Cái khó của Đồng Tháp là hệ thống giao thông còn hạn chế, vì vậy cầu Cao Lãnh được thông xe sẽ mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho vùng đất sen hồng. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP nhân sự kiện này.
PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, việc khánh thành, đưa cầu Cao Lãnh vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp và các địa phương lân cận…?
Đồng chí NGUYỄN VĂN DƯƠNG: Công trình cầu Cao Lãnh được đưa vào sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Đồng Tháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho cả vùng ĐBSCL. Công trình hoàn thành đã hiện thực hóa ước mơ bao đời nay của người dân đôi bờ sông Tiền, người dân vùng ĐBSCL; đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi giữa TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL, cũng như kết nối trục thứ 2 Bắc - Nam là đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Mũi Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương
Hiện nay Đồng Tháp đã và đang chuẩn bị thế nào để kết nối hệ thống giao thông của tỉnh, nhằm phát huy những lợi thế từ việc được đưa cầu Cao Lãnh vào sử dụng?
Đồng Tháp đang triển khai đầu tư tuyến đường ĐT 852B giai đoạn 2 và các tuyến đường theo quy hoạch kết nối với cầu Cao Lãnh, cùng các tuyến đường quốc lộ (QL) N2, QL30 là những tuyến giao thông đối ngoại của tỉnh Đồng Tháp với TPHCM và vùng ĐBSCL, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Đồng Tháp thu hút đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống logistics, tạo lợi thế cạnh tranh. Qua đó, thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp và thời gian qua tỉnh đã có những đột phá nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Vậy, với việc cầu Cao Lãnh được đưa vào sử dụng, Đồng Tháp có những kỳ vọng gì trong kết nối phát triển nông nghiệp của tỉnh với các địa phương trong khu vực?
Cầu Cao Lãnh thông xe đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, tỉnh phát triển Khu Công nghiệp công nghệ cao tại huyện Lấp Vò, với quy mô 250 - 400ha (bao gồm tổ hợp các dự án: Khu Công nghiệp chế biến sâu, nhà máy chế biến rau củ quả, chợ đầu mối nông sản, chợ đầu mối hoa kiểng; kết hợp với các hoạt động logistics phục vụ khu vực ĐBSCL); đến nay, các nhà đầu tư đã khảo sát, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đặc biệt, Đồng Tháp phối hợp với Long An và Tiền Giang xây dựng hoàn chỉnh đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, nhằm bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng Tháp Mười. Đề án đang hoàn chỉnh để gửi các bộ ngành Trung ương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi đề án được triển khai sẽ kết nối phát triển liên vùng, cũng như phát huy tối ưu những lợi thế mà từ cầu Cao Lãnh mang lại.
Cầu Cao Lãnh giúp Đồng Tháp và vùng ĐBSCL phát triển
Đồng Tháp được Trung ương chọn thực hiện thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau gần 4 năm triển khai, đến nay đã đạt được kết quả ra sao. Đâu là những kinh nghiệm cần đúc kết, cũng như định hướng sắp tới nhằm phát triển nông nghiệp bền vững?
Sau gần 4 năm thực hiện, Đồng Tháp khẳng định đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai đúng hướng, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng giảm dần sản lượng và nâng cao chuỗi giá trị từng ngành hàng, nhằm bảo đảm tăng thêm lợi nhuận và thu nhập cho người dân. Quá trình thực hiện đề án được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nông dân có sự chuyển biến rõ nét, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; đồng thời mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường. Thông qua việc hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, đã hình thành mô hình “Hội quán” trong nhân dân, nhằm tập hợp các hộ dân cùng nhau bàn bạc, lựa chọn, áp dụng thống nhất quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, hiệu quả; từng bước thay đổi tập quán sản xuất cá thể, đơn lẻ, để hình thành các mối quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô lớn...
Tới đây, tỉnh tiếp tục triển khai đề án giai đoạn đến năm 2020, định hướng năm 2030 theo hướng bền vững. Vừa qua, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm định hướng phát triển bền vững từng ngành hàng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực; nhất là đẩy mạnh kết nối hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân (thông qua HTX, tổ hợp tác); nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả; mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao... hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; từng bước chuyển dịch lao động nông thôn sang khu vực phi nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào lợi nhuận thu được hơn là doanh thu đạt được...