Giáo dục chuyên nghiệp: Bao giờ thoát cảnh “bước đệm”?

“Chúng ta nói nhiều về quá trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, song tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thiếu trầm trọng thợ lành nghề có trí tuệ và bàn tay vàng làm chúng ta đang bị thua ngay trên “sân nhà” và cả “sân ngoài” trong cuộc cạnh tranh về chất lượng”. Các đại biểu đã nhìn nhận thẳng thắn những bất cập của giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) tại Hội thảo khoa học “Đổi mới và phát triển GDCN TPHCM do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 23-1.
Giáo dục chuyên nghiệp: Bao giờ thoát cảnh “bước đệm”?

“Chúng ta nói nhiều về quá trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, song tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thiếu trầm trọng thợ lành nghề có trí tuệ và bàn tay vàng làm chúng ta đang bị thua ngay trên “sân nhà” và cả “sân ngoài” trong cuộc cạnh tranh về chất lượng”. Các đại biểu đã nhìn nhận thẳng thắn những bất cập của giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) tại Hội thảo khoa học “Đổi mới và phát triển GDCN TPHCM do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 23-1.

Cơ sở vật chất: 50 năm vẫn... “chạy tốt”

“Không thể nào đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng khi mà học sinh (HS) phải thực tập trên những máy móc được sản xuất cách đây từ 30-40 năm trước”. Đây là thực tế nhức nhối được nhiều đại biểu đưa ra phản ánh tại hội thảo.

TS Đỗ Kỳ Công, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng than: “Trường có gần 8 ngàn HS, SV rất cần tới nhiều máy móc hiện đại nhưng phần lớn máy móc thiết bị đang sử dụng vẫn nằm trong tình trạng thiếu, lạc hậu và hư hỏng nhiều. Cơ sở vật chất (CSVC) được trang bị từ những năm 1960 đã qua nhiều lần sửa chữa nâng cấp nhưng đến nay toàn bộ phòng, xưởng thực tập không còn phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế của một trường CĐ kỹ thuật hiện đại nữa”.

Sinh viên lớp điện tử Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học về hệ thống ampli. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên lớp điện tử Trường Cao đẳng nghề TPHCM trong giờ học về hệ thống ampli. Ảnh: MAI HẢI

Trường CĐKT Lý Tự Trọng được xem là trường TCCN mũi nhọn của TP mà CSVC được tận dụng từ 50 năm trước thì máy móc ở những trường khác “cổ xưa” đến mức nào! Mặc dù hệ thống GDCN của TPHCM được đánh giá phát triển nhất so với các địa phương khác, CSVC, trang thiết bị có cải thiện so với 15 năm trước nhưng vẫn không thể nào đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

TS Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM trăn trở: “Số trường công có CSVC tương đối tốt nhưng thiết bị thực hành còn rất giới hạn về số lượng lẫn chất lượng, chưa có khả năng cập nhật. Các trường ngoài công lập (chiếm 2/3) yếu kém không chỉ về CSVC mà còn về môi trường hoạt động và thiết bị thực hành. Cá biệt có trường quá chật hẹp và CSVC thiếu ổn định.

Đầu vào ít, đầu ra bế tắc

CSVC đã yếu kém còn phải cạnh tranh với các trường CĐ, ĐH đã làm cho các trường ngày càng chật vật trong tuyển sinh. Nhiều trường không đảm bảo được chỉ tiêu được giao, thậm chí có trường chỉ tuyển được 25% chỉ tiêu được duyệt.

Trong khi đó, không ít HS xem TCCN chỉ là bước đệm dừng chân khi rớt CĐ, ĐH và các em sẵn sàng rời bỏ trường ngay khi có cơ hội.

Bà Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường TC Vạn Tường, lo lắng: “Mấy năm nay tốc độ thành lập các trường TCCN ngoài công lập quá nhanh, chỉ tính riêng tại TPHCM năm 2001 chỉ có một vài trường đến nay đã có tới 30 trường ra đời. Trong đó không ít trường không đủ điều kiện CSVC, thậm chí thuê mướn, giáo viên thiếu, cán bộ quản lý yếu kém, chương trình đào tạo bị cắt xén dẫn đến chất lượng không thể nào đạt chuẩn, HS ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Cả nước có 503 trường TCCN và 230 trường CĐ, CĐ nghề, ĐH, học viện có đào tạo TCCN. Quy mô đào tạo TCCN tăng gấp 2,5 lần, từ 255.120 HS ở năm học 2000-2001 lên hơn 625.770 HS vào năm học 2008-2009.

Nghịch lý thiếu - thừa cũng là một bài toán đau đầu. Các trường “đua” nhau mở những nghề không cần nhiều vốn đầu tư lại thu hồi vốn nhanh, còn HS thích vào học nghề thời thượng điều dưỡng, dược, tài chính ngân hàng, du lịch, kế toán, tin học… Trong khi những ngành nghề mũi nhọn của TP luôn “khát” lao động như công nghệ thực phẩm, cơ khí, trồng trọt, quản lý đất đai, điện lạnh, may thiết kế thời trang… thì rơi vào cảnh tuyển sinh vắng vẻ, đìu hiu.

Điển hình cho lãng phí nguồn lực là trường hợp của L.T, Long An. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên L.T, đã xác định học TCCN để sớm có việc làm giúp đỡ gia đình. 6 tháng sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán loại khá, L.T dù đi “mòn chân” khắp các trung tâm giới thiệu việc làm nhưng vẫn chưa có công ty nào nhận. Mà mỗi lần phỏng vấn không đạt, L.T lại bị mất phí giới thiệu (100.000 đồng). Cuối cùng L.T quyết định học tiếp liên thông lên CĐ vì chỗ nào tuyển dụng cũng yêu cầu kinh nghiệm- điều mà hầu hết HS - SV mới ra trường đều thiếu. Bản thân L.T cũng không tự tin vào bản thân nên đã “trốn” phỏng vấn ở vài nơi vì sợ rớt.

Theo Ths Bùi Văn Trực, thật ra các nhà tuyển dụng sẵn sàng chọn ứng viên mới tốt nghiệp nếu ứng viên này có tiềm năng và được trang bị những kỹ năng làm việc. Tuy nhiên, nhiều trường đã bỏ quên khâu đào tạo quan trọng này. Ông Hồ Quang Minh, Công ty BeeLogistic cũng cho biết thêm điểm yếu của HS “chỉ được đào tạo về mặt lý thuyết, còn thực hành và thực tập còn xa rời thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp”.

Mở rộng các ngành nghề đào tạo TP đang cần

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận: Phải có các giải pháp tích cực cụ thể

Với yêu cầu phát triển của hiện nay, TP cần phải có lực lượng lao động lành nghề. Tuy nhiên thời gian qua, hệ thống các trường phát triển chưa gắn với cơ cấu dân cư, với sự phát triển các vùng trọng điểm của thành phố, và chưa tạo được cầu nối chặt chẽ với các doanh nghiệp. Chính vì vậy, đề nghị ngành giáo dục và các ban ngành khác phải có các giải pháp tích cực cụ thể, đặc biệt là phân luồng học sinh hiệu quả để thu hút học sinh vào học các trường đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc học này.

Theo khuyến cáo của TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN, TPHCM thiếu khả năng dự báo và quy hoạch nguồn nhân lực, thiếu diện tích đất phát triển cơ sở hạ tầng cho trường học. Sự chồng chéo về quản lý dạy nghề khiến TP không tổng hợp nguồn lực, tận dụng được lợi thế của mình. Bức tranh GDCN những năm qua khiến những người tâm huyết đôi lúc thấy bi quan, bế tắc lối ra.

Tuy nhiên, những tín hiệu vui tuy chưa “bừng sáng” trong vô vàn khó khăn của đào tạo bậc TCCN nhưng phần nào khẳng định thêm quyết tâm của TP sẽ “xây dựng mạng lưới trường chuyên nghiệp đạt chuẩn, đào tạo chất lượng”, đáp ứng thiết thực CNH - HĐH. Đó là sự học hỏi kinh nghiệm phát triển GDCN từ Singapore. Đó là một số dự án xây dựng “vệ tinh” hệ TCCN ở Củ Chi, Nhà Bè, quận 9… đưa nghề đến gần với HS hơn.

TS Huỳnh Công Minh quyết tâm đẩy mạnh phân luồng HS: “Hình thức đào tạo chuyên nghiệp sẽ đa dạng và mở rộng cửa trường vào xã hội một cách mạnh mẽ so với giáo dục phổ thông. Trường chuyên nghiệp phải gắn chặt với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất …”. Theo Sở GD-ĐT, TP sẽ ưu tiên nâng cấp, đầu tư xây dựng 1 - 2 trường TCCN tiên tiến để đến năm 2015 tiếp cận được các tiêu chuẩn đào tạo tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, ngành sẽ từng bước sắp xếp lại hệ thống trường TCCN đồng thời thành lập mới 4 trường ở quận 9, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.

Các trường TCCN được tăng cường đầu tư CSVC phải đảm bảo mở rộng các ngành nghề đào tạo TP đang cần, đang thiếu, đang thu hút vốn đầu tư. Riêng các trường TCCN không được hưởng ngân sách nhà nước kiến nghị TP tạo điều kiện cho các trường được thuê đất, vay vốn kích cầu để xây dựng cơ sở. “Ổn định CSVC là điều kiện tiên quyết giúp trường phát triển lâu dài”, ông Hoàng Quang Thanh, Trường Trung cấp Phương Đông mong mỏi.

Hồng Liên-Lê Linh

Tin cùng chuyên mục