Một ngày tới trường cùng sinh viên
8 giờ sáng một ngày đầu tháng 11, bãi giữ xe Đại học Giao thông Vận tải TPHCM (quận Bình Thạnh) vẫn nhộn nhịp người gửi xe dù giờ học đã bắt đầu trước đó 30 phút. Một số sinh viên đủng đỉnh đi vào lớp học, số khác rủ nhau ra cổng ăn sáng, uống cà phê, chờ khi nào giảng viên điểm danh, bạn nhá máy thì vào lớp. Sân trường khá tĩnh lặng, phía trong những lớp học, ngoài tiếng giảng bài đều đều còn là hình ảnh vô hình vạn trạng của sinh viên, người nằm rạp xuống bàn để ngủ, người chống cằm gật gù, hầu hết là lướt mạng. Thi thoảng lại có vài người ra vào nghe điện thoại. Cả giảng đường hầu như thiếu vắng sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên.
Nguyễn Văn H. (sinh viên năm 2 Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) cho biết: “Mấy môn đại cương này chỉ cần ngồi đủ số tiết để được thi hết môn chứ học hành chi. Cần gì thì lên mạng kiếm, trên đó cái gì chả có, vừa chi tiết, vừa đa dạng, khỏe”. Chính suy nghĩ học để số lượng thời gian đến lớp đủ điều kiện đi thi nên sau giờ giải lao, giảng viên điểm danh xong cũng là lúc lượng sinh viên trong lớp teo tóp dần, bãi xe cũng trống hẳn.
Trong khi đó, bước vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là những hình ảnh rất khác. Ở lối đi chính của sân trường, những sinh viên trong CLB Kỹ năng đang vận động bạn bè cùng chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng của bão, lũ. Một số sinh viên lỉnh kỉnh mang theo gỗ, xốp, dây điện hồ hởi tiến về xưởng thực hành. Số khác thì tụ tập lại để “chiêm ngưỡng” những sản phẩm mà bạn mình chế tạo. Có vài nhóm sinh hoạt kỹ năng, luyện ngoại ngữ dưới thảm cỏ hay đơn giản chỉ là ngồi chơi đàn cho nhau nghe. Khi cần ôn tập thì tới thư viện và hòa mình vào hàng trăm sinh viên đang tra cứu kiến thức tại đây.
Nguyễn Quỳnh Mai (sinh viên năm 3 Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) kể: “Sinh viên trường em mê trường luôn. Tất nhiên khi lên giảng đường học lý thuyết cũng có môn chán, nhưng bù lại, các giờ thực hành và nhiều hoạt động kỹ năng trong trường cực ổn, phong phú nên luôn thu hút được sinh viên tới trường dù có tiết học hay không”.
Đơn điệu hoạt động ngoại khóa
Bước vào trường đại học đồng nghĩa với việc mỗi sinh viên phải rèn luyện cả về tri thức, kiến thức xã hội, kỹ năng sống, cách cư xử với những người xung quanh. Một cuộc sống hoàn toàn khác ở nhà, những người bạn mới đến từ nhiều vùng miền, cùng học tập, cùng sống trong một phòng đã giúp sinh viên hình thành cách ứng xử. Tuy nhiên, để tạo môi trường tốt giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng sống thì không phải trường nào cũng làm được.
Qua một cuộc khảo sát nhỏ, sinh viên ở nhiều trường chưa hài lòng với các hoạt động của trường mình. V.T.M.L. (sinh viên năm 3 Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, không chỉ L. mà nhiều sinh viên khác trong trường đều tỏ ra thất vọng với các hoạt động ngoại khóa đơn điệu, kém sức hút của trường mình. Hơn bất cứ ngành nghề nào, những thầy cô giáo tương lai chính là đối tượng rất cần kỹ năng mềm và những trải nghiệm cuộc sống để có thể tương tác, truyền đạt cho học trò sau này. Vì vậy, để có trải nghiệm, L. và nhiều bạn chủ động tìm kiếm và tham gia các CLB thiện nguyện bên ngoài hoặc các lớp học tình thương trên địa bàn thành phố, nhưng cũng bữa được bữa không vì hay trùng lịch học trên trường.
Chỉ ra điểm yếu ở trường mình cũng như đa phần các trường đại học khác tại Việt Nam, Phan Minh Hiển (sinh viên năm 4 Đại học Sài Gòn) phân tích: “Trong khi ở các nước phát triển, nhà trường luôn động viên và khởi xướng các hoạt động để kéo sinh viên vào các dự án thực hành kiến thức, các CLB nhằm tích lũy kỹ năng và trải nghiệm cuộc sống, đồng thời họ luôn đánh giá cao những kiến thức từ thực tế… còn giáo dục trong nước vẫn giữ học trò gói gọn trong phòng học với sách, vở, giáo trình. Môi trường mà sinh viên tới trường chỉ để học vài giờ mỗi ngày, hết tiết thì ra về là vô cùng nhàm chán và chưa đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ”.
Thực tế hiện nay, các trường đại học, đặc biệt là trường tốp trên vẫn đặt nặng việc học kiến thức của sinh viên, còn lại các hoạt động ngoại khóa chưa thực sự được quan tâm. Để giảng đường là nơi thú vị, thu hút được sự quan tâm của sinh viên chứ không chỉ là nơi để sinh viên hoàn thành nghĩa vụ ngồi cho đủ giờ lên lớp, song song với việc trau dồi kiến thức, các trường cần đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa. Hãy dành không gian để sinh viên tổ chức các hoạt động nhóm, hãy tạo điều kiện để các CLB rèn luyện kỹ năng hoạt động hiệu quả và hãy đánh giá năng lực của sinh viên ở nhiều mặt, cả kiến thức trong sách vở và ngoài cuộc sống.