Nghịch lý ở Trường chuyên Lê Hồng Phong

60% HS học thêm
Nghịch lý ở Trường chuyên Lê Hồng Phong

“Những thế hệ học sinh (HS) cũ rất tự hào về ngôi trường mang tên Pétrus Ký – Lê Hồng Phong. Nhưng nay, niềm hãnh diện đó không còn như xưa nữa…”. Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Hồng Phong đã bộc bạch nỗi niềm với đoàn đại biểu Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP) trong buổi làm việc tại trường vừa qua. Điều gì đang xảy ra ở một trong những ngôi trường cổ kính nhất TP, ngôi trường Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới?

Học sinh lớp 10A5 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TPHCM trong giờ học Anh văn. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh lớp 10A5 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TPHCM trong giờ học Anh văn. Ảnh: MAI HẢI

Chưa được đầu tư xứng tầm

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM và cả nước nên trường đã nhận được sự quan tâm đầu tư của UBND TPHCM. Hiện trường có 156 giáo viên (GV), trong đó có 1 tiến sĩ, 34 thạc sĩ và 22 GV đang học chương trình thạc sĩ. “Trường và Sở GD-ĐT luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho GV học tập, nâng cao trình độ. GV học sau ĐH đều được Sở GD-ĐT hỗ trợ kinh phí”, ông Võ Anh Dũng khẳng định.

Nhưng nghịch lý là THPT chuyên Lê Hồng Phong đang đứng trước nguy cơ suy giảm chất lượng đào tạo vì thiếu GV môn chuyên ở hai khía cạnh chất lượng lẫn số lượng. Thật khó tìm người bổ sung, thay thế những GV giỏi đã chuyển công tác.

Học sinh lớp 10A5 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong trong giờ học Anh văn. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh lớp 10A5 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong trong giờ học Anh văn. Ảnh: MAI HẢI

Mặt khác, dạy môn chuyên đòi hỏi người thầy thật sự giỏi, đam mê, sáng tạo với nghề. Trong khi đó, đa số GV của trường phải dạy thêm hoặc làm việc khác lo cho gia đình nên đã ảnh hưởng đến thời gian đầu tư công tác giảng dạy. Phụ cấp lớp chuyên cho GV Lê Hồng Phong chỉ có 1.7, nếu so với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) là 2.7, mới thấy khoảng cách đầy ngậm ngùi.

Với những khó khăn thiếu hụt GV chuyên, nhà trường phải mời các thầy cô đã nghỉ hưu, còn tâm huyết với HS ra giảng dạy. Nhưng những bất cập về cơ sở vật chất như phòng học thiếu, xuống cấp, trang thiết bị chưa đồng bộ, lạc hậu thì hoàn toàn nằm ngoài tầm của trường.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thừa nhận: “Trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm rất lạc hậu”. Trường THPT đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là một trong 3 trung tâm chất lượng cao của cả nước từ năm 1995, song 14 năm qua quy chế hoạt động của 3 trung tâm chất lượng cao vẫn còn ở dạng dự thảo khiến trường chưa có cơ chế đầu tư toàn diện.

60% HS học thêm

Được ưu tiên trong tuyển sinh hàng năm, nhưng THPT chuyên Lê Hồng Phong lại không tuyển đủ HS nếu trường lấy số trúng tuyển bằng với chỉ tiêu. Đặc biệt, số HS trúng tuyển các lớp chuyên đăng ký học chỉ khoảng 60%. Nhiều người khá bất ngờ với thông tin trường đưa ra là HS không mặn mà vào lớp chuyên.

“Cha mẹ HS và chính các em thiếu quyết tâm đeo đuổi chương trình chuyên. HS có tâm lý ngán ngại, không hăng hái tham gia đội tuyển vì muốn dành thời gian cho kỳ thi ĐH hoặc đầu tư cho du học”, ông Võ Anh Dũng giải thích thêm. Vì lẽ đó, hơn 60% HS Lê Hồng Phong đi học thêm. Rõ ràng, dù chất lượng học tập ở Lê Hồng Phong thật sự vượt trội song chương trình SGK nặng nề, chế độ thi cử chậm cải tiến đã tạo áp lực học tập vô cùng to lớn cho cả HS chuyên.

Chương trình chuyên chỉ tập trung vào bề nổi

Nhiều năm qua, THPT chuyên Lê Hồng Phong đã làm tốt công tác bồi dưỡng HS giỏi cho TPHCM. Tuy nhiên, chương trình học chỉ tập trung vào bề nổi (thi HS giỏi quốc tế, quốc gia) mà chưa thấy bề sâu (đào tạo nhân tài cho đất nước, các nhà quản lý giỏi, nhà khoa học lớn).

Ông Võ Anh Dũng đề xuất: “Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu của THPT chuyên là phát hiện, bồi dưỡng để phát triển năng khiếu cho HS, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPHCM và đất nước. Trên cơ sở mục tiêu mới này, chúng ta xác định việc dạy và học, cách đánh giá, chế độ chính sách… phù hợp, chứ không lấy kết quả thi HS giỏi làm thước đo chất lượng của trường”.

Theo các nhà nghiên cứu, chương trình giáo dục của trường chuyên cần phải được thiết kế lại phù hợp với mục tiêu đào tạo nhân tài, bồi dưỡng tài năng trong các lĩnh vực khác nhau mà ta đang cần. Điều quan trọng hơn là chính sách thu hút nhân tài vì mỗi năm Trường Lê Hồng Phong có khoảng 150 HS đi du học nước ngoài, trong số này rất ít em trở về phụng sự quê hương.

Năm học 2009 - 2010, THPT chuyên Lê Hồng Phong có 55 lớp với 1.740 HS, trong đó có 23 lớp chuyên và nhóm chuyên với sĩ số mỗi lớp từ 15 - 25 HS. Trong kỳ thi HS giỏi quốc gia tháng 3 vừa qua, trường có 35 em có giải, trong đó có 3 HS giải nhất. Ngoài ra, trường còn có 341 HS giỏi cấp TP, giải nhất toàn đoàn kỳ thi Olympic 30-4 năm 2010 dành cho HS giỏi lớp 10 và 11 các tỉnh phía Nam.

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục