Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa: Nên nghiên cứu lại việc phát triển đô thị về hướng Nam

Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, TPHCM nên rà soát lại thật cẩn thận việc phát triển đô thị ở phía Nam trên tinh thần nếu cần điều chỉnh thì phải điều chỉnh lại những việc đã làm không đúng quy hoạch, thậm trí đúng quy hoạch nhưng bất hợp lý và không khả thi tại các vùng trũng, nền đất yếu, ngập lụt thường xuyên… 
Trước hậu quả ngập úng nặng nề, đã đến lúc TPHCM cần rà soát lại việc quy hoạch
Trước hậu quả ngập úng nặng nề, đã đến lúc TPHCM cần rà soát lại việc quy hoạch

Trước hậu quả ngập úng nặng nề ở TPHCM do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 vừa qua, đã đến lúc thành phố cần rà soát lại việc quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị. Những gì còn thiếu sót, chưa hợp lý, cần được khắc phục, điều chỉnh. Việc này chắc chắn rất khó và cũng không thể làm xong trong “một sớm một chiều”, thế nhưng không thể không làm. Đó là những nội dung cơ bản mà GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đã trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung của cuộc đối thoại đầu tuần này.

Quy hoạch phát triển khu Nam đã không được tôn trọng

PV: Thưa GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, ông đánh giá như thế nào về tình trạng ngập úng ở TPHCM do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 vừa qua?

 GS-TS Nguyễn Trọng Hòa: Đầu tiên phải nhận định, đây là cơn mưa rất lớn, lại kéo dài trong nhiều giờ và nó đã gây ngập không chỉ cho TPHCM mà còn cả Vũng Tàu cùng một số địa phương khác. Thế nhưng, cũng phải khách quan, nếu TPHCM quản lý đô thị tốt hơn, tình trạng ngập úng đã không nặng nề đến thế và cũng không kéo dài tới mấy ngày tại một số khu vực như vậy.

Giáo sư vừa nói đến việc quản lý đô thị ở TPHCM. Với tư cách là nhà khoa học, đồng thời là nhà quản lý, theo ông, việc quản lý đô thị thời gian qua ở TPHCM như thế nào?

Điều này cũng đã được thành phố đánh giá trong rất nhiều báo cáo về công tác quản lý đô thị, đó là còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. 

Thực vậy, gần 30 năm qua, tính từ năm 1990 đến nay, tuy đã phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch, mô hình quản lý phát triển đô thị tại TPHCM, nhất là tại một số quận - huyện vùng ven vẫn không rõ ràng. TPHCM vẫn phát triển đô thị chủ yếu như vết dầu loang. Nhiều khu dân cư mới được hình thành ở ngoại thành nhưng không hoàn thiện về hệ thống thoát nước nên thay vì hỗ trợ thoát nước tốt hơn cho hệ thống thoát nước hiện hữu đã quá tải thì lại trở thành “con đê”, những “vùng lõm” ngăn sự thoát nước tự nhiên của thành phố, thậm chí tạo thành những vùng trũng ngập nước một cách không mong muốn.
Tệ hơn, nhiều khu dân cư mới này còn san lấp hết kênh rạch để xây dựng nhà cửa và các công trình xây dựng khác. Sau này, TPHCM đã kịp thời nhận ra bất cập ấy và đã ban hành nhiều quyết định hạn chế, thậm chí cấm san lấp sông, kênh rạch. Thế nhưng, số lượng sông, kênh, rạch bị san lấp đã khá nhiều, khó khôi phục lại được.
Nói đến việc xây dựng chặn hướng thoát nước, nhiều người dân TPHCM, thậm chí có không ít chuyên gia cho rằng việc phát triển đô thị về hướng Nam, chặn mất hướng thoát nước lớn nhất của thành phố (vì thành phố cao ở hướng Bắc và thấp dần về hướng Nam rồi xuôi ra biển - pv) là nguyên nhân chính gây ngập nặng nề cho TPHCM. Ông nghĩ sao về nhận định này?
 Phát triển đô thị về hướng nào phải được cân nhắc trên nhiều yếu tố từ tầm nhìn về không gian, môi trường cho tới kinh tế - xã hội. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM được phê duyệt năm 1998, thành phố đã quyết định chọn một trong những hướng phát triển đô thị chính là về hướng Nam là bởi muốn hình thành nên một chuỗi đô thị hiện đại nằm dọc đường Nguyễn Văn Linh - một trong những đoạn tuyến của đường Vành đai 2 kết nối cụm cảng TPHCM với đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.
Khi quyết định phát triển về hướng Nam, ngay từ năm 1994, TPHCM đã giao Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận thuê Công ty Tư vấn SOM của Mỹ thực hiện đồ án quy hoạch phát triển Khu đô thị Nam TP. Theo quy hoạch này, đô thị sẽ phát triển với độ nén cao và không xâm lấn đến phần lớn hệ thống sông, kênh rạch, vùng trũng thấp ở đây.
Thế nhưng, việc phát triển đô thị trên thực tế đã không theo đúng đồ án quy hoạch này (thậm chí cả Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng - khu đô thị được coi là kiểu mẫu). Nhiều sông, kênh, rạch, vùng trũng thấp - mạng lưới thoát nước chính của khu vực và cả thành phố đã bị san lấp để xây dựng nhà cửa. Và đây mới chính là nguyên nhân gây ngập nặng nề cho TPHCM. Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm, việc bê tông hóa, san lấp sông, kênh, rạch không chỉ diễn ra ở khu Nam mà còn ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Và nó cũng là nguyên nhân chính gây ngập nặng nề cho thành phố.
Phải có tiêu chí ưu tiên chọn công trình
Vậy theo ông, TPHCM nên bắt đầu từ đâu trong công tác chống ngập?
Bắt đầu từ quyết tâm điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM lần này cho tốt bằng cách đánh giá lại các hướng phát triển đô thị, phân vùng quản lý phát triển và xây dựng quy chế quản lý phát triển chặt chẽ cho từng phân vùng cụ thể. Tiếp đó là xem xét lại phân cấp trong quản lý và quản lý thực hiện quy hoạch cho nghiêm. Bất cứ hành vi nào làm sai quy hoạch đều phải bị xử lý. Sau đó, phải xây dựng được kế hoạch thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, khả thi. Thời gian qua, ở nhiều nơi, căn cứ vào đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt, chủ đầu tư được sự đồng ý của một số lãnh đạo địa phương thường “chọn phần ngon, có lợi nhất” làm trước. Ví dụ như làm nhà, xây dựng cao ốc… chừa lại phần làm đường, phát triển mảng xanh, làm hồ điều tiết nước, nâng cấp, cải tạo lại hệ thống thoát nước…
TPHCM phải chấn chỉnh ngay việc này. Việc thực hiện quy hoạch phải được tính toán cẩn trọng: công trình nào làm trước, công trình nào làm sau. Tiêu chí để sắp xếp các thứ tự này là hiệu quả của công trình và tác động của nó đối với sự phát triển chung của cả khu vực và toàn thành phố. Lâu nay, trong nhiều trường hợp, người ta chỉ chú trọng đến hiệu quả của từng công trình mà chưa quan tâm đánh giá đúng mức đến tác động của nó đối với sự phát triển chung. Đây chính là sơ hở để nhiều chủ đầu tư “bóc tách” ra những công trình “ngon, có thể thu lời ngay” làm trước.
Vẫn không thể phủ nhận được thực tế hướng Nam là hướng thoát nước chính của thành phố. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nên hạn chế phát triển đô thị ở đây, đồng thời với việc xử lý nghiêm tình trạng xây dựng tràn lan. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn khẳng định, nếu không “khơi thông” được khu vực phía Nam thì TPHCM còn phải đối mặt với tình trạng ngập nặng nề lâu dài. Ông nghĩ sao về nhận định này và theo ông cần có giải pháp gì ở đây?
 Theo tôi, TPHCM nên rà soát lại thật cẩn thận việc phát triển đô thị ở phía Nam trên tinh thần nếu cần điều chỉnh thì phải điều chỉnh lại những việc đã làm không đúng quy hoạch, thậm trí đúng quy hoạch nhưng bất hợp lý và không khả thi tại các vùng trũng, nền đất yếu, ngập lụt thường xuyên… Những dự án nào chưa triển khai hoặc mới triển khai ít, nên ưu tiên xem trước để hạn chế xáo trộn. TPHCM nên đàm phán với chủ đầu tư các dự án này và có hướng ưu đãi cho họ đầu tư ở nơi khác.
TPHCM nên tập trung cho phát triển đô thị ở những nơi cao, địa chất tốt như những khu vực ở phía Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc. Vì nhiều nơi ở những khu vực này chưa có đường giao thông thuận tiện nên để hướng các nhà đầu tư tới đó, TPHCM nên có chính sách ưu đãi đặc biệt cho họ. Phát triển đô thị thích ứng với tự nhiên là cách phát triển ít tốn kém và bền vững nhất. Thậm chí, TPHCM nên nghiên cứu mở rộng không gian phát triển theo hướng có thể liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… để hướng nhà đầu tư ra đây vì sự phát triển chung của cả vùng.
TPHCM đang điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng TPHCM, theo ông để khắc phục những bất cập trong việc chống ngập hiện nay, đồ án quy hoạch này nên điều chỉnh lại những vấn đề gì?
Quy hoạch thoát nước mưa của TPHCM được lập từ những năm 2002 - 2003, đến nay đã rất lạc hậu. Quy hoạch thoát nước do triều được lập cách nay cũng đã hơn 10 năm. Do vậy, để đồng bộ với quy hoạch chung xây dựng TPHCM, tôi cho rằng nên xem lại quy hoạch thoát nước mưa và quy hoạch thoát nước do triều và cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng. Thứ nữa, nên có sự nghiên cứu, đánh giá việc thoát nước theo từng khu vực để có giải pháp phù hợp, không nên “cào bằng” nơi nào cũng giống nhau.
Cần nghiên cứu lại bài toán phân bố dân cư thành phố theo khả năng bố trí lao động việc làm, không nên “cào bằng” như hiện nay mà tùy từng vị trí, yêu cầu và đặc điểm phát triển của quận, huyện. Nên tập trung dân số về những quận, huyện có điều kiện địa chất, thủy văn tốt cho phát triển đô thị, mật độ dân số hợp lý cũng góp phần giảm tải cho hệ thống thoát nước của thành phố.
Cám ơn ông!

Tin cùng chuyên mục