Theo chân đoàn giám sát của HĐND TPHCM về việc quản lý và sử dụng nhà, đất công tại các quận, huyện trên địa bàn TP, nổi lên vấn đề bức xúc là TP “khó sờ” các công sản do các cơ quan Trung ương đang quản lý, mặc dù trên thực tế thì sai phạm rất rõ. Việc cố tình bám giữ đất của các cơ quan Trung ương đã gây nhiều hậu quả đáng tiếc!
Kéo ra tòa vì nợ tiền thuê
Địa chỉ nhà đất số 232 đường Nguyễn Tất Thành (phường 13, quận 4) có diện tích 3.136,9m2, được TP quy hoạch xây dựng Trường THCS Nguyễn Tất Thành, đã có chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án, nằm trong nghị quyết của Đảng bộ TP về phát triển ngành giáo dục TP đến năm 2020. Tuy nhiên, 3 năm qua, từ UBND quận 4 cho đến UBND TP đã tốn không biết bao nhiêu thư đi tin lại mà vẫn không thu hồi được đất, chỉ vì vướng một doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương.
Khu đất 232 Nguyễn Tất Thành, quận 4. Ảnh: THÀNH TRÍ
Theo Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP, khu đất được cho 3 công ty thuê, trong đó có Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex (thuộc Bộ Công thương. Hợp đồng ký cho công ty này thuê gần nhất là vào ngày 1-7-2003 đến 30-6-2008, diện tích sử dụng là 1.654m2, mục đích làm văn phòng, giá cho thuê 28,9 triệu đồng/m2. Thực hiện chủ trương quy hoạch của TP, ngày 30-9-2015, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đã tiến hành bàn giao theo hiện trạng toàn bộ nhà, đất số 232 đường Nguyễn Tất Thành cho UBND quận 4 để thực hiện dự án.
Cũng vào thời điểm này, UBND TPHCM giao UBND quận 4 lập phương án di dời 3 công ty đang thuê khu nhà, đất nói trên; chi phí hỗ trợ di dời được tính trong dự án đầu tư xây dựng mới trường tiểu học, đồng thời yêu cầu các công ty này thanh toán khoản nợ tiền thuê nhà theo quy định.
Thế nhưng, hành trình đòi khu đất này thật sự gian truân! Sau nhiều lần làm việc qua lại, UBND quận 4 đã ra thông báo chốt đến trước ngày 30-6-2016, các doanh nghiệp phải bàn giao mặt bằng cho quận.
Gần một năm sau, tháng 5-2017, UBND quận 4 lại tiếp tục ra thông báo, hạn chót đến ngày 30-6-2017 phải tháo dỡ, di dời và bàn giao mặt bằng, nếu không thực hiện quận sẽ cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, đến tháng 8-2017, ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, tiếp tục có văn bản gửi Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex, thông báo 2 đơn vị kia đã đồng ý di dời và đề nghị: “Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex là đơn vị của Nhà nước thì cần phải làm gương trong vấn đề di dời bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để thực hiện quy hoạch”.
Tới tháng 5 vừa qua, khi báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP, ông Bùi Thanh Tân cho biết Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex không chịu di dời, nhưng TP cũng khuyên quận là làm “nhẹ nhàng”, vì đó là công ty trực thuộc Bộ Công thương (!?).
Thế nhưng, trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải ký ngày 24-5-2018 gửi UBND TPHCM thì lại khẳng định: “Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex hiện là công ty liên kết, chỉ có 30% vốn góp của Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex. Tổng công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex là công ty liên kết của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thuộc Bộ Công thương, trong đó Petrolimex cũng chỉ nắm giữ gần 35% vốn điều lệ. Vì vậy, theo quy định hiện hành, Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex không thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Công thương”.
Chưa hết, theo tài liệu chúng tôi có được, Công ty cổ phần Xây lắp III Petrolimex vẫn còn đang nợ tiền Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP: nợ do chênh lệch tiền thuê nhà từ ngày 1-1-2008 đến ngày 30-9-2015 và nợ tiền phạt do chậm thanh toán, tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đã có đơn khởi kiện Công ty cổ phần Xây lắp III Petolimex tại Tòa án nhân dân quận 4 để đòi nợ.
Lập kế hoạch cưỡng chế thu hồi khu đất 232 Nguyễn Tất Thành
Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến liên quan đến việc DN thuê đất không chịu bàn giao mặt bằng khu đất 232 Nguyễn Tất Thành như sau: Giao UBND quận 4 rà soát, báo cáo cụ thể pháp lý dự án, đề xuất phương án cưỡng chế và kế hoạch cưỡng chế; trình UBND TP xem xét, quyết định.
Cố đấm để “xà xẻo” đất công
Câu chuyện ồn ào lâu nay của khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn cũng có kịch bản tương tự: xuất hiện “yếu tố” các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương, rồi Bộ Công thương lên tiếng khẳng định không phải là “con đẻ” của mình!
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn có diện tích gần 5.000m2, do Bộ Công thương tiếp quản từ sau năm 1975. Sau khi xác lập quyền sở hữu nhà nước vào năm 1994, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP tiếp tục quản lý và ký hợp đồng cho thuê nhà, đất đối với 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương thuê sử dụng làm trụ sở, đó là Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện TP, Công ty cổ phần Kim khí TP, Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu VITACO.
Theo một lãnh đạo UBND TPHCM, từ ngày vào sử dụng cho đến khi kết thúc hợp đồng thuê, các công ty trên không trả tiền thuê nhà đất. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP kiện ra tòa, thắng kiện nhưng 4 công ty này vẫn không chịu nộp tiền. TP không cưỡng chế thu hồi đối với các đơn vị của bộ được; mặt khác không những không trả tiền, 4 đơn vị này còn xin mua chỉ định khu nhà đất nhưng bị TP bác, các bên tranh kiện dữ dội. Sau đó, TP mới có văn bản chuyển sang giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP với tư cách đại diện cho chủ sở hữu của nhà nước đứng ra làm chủ đầu tư để huy động vốn.
Tuy nhiên, phương án chọn chủ đầu tư thực hiện dự án cũng bị “bể” do các công ty của Bộ Công thương tiếp tục kiện vì không được tham gia góp vốn. Tóm lại, suốt một thời gian dài, vì vướng các công ty của Bộ Công thương nên TP không thể làm gì được khu đất vàng này.
Phải đến năm 2010, dự án trên khu đất vàng được khởi động bằng việc thành lập công ty cổ phần với sự tham gia của 4 đơn vị Bộ Công thương (tổng cộng 50% vốn), 50% vốn còn lại do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP nắm giữ. Sau đó, các đơn vị đã liên doanh thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue, 4 công ty thuộc Bộ Công thương ký thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô. Thông qua thương vụ chuyển nhượng này, Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô chiếm tỷ lệ vốn góp 50% trong Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue, còn 4 doanh nghiệp (DN) của Bộ Công thương, mỗi đơn vị thu lợi về 50 tỷ đồng. Số tiền trên 4 DN đã sử dụng như thế nào?
Qua kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, điều tra của Bộ Công an, 4 DN đã nộp thuế thu nhập DN 12,5 tỷ đồng/công ty; số tiền còn lại (37,5 tỷ đồng/công ty) được dùng để thuê và mua trụ sở làm việc mới, trích lập các quỹ và chi trả cổ tức cho cổ đông.
Vì vướng 4 DN của Bộ Công thương, nên TP đã tìm đủ đường (kể cả sai luật) để giải bài toán khu đất vàng số 8-12 Lê Duẩn. Nhưng thật trớ trêu, vào thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Cẩm Tú đã ký văn bản gửi Ban chỉ đạo 09 Trung ương và TPHCM nêu rõ: 4 DN trên đã được cổ phần hóa theo các quy định của Chính phủ, “nên Bộ Công thương không còn là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại công ty cổ phần”.