Chống lưu ban, bỏ học - Vì học sinh hay… thành tích?

Trò “đuối” vì chương trình quá hàn lâm
Chống lưu ban, bỏ học - Vì học sinh hay… thành tích?

Qua học kỳ 2, khuynh hướng nghỉ bỏ học tăng cao khiến nhiều hiệu trưởng nhận định, ngăn chặn bỏ học là một cuộc chiến hết sức nan giải và phức tạp.

Trường THPT Lương Thế Vinh TPHCM sử dụng bảng điện tử vào việc giảng dạy giúp học sinh hứng thú trong học tập. Ảnh: MAI HẢI

Trường THPT Lương Thế Vinh TPHCM sử dụng bảng điện tử vào việc giảng dạy giúp học sinh hứng thú trong học tập. Ảnh: MAI HẢI

Trò “đuối” vì chương trình quá hàn lâm

TPHCM hiện có hơn 20% HS THPT và 11% HS THCS học lực yếu, kém. Vì sao HS học yếu kém? Rất nhiều hiệu trưởng có cùng kết luận: Chương trình học quá nặng khiến HS có học lực mấp mé trung bình phải “bơi” trong dòng chảy hàn lâm, từ chương, thiếu thực hành, nặng lý thuyết.

Bên cạnh đó là một số GV chưa nhiệt tình trong đầu tư giảng dạy, các tiết học chưa thật hấp dẫn và sinh động khiến HS trung bình - kém cảm thấy ngột ngạt, nặng nề. Rồi khi “đuối sức”, HS rớt xuống yếu kém, mất căn bản. Yếu kém dẫn đến lưu ban, từ lưu ban đến nghỉ bỏ học là một khoảng cách rất ngắn khi các em có tâm lý chán nản, mặc cảm với bạn bè.

Hết học kỳ 1 của năm học 2009 - 2010, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ có 13/ 16 HS nghỉ bỏ học vì học lực yếu kém, THPT Bình Phú có 15/18 HS, THPT Nguyễn An Ninh có 38/42 HS, THPT Hàn Thuyên có 46/63 HS … “đuối sức” phải bỏ học nửa chừng. Tính chung trên toàn thành có 1.557 HS THPT bỏ học vì nhiều nguyên nhân: hoàn cảnh khó khăn, nhà xa, đau ốm, du học. Tuy nhiên số HS nghỉ học vì yếu kém chiếm đến 43,28% (674 HS). Ở các quận, huyện, số HS THCS nghỉ bỏ học lên đến hàng trăm như quận 4 có 101 HS, Gò Vấp: 125 HS, Tân Phú: 209 HS, Củ Chi: 120 HS, Hóc Môn: 144 HS. Trong số 1.610 HS THCS nghỉ học thì nguyên nhân yếu kém cũng chiếm đến 44,16%.

Những quận có số HS nghỉ bỏ học cao đều có đông dân nhập cư, nghề nghiệp không ổn định, cuộc sống tạm bợ, nghèo khó. Ngoài giờ học, nhiều em phải đi bán vé số, bong bóng hoặc theo cha mẹ mua bán ve chai, đẩy xe ba gác… kiếm sống hàng ngày nên khó có điều kiện học tốt. Có trường hợp HS bỏ họ vì cha mẹ không có tiền trả tiền thuê nhà phải dọn sang chỗ khác giá rẻ hơn hoặc trốn nợ.

Hoàn cảnh sống cơ cực (hoặc trong số ít trường hợp là được nuông chiều thái quá) khiến một số em trở thành HS cá biệt, bất cần đời.

Ông Ngô Đức Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lai, kể: Một nam sinh lớp 7 của trường đâm người khác bị thương. Theo quy định, trường phải lập hội đồng kỷ luật, nhưng trường chưa “răn” được thì cha của HS này tìm đến trường “đe”: Thầy bỏ qua đi, tôi đã dàn xếp xong xuôi hết rồi. Nếu thầy vẫn muốn xử lý thì tôi sẽ cho nó nghỉ học.

Tương tự, BGH Trường THCS Bông Sao A đau đầu: “Số HS thường xuyên đi trễ, nghỉ học tùy tiện, không thuộc bài rất nhiều. GV mời PHHS đến trường bàn bạc nhưng nhiều PHHS không vào hoặc chỉ đến có 1, 2 lần.

Ông Võ Ngọc Thành, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận 8, bộc bạch: “Thực tế nhiều trường đã phát hiện và xử lý những vụ trấn lột, trộm cắp, tổ chức gây gổ đánh nhau do chính HS của trường thực hiện. Đáng lưu ý là hành động của các em xuất phát từ sự sai bảo, xúi giục của những “đại ca”. Các em thường nghe lời kẻ xấu ngoài nhà trường sai khiến dễ rơi vào con đường xấu. Trong lớp, HS cá biệt thích làm người hùng, quay cóp, trốn học, tự ý tiêu xài tiền học”.

Dù HS “siêu quậy” đến cỡ nào thì nhà trường không thể áp dụng đúng điều lệ trường vì nếu làm mạnh tay, các em sẵn sàng bỏ học. Nhưng nếu giữ các em ở lại trường, HS, GV nơm nớp lo lắng sẽ trở thành... nạn nhân của HS cá biệt.

“Còn nước, còn tát”

“Chống nghỉ bỏ học thái quá dễ rơi vào bệnh thành tích. Trường tôi năm nào có nhiều HS nghỉ hơn những năm trước là tôi bị “gõ đầu” nhắc nhở. Đã làm hết cách, đã cấp học bổng, năn nỉ, dụ dỗ, có đủ các giải pháp “nhu”, “cương” nhưng HS vẫn không muốn đến lớp thì chịu thua thôi”, một số hiệu trưởng than. Nếu số nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng đến phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi, đến thành tích PCGD trung học của quận.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo trường bác bỏ nhận định chống lưu ban, bỏ học vì bệnh thành tích. “Những HS bị quăng ra đời không có kiến thức, thiếu kỹ năng lại thêm những tác động tiêu cực của môi trường xã hội thì HS khó trở thành công dân tốt. Để ngăn ngừa các em trở thành mối nguy của xã hội, GV phải hết lòng vì HS theo phương châm “còn nước, còn tát”.

Chống lưu ban, bỏ học vì HS hay thành tích phụ thuộc vào… góc nhìn. Rõ ràng, đánh giá của người trong ngành GD-ĐT về vấn đề này cũng có cự ly chênh nhau. Tuy nhiên, dù đứng ở góc nhìn nào, chống lưu ban, nghỉ bỏ học đang được ngành GD-ĐT dốc sức giải quyết.

Và không thể phủ nhận công sức của người thầy trong thuyết phục và giúp đỡ HS trở lại trường. Đồng lương thấp nhưng trách nhiệm cao, hai vai người thầy mang nhiều trọng trách: từ đổi mới chương trình cho kịp với xu thế thời đại... cho đến chịu trách nhiệm với hành động của HS ở… ngoài nhà trường. Trong khi nhiều PHHS sẵn sàng khoán trắng giáo dục nhân cách HS cho nhà trường.

Nguyên nhân dẫn đến lưu ban, bỏ học

- Về phía nhà trường: Vì thành tích nên các trường buộc phải cho HS lưu ban để đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp; GV dạy trước chương trình mà không quan tâm kiến thức lớp đang học đã tạo ra lỗ hổng kiến thức cho HS.

Mặt khác, chương trình học, kiểm tra, thi cử quá tải gây tâm lý căng thẳng, sợ học cho các em.

- Về phía HS: do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, do sức khỏe kém, gia đình đổ vỡ, không được sự quan tâm của gia đình.

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục