Xoá “vùng trũng” về chất lượng nhân lực cho vùng ĐBSCL bằng cơ chế đặc biệt là đề xuất của ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long). Chỉ ra những nhược điểm của thị trường lao động Việt Nam, ĐB nhấn mạnh, năng suất lao động của Việt Nam thấp, thiếu tính cạnh tranh không chỉ do trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam mà còn do cơ cấu 1:1:1 bất hợp lý của thị trường lao động (1 đại học, 1 cao đẳng, trung cấp nghề, 1 lao động phổ thông), trong khi ở các nước thì tỷ lệ cao đẳng, trung cấp nghề và lao động phổ thông phải cao hơn nhiều so với tỷ lệ tốt nghiệp đại học. Từ đó mới có nghịch lý rất lãng phí là cử nhân không tìm được việc làm; một bộ phận quay lại học văn bằng 2 là trung cấp nghề để đi tìm việc. Cần thay đổi nghịch lý này bằng những kế hoạch tổng thể - ĐB Thanh bình luận. Bà cũng bày tỏ trăn trở về "vùng trũng" giáo dục ở ĐBSCL và đề nghị có những cơ chế chính sách đặc biệt cho khu vực này, tập trung vào việc thu hút đội ngũ cán bộ giáo dục có trình độ… để đảm bảo cân đối, hài hoà với cả nước.
Cũng bàn về giáo dục, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) xoáy sâu vào những tiêu cực, bất cập trong thi cử. ĐB khuyến nghị mạnh mẽ: “Ngành giáo dục cần mạnh dạn đối diện với sự thật, xem lại thực chất, hiệu quả của việc nhập 2 kỳ thi, phương pháp đánh giá… Theo ông, nếu như tiêu cực trước đây nhỏ lẻ, thì nay đã trở thành gian lận có tổ chức, do những người có chức, có quyền tiến hành với thủ đoạn tinh vi và vô liêm sỉ, cướp đi cơ hội của các học sinh học thật, thi thật. “Những người có trách nhiệm phải suy nghĩ và hành động mới có thể cứu vãn nền giáo dục nước nhà”, ĐB Trường Giang bày tỏ sự trăn trở .
Đại diện cho tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) tha thiết đề nghị Chính phủ “không để các thế lực thù địch lợi dụng sự nghèo khó, thiếu thông tin của bà con để lôi kéo”. Giải pháp ông đề ra là ưu tiên phân bổ nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, đồng thời giao cho các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư, giúp đồng bào cải thiện đời sống để “yên tâm làm những cột mốc sống ở biên giới”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tạo, nở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ để tăng cường tính kết nối của địa phương này với cả nước, ĐB cho biết, Điện Biên còn nhiều khó khăn, nhưng sẽ cố gắng thu xếp vốn đối ứng để GPMB, tái định cư phục vụ dự án.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, có hàng loạt dự án trên cả nước đang vướng mắc do sự “gấp khúc” về quy hoạch, “có nguy cơ đe doạ nghiêm trọng nền kinh tế đất nước”. ĐB đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về xử lý giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi quy hoạch quốc gia được phê duyệt để các quy hoạch ngành, chương trình, dự án được triển khai suôn sẻ, hiệu quả.