Xã hội hóa ký túc xá: Đã thành hiện thực

Xây KTX sinh viên: thiếu cả đất lẫn tiền
Xã hội hóa ký túc xá: Đã thành hiện thực

“Xây ký túc xá (KTX) cho sinh viên (SV) chỉ để các trường tự lo thì không bao giờ giải quyết được vì hiện nay các trường còn khó khăn cả về kinh phí đào tạo lấy đâu ra để lo chỗ ở cho SV…” - lãnh đạo các trường đều lắc đầu khi chúng tôi hỏi về chuyện chăm lo chỗ ở cho SV. Giải quyết chỗ ở cho SV vẫn là vấn đề nan giải của các trường ĐH, CĐ nhiều năm nay. Mới đây, một mô hình xây KTX SV đã trở thành hiện thực và bắt đầu có hiệu quả.

Xây KTX sinh viên: thiếu cả đất lẫn tiền

Xã hội hóa ký túc xá: Đã thành hiện thực ảnh 1

Ký túc xá ĐH Bách khoa TPHCM mới đưa vào sử dụng năm 2009. Ảnh: MAI HẢI

Trong những ngày đầu năm 2009, Trường ĐH Bách khoa TPHCM phấn khởi đưa vào sử dụng một KTX mới, hiện đại tại số 497 Hòa Hảo, phường 7, quận 10. KTX như một cao ốc hiện đại. Có tầng hầm để xe và 12 tầng lầu với 307 phòng ở cho SV Việt Nam, 20 phòng cho SV nước ngoài, 20 phòng là nhà khách của trường được trang bị giống phòng khách sạn.

Mỗi tầng đều có 1 phòng sinh hoạt chung, có 6 thang máy hiện đại. Ngoài ra, tại KTX còn có thư viện, phòng máy tính, căn tin, phòng tập đa năng với câu lạc bộ võ thuật Aikido, bóng bàn... miễn phí để giúp SV luyện tập sức khỏe.

Tổng kinh phí xây dựng trên 120 tỷ đồng. KTX hiện đại nhưng để được vào ở chỉ là trong mơ ước của hàng ngàn SV trường ĐH Bách khoa vì KTX này chỉ đáp ứng được 2.500 chỗ trong tổng số hơn 17.000 SV đang học tại trường.

PGS-TS Lê Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cho biết: “Nghĩ lại những ngày đầu có dự án xây dựng mới KTX, chúng tôi phải chạy vạy đủ nơi để kiếm kinh phí, từ kinh phí nhà nước đến vận động các tỉnh xây, nhưng cũng không đi đến đâu. Cuối cùng vì nhu cầu về chỗ ở của SV, nhà trường đã mạnh dạn vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển để xây dựng, nên sau 3 năm mới có được nơi ở này”.

Chúng tôi hỏi về kế hoạch trong tương lai, ông Nam lắc đầu, xây được KTX này nhà trường cũng đã nỗ lực lắm rồi, về lâu dài nếu chỉ nhà trường tự lo chắc cũng chả có thêm KTX nào vì đất của trường ở khu vực Thủ Đức chỉ đủ để xây trường học mà thôi.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM từ trước đến nay chỉ có KTX 135B Trần Hưng Đạo quận 1 và KTX tại 43-45B Nguyễn Chí Thanh quận 5 với sức chứa 1.600 SV (8% nhu cầu) trong tổng số khoảng 20 ngàn SV. Hai KTX này ngày càng xuống cấp, mỗi năm trường phải bù lỗ hàng tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Việt, than: “Không những không có đất, mà nếu có đất nhà trường cũng không có kinh phí để xây dựng vì trường hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính. Phần thu học phí của SV không đủ chi, phần đào tạo còn khó khăn nói chi đến lo chỗ ở cho SV. Dự án 60 ha xây Trường ĐH Kinh tế tại quận 9 có từ trước năm 2000 nhưng đến nay vẫn chỉ ở trên giấy”.

KTX của các trường ĐH, CĐ khác tại TPHCM cũng chỉ đáp ứng được 10%-30% nhu cầu chỗ ở của SV. Đối với các trường ngoài công lập phần lớn đều không có KTX. SV tỉnh lên TPHCM học phải chật vật lo chỗ ở bên ngoài, không ít SV phải trọ học trong những khu nhà ổ chuột ẩm thấp, thiếu vệ sinh và an ninh.

Nhân rộng mô hình xã hội hóa KTX

Đến KTX ĐH Quốc gia TPHCM cùng với TS Nguyễn Khắc Cảnh, Trưởng ban công tác chính trị SV ĐH Quốc gia TPHCM, ông hồ hởi chỉ tay vào khu KTX mới xây xong, nói: “Cách đây vài năm, tui nhớ các cô Báo SGGP cùng chúng tôi ngồi bàn ý tưởng xã hội hóa KTX. Không ngờ giờ đây đã trở thành hiện thực này. Đây là khu KTX hơn 1.000 chỗ theo mô hình xã hội hóa. Công ty Hưng Á đầu tư vốn 100%. Giai đoạn 1 đã hoàn thành giải quyết được hơn 1.000 chỗ ở cho SV, 6 SV/phòng 32m².

TS Nguyễn Khắc Cảnh cho biết: “Hiện nay KTX ĐH Quốc gia TPHCM có 20 ngàn SV đang theo học, khoảng 60% SV trong số này cần chỗ ở. Hiện đã có 15 đơn nguyên do các tỉnh xây và 1 khu KTX của tư nhân đáp ứng được 7.000 chỗ ở cho SV. Còn 5.000 SV vẫn phải ở ngoài nhà dân. Sắp tới sẽ xây thêm một KTX vốn của ĐH Quốc gia gồm 12 tầng lầu làm mẫu, sau đó sẽ mời doanh nghiệp tham gia xây dựng thêm KTX tại khu B.

Hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề, hy vọng về lâu dài, hầu hết SV ĐH Quốc gia sẽ được ở trong một làng KTX hiện đại, an ninh. Bởi khi các doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng KTX trên đất của ĐH Quốc gia không phải mất một khoản kinh phí nào về đất.

Theo quy định mới, nhà nước còn có những ưu đãi cho doanh nghiệp như: không thu tiền sử dụng đất, được miễn thuế sử dụng đất, được hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng khi giao đất. Được huy động vốn từ quỹ phát triển nhà ở của trung ương, địa phương, các tổ chức tín dụng, được xem xét để bổ sung vào danh mục vay tín dụng đầu tư của nhà nước theo quy định… Các hoạt động đầu tư xây dựng KTX cho SV được áp dụng mức thuế ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế.

Xã hội hóa KTX là một hướng đi hợp lý nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho SV trong bối cảnh trường thiếu kinh phí. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có thể làm được theo mô hình này, bởi hầu hết nhiều trường đang rơi vào tình trạng thiếu quỹ đất trầm trọng. Đất để lo chỗ ở cho SV cần phải có quy hoạch tổng thể của từng địa phương thì mới giải quyết được.

Tổng điều tra thực trạng, nhu cầu KTX toàn quốc

Ngày 12-2-2009, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đề nghị các trường báo cáo số liệu về số HS,SV và thực trạng KTX của các trường trên cả nước nhằm lên kế hoạch cho chương trình xây dựng KTX của các trường (giai đoạn 2009 - 2015).

Cùng với đó, quỹ đất dự kiến của từng trường theo quy hoạch đã được phê duyệt và quỹ đất đã xây dựng KTX theo quy hoạch cũng được Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo, để tháng 4-2009 bộ này phải trình Thủ tướng Chương trình Đầu tư xây dựng KTX giai đoạn 2009-2015 cho HS, SV các trường ĐH, CĐ, THCN và dạy nghề toàn quốc.

Lê Linh

Tin cùng chuyên mục