tải tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng của trường nên dẫn đến chuyện trường càng đạt chuẩn, gần trung tâm thì sĩ số lớp càng đông. Nhiều phụ huynh dù không được nhận vẫn để hồ sơ lại chờ đến khi có chỗ trống hoặc chen lấn xếp hàng, đạp đổ hàng rào để xin cho con được vào học.

Câu chuyện “heo vàng” dẫn đến quả tải chỉ là giọt nước tràn ly. Số liệu từ Cục Thống kê TPHCM cho thấy, có 100.700 trẻ sinh năm 2007, tăng 5,1% so với năm 2006. Hiện tượng người dân thích chọn tuổi đẹp để sinh con vô hình trung gây sức ép lên hệ thống giáo dục. Nhưng, chúng ta cũng không thể phủ nhận sự ì ạch của các công trình trường học trong nhiều năm khiến tình trạng quá tải tại TPHCM càng tăng.

TPHCM hiện có 15 phường, xã của quận 4, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức, Phú Nhuận còn “trắng” trường MN công lập, trong khi ở những nơi này, số người nhập cư, lao động nghèo tập trung đông nhất. Việc gửi trẻ vào các trường, lớp ngoài công lập học phí thấp dễ dẫn đến những hiểm họa khó lường.

Theo nhiều trường, trong khi TPHCM đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính thì thủ tục xây dựng trường lớp là khâu nhiêu khê, khổ ải nhất. Có những công trình trường học mà tính từ lúc duyệt dự án, làm thiết kế, lo thủ tục và xây dựng, xấp xỉ 10 năm vẫn chưa xong. Nhiều dự án trường học sau nhiều năm vẫn chỉ nằm trên giấy và sự quá tải chỗ học đang ngày càng leo thang.

Có thể thấy, không ở đâu, người đi học sướng và khổ như ở TPHCM, Hà Nội… Với việc đầu tư ngân sách cho giáo dục lớn nhất nước, TPHCM có nhiều trường đạt chuẩn, chất lượng cao để người học đủ điều kiện phát triển. Thế nhưng thực tế, dân số quá đông khiến miếng bánh đầu tư cho giáo dục bị chia nhỏ và những vấn đề phát sinh khiến các nhà giáo dục loay hoay.

Bên cạnh một số trường đạt chuẩn quốc gia là sự thiếu hụt trường lớp, cơ sở vật chất ở các quận vùng ven. Sự chênh lệch này càng đào sâu hố ngăn cách, bất bình đẳng cho người học. Chỉ tính riêng bậc học MN, TPHCM có khoảng 700 trường, trong đó chỉ có hơn 300 trường công lập, tỷ lệ trẻ học ở hệ thống công lập chỉ chiếm hơn một nửa, tất yếu sẽ có sự căng thẳng vì khoảng cách giữa học phí công lập và tư thục quá cách biệt.

TPHCM là nơi đi đầu trong xã hội hóa giáo dục, hệ thống các trường ngoài công lập đang phát triển nhưng chính học phí và chất lượng của hệ thống này lại làm “đau đầu” các nhà quản lý. Người học không dễ để “chọn đúng mặt… gửi con” vào các trường, lớp ngoài công lập.

Câu chuyện quá tải chỗ học dành cho trẻ “heo vàng” năm nay sẽ càng căng thẳng khi 2 năm nữa, các cháu vào lớp lá – lứa tuổi bắt buộc phải phổ cập và khi đó, các trường không được quyền từ chối nhận trẻ. Đến khi trẻ “heo vàng” vào lớp 1, bài toán chỗ học sẽ càng lớn hơn khi từ bậc học này, nhà trường không thể “co giãn” lớp học như giải pháp tạm thời ở các trường MN hiện nay. Chúng ta không thể đỗ lỗi cho hiện tượng xã hội theo kiểu “heo vàng” làm quá tải cả hệ thống giáo dục!

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục