Thầy Lê Đình Kỵ của chúng tôi

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ
Thầy Lê Đình Kỵ của chúng tôi

Sáng 24-10, nhạc sĩ Võ Công Anh báo tin buồn: Giáo sư Lê Đình Kỵ cha vợ tôi, thầy giáo của các anh đã qua đời. Ở thế hệ chúng tôi, thầy cô nói chung và thầy cô thời đại học qua đời không quá bất ngờ. Chúng tôi lớn lên và thầy cô già yếu. 

Tin giáo sư Lê Đình Kỵ (ảnh) qua đời là hung tin đối với các thế hệ sinh viên chúng tôi và riêng tôi, gợi nhiều kỷ niệm và những ý tưởng vẫn còn đau đáu. Thầy vẫn hẹn tôi bàn về “hình tượng thơ trữ tình”, đề tài luận văn tốt nghiệp đại học, cách nay 40 năm…

Thầy Lê Đình Kỵ của chúng tôi ảnh 1

Thầy cô khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 60, 70 của thế kỷ XX mãi được nhắc đến, đó là những trí thức lớn, những nhà giáo dục, những nhà văn hóa: Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Hữu Yên, Tôn Gia Ngân, Nguyễn Tài Cẩn, NôNa, Lê Đình Kỵ, Bạch Năng Thi, Nguyễn Văn Hượu, Nguyễn Văn Tu, Phan Cự Đệ, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Cao Xuân Hạo…

Thầy Kỵ dạy chúng tôi phần khó nhất, ấy là môn Dẫn luận văn học. Thầy Kỵ có giọng nói không hấp dẫn sinh viên nhưng bù lại, những buổi lên lớp của thầy bao giờ cũng được đón đợi. Phần thì để nghe cho kịp, phần thì nội dung bài giảng của thầy rất mới lạ, sâu sắc, nền móng.

Thời đó Liên Xô có bộ phim từ tác phẩm trong chương trình văn học Nga của Lep Tônxtôi “Chiến tranh và hòa bình”. Điều thú vị nhân vật Cutudốp… rất giống thầy Kỵ. Ít nói, trầm lặng, quyết đoán... nên từ bữa đó, chúng gọi nói chuyện riêng với nhau, đều gọi thầy Lê Đình Kỵ là tướng Cutudốp.

Năm cuối đại học, để anh em sinh viên có điều kiện học tập và làm luận văn, chúng tôi từ vùng sơ tán Đại Từ Thái Nguyên về Thanh Xuân Hà Nội. Thầy Kỵ ở chung với sinh viên. Chiều nào chúng tôi cũng thấy thầy Kỵ dựa lan can, nhìn đăm đăm về phương Nam.

Anh Lưu Quốc Sĩ, cán bộ đi học, lớp trưởng cùng Lê Quang Trang, Đỗ Sơn Cao, học rất giỏi môn lý luận văn học được cử đến hỏi thăm, chia sẻ. Thầy Kỵ cười nhẹ, nói: “À... à… thằng con trai mình chưa về!? Mãi sau chúng tôi hiểu, thầy nhớ quê, nhớ thời trai trẻ…”. 

Thầy Lê Đình Kỵ sinh năm 1923. Quê thầy ở xã Điện Hồng, Điện Bàn Quảng Nam, vốn là quê dệt vải và buôn bán tơ tằm. Học ở Huế và Pétrus Ký Sài Gòn. Tham gia cách mạng từ trước 1945, đi bộ đội làm cán bộ tuyên truyền cấp tiểu đoàn.

Thầy dạy học ở các trường, trong đó có Trường Lê Khiết, nổi tiếng Liên khu V. Tập kết ra Bắc thầy dạy ở Trường Nguyễn Trãi, Hà Nội, Trường Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên… Sau đó về dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và tại đây định hình một nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn Lê Đình Kỵ. Sau khi nước nhà thống nhất (1975) thầy dạy Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM).

Gần 50 năm là nhà giáo, thầy Lê Đình Kỵ để lại một gia tài nghiên cứu, lý luận đồ sộ gồm 19 công trình khoa học văn hóa văn nghệ với gần 50.000 trang sách. Trong đó có nhiều sách là giáo khoa của các trường đại học.

Thầy Lê Đình Kỵ của chúng tôi biết tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng Nga… Thầy được phong hàm Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, và Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa – Nghệ thuật.

Tôi nhớ mãi nhận xét của thầy trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp đại học. Đề tài khó, tôi lấy cả một núi tài liệu về và thường xuyên xin đến trao đổi phương pháp thực hiện. Thầy Kỵ nhiều lần lắc đầu. “Tôi chưa thấy sinh viên nào rắc rối như cậu”. Tôi hiểu đề luận văn khó lắm. Chẳng vậy mà học trước tôi một khóa Hồ Thành Công (nhà thơ Thanh Thảo) và tôi cùng lao vào đề tài “Sự vận động của hình tượng thơ trữ tình”. Đề tài luận văn này vẫn theo tôi đến bây giờ và còn lâu hơn… Vậy mà thầy Kỵ đã ra đi.

Tôi biết làm thơ viết báo. Nhiều khi thầm nghĩ, mình có được chút khả năng làm việc là do nhiều nguyên cớ, trong đó ảnh hưởng của thầy Lê Đình Kỵ. Thầy Kỵ luôn nhắc chúng tôi, làm việc phải có phương pháp luận; với văn hóa nghệ thuật phải có sự đồng điệu, đồng điệu về thời đại, nhân vật, đồng điệu với yêu cầu thời cuộc. Riêng với thơ, lưu ý, chọn lọc cách trích dẫn…

Mới đây kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, viết về thơ Lưu Quang Vũ và Bằng Việt, tôi nhớ tới bài viết của thầy Kỵ về hai anh, bên cạnh những nhà thơ lớn Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh, phong trào Thơ mới, Thơ trẻ…

Thầy Lê Đình Kỵ kính yêu, chúng em nhớ ơn thầy. Thầy ra đi thanh thản. Chúng em đã lớn trong tầm mắt thầy cô và lớn với đời!

VŨ KHOA VŨ ÂN THY

Lúc 9 giờ 30 ngày 24-10, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ đã qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 86 tuổi.

GS-NGND Lê Đình Kỵ sinh năm 1923 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Từ năm 1958, ông theo con đường dạy học và suốt 40 năm sau đó ông đã giảng dạy lý luận văn học tại các Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Tổng hợp TPHCM, Trường ĐH KHXH và NV TPHCM. Nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành dưới sự dìu dắt của thầy như PGS Huỳnh Như Phương, PGS Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS Lê Tiến Dũng… Bên cạnh việc dạy học, thầy còn là một nhà phê bình thơ nổi tiếng với các tác phẩm bình thơ như Đường vào thơ (1969), Trên đường văn học (2 tập, 1995), cũng trong lĩnh vực phê bình, thầy đã có công phát hiện nhiều nhà thơ mà sau này họ đã có đóng góp quan trọng vào nền thi ca Việt Nam như: Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo…

Ngoài ra, GS-NGND Lê Đình Kỵ còn được giới chuyên môn xếp vào hàng giáo sư đầu ngành của lý luận văn học Việt Nam, hai tác phẩm chuyên luận Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực (1970) và Thơ mới-những bước thăng trầm (1988) đã trở thành tác phẩm quan trọng đối với các thế hệ nghiên cứu văn học. Thầy đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho những đóng góp đối với nền văn học Việt Nam.

Linh cữu của GS-NGND Lê Đình Kỵ được quàn tại Nhà tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn). Lễ viếng bắt đầu lúc 7 giờ ngày 25-10, lễ truy điệu sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ 30 sáng 28-10 sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM.

T.VÂN

Tin cùng chuyên mục