Thuộc diện tạm trú - Hơn 100 học sinh bị đẩy khỏi trường

Thuộc diện tạm trú - Hơn 100 học sinh bị đẩy khỏi trường

Hôm qua 20-9, Trường Tiểu học Bùi Văn Ngữ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) chính thức thông báo với nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) về việc con em họ phải di dời qua cơ sở của Trường Tiểu học Tây Bắc Lân. Danh sách này có hơn 100 HS phải chuyển chỗ học. Sự việc này khiến nhiều PHHS cảm thấy bất bình.

Hơn một tháng, tính từ ngày tựu trường của năm học 2009 - 2010 đến nay, con tôi, một HS lớp 1 chưa kịp quen thầy, quen bạn đã phải 3 lần chuyển lớp. Và vào cuối tuần qua 18-9, nỗi hớn hở đi học đã bị dập tắt khi cháu cùng hơn 100 bạn khác phải chuyển đến một cơ sở của trường Tây Bắc Lân.

Ban giám hiệu trường Bùi Văn Ngữ cho biết nguyên nhân: “Các HS này thuộc diện tạm trú, trong khi đó, trường lại đông HS, không đủ phòng học”. Lý giải của nhà trường không thuyết phục vì HS được nhận vào trường căn cứ vào kế hoạch tuyển sinh của trường do Phòng Giáo dục huyện Hóc Môn duyệt, mà kế hoạch này phải được xây dựng từ nhiều tháng trước, dựa trên nhu cầu và chỉ tiêu của Trường Bùi Văn Ngữ.

Nhiều PHHS đã đặt câu hỏi với nhà trường: Nếu đúng khó khăn như trường nói, thì tại sao trường không áp dụng những biện pháp tạm thời mà nhiều địa phương khác đang làm như tăng sĩ số HS, xây thêm phòng học (PHHS đồng ý đóng góp kinh phí), giảm số lớp học 2 buổi/ngày? Vì sao nhà trường chỉ có duy nhất một giải pháp lạnh lùng là đuổi hơn 100 HS ra khỏi trường? Đây là lần thứ 2 trường Bùi Văn Ngữ chuyển HS sang cơ sở của trường Tây Bắc Lân với một danh sách hoàn toàn khác lần 1.

Khi phụ huynh nêu thắc mắc: Vì sao có HS tạm trú vẫn còn ở lại trường thì nhà trường viện lý do: HS diện tạm trú không bị chuyển là vì có anh chị em đang học tại trường và đậu khảo sát tăng cường tiếng Anh (?!). Lý do này cũng không thuyết phục vì rất nhiều HS không có anh chị em học tại trường mà cũng không đậu khảo sát tiếng Anh vẫn được ở lại học.

Liệu rằng có gì khuất tất trong việc trường Bùi Văn Ngữ lên danh sách chuyển HS đến 2 lần, với tên tuổi lần 2 hoàn toàn khác lần 1 (ở danh sách lần 1, kế hoạch của nhà trường phải ngưng lại do bị PHHS phản ứng mạnh mẽ - PV)?

Nhiều PHHS nhìn những cặp mắt ngơ ngác của con em mình mà bất lực vì không thể giải thích cho cháu hiểu những lý do của “người lớn”. Các cháu khó có thể hòa nhập với nơi học mới, vốn là một nhà hàng được chuyển công năng thành… trường học. Thực tế, điều kiện cơ sở vật chất của trường Tây Bắc Lân không phù hợp với mô hình trường học.

Cụ thể, cầu thang hình cánh cung trong khi HS tiểu học hiếu động, rất dễ xảy ra tai nạn; phòng kính 3 mặt rất nóng, nhà vệ sinh không phù hợp cho học sinh lớp 1. Vì gốc là nhà hàng nên trường không có khoảng sân chơi cho các em. Mặt khác, phòng học không đúng quy cách và bố trí không hợp lý, chiều ngang phòng chỉ 5 - 6m nhưng lại bố trí 4 chiếc bàn hàng ngang, mỗi bàn dài khoảng 1,2m, mỗi bàn cách nhau khoảng 3 tấc làm cho các em không thể đi lại được và rất dễ gây thương tích.

Cầu thang uốn cong làm HS dễ té khi đi.

Cầu thang uốn cong làm HS dễ té khi đi.

Phòng học của cơ sở Tây Bắc Lân không đúng quy cách.

Phòng học của cơ sở Tây Bắc Lân không đúng quy cách.

Lạ chỗ, lạ thầy, rất nhiều HS khóc suốt và không chịu đi học trường mới, cứ đòi cha mẹ phải dẫn về “trường của con”. Trong thời điểm hiện nay, PHHS không thể xin con mình học ở trường khác. Trong khi đó, Luật Giáo dục cấm phân biệt đối xử HS và tạo điều kiện cho tất cả HS được đi học, ngay cả HS diện tạm trú ngắn hạn.

Thế nhưng không hiểu vì sao một ngôi trường ở xã Bà Điểm lại phân biệt, đối xử và đi ngược lại Luật Giáo dục? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi các em mới bước vào năm học đầu đời lại bị ảnh hưởng về mặt tâm lý?

Huỳnh Văn

Tin cùng chuyên mục