Canh gác bằng “mắt thần”
Đang trong phiên trực, đại úy Trịnh Phi Vân, công an phường 19 (quận Bình Thạnh, TPHCM) không rời mắt khỏi màn hình. Vào giờ cao điểm, anh liên tục di chuyển camera giám sát từ tuyến đường dạ cầu Thị Nghè đến đường Phan Văn Hớn, nơi người dân tấp nập đi lại, mua bán trước chợ Thị Nghè. Camera dừng lại khi phát hiện một người gánh hàng rong lấn chiếm lòng lề đường. Anh liền phát loa yêu cầu người bán hàng không lấn chiếm lòng lề đường, để mọi người đi lại thuận tiện. Sau một lần nhắc, người vi phạm đã tiếp thu, gánh hàng đi nơi khác. Lại có chiếc xe đẩy bán chanh xuất hiện trên màn hình. Cũng như người gánh hàng rong, sau khi nghe trên loa nhắc nhở, người bán chanh đã dời xe đi, nhường đường cho người đi bộ. Camera lại hướng đến đường Phan Huy Ôn.
Cán bộ trực giám sát các tuyến đường trên địa bàn phường 19 (quận Bình Thạnh, TPHCM)
Rời phòng trực chỉ huy, chúng tôi có mặt trên thực địa. Điều đáng ghi nhận, lề đường đều phong quang, trật tự. Các tiệm bán cà phê, hàng ăn sáng ven đường đều bày bàn ghế ngăn nắp, dành lối cho người đi bộ. Trên các tuyến đường, có khi cũng thấy những gánh hàng rong dừng lại bán vội cho người đi đường, nhưng nghe loa nhắc nhở, những người này đã nghiêm túc chấp hành, vội bán nhanh để dời đi. Những người cố tình không nghe nhắc nhở, chỉ ít phút sau đã có nhân viên quản lý trật tự đô thị xuất hiện xử lý. Lòng lề đường được trả lại thông thoáng.
Ông Trần Minh Trí, đại biểu HĐND phường 19, nhà ở đường Phan Huy Ôn, cho biết: “Các tuyến đường bao quanh chợ Thị Nghè trước đây thường rất lộn xộn, nhiều người bày bán lấn chiếm lòng lề đường. Một số đối tượng xấu lợi dụng người dân đi lại đông và mất cảnh giác, đã ra tay trộm cắp, giật dọc. Từ khi địa phương lắp đặt hệ thống camera và loa để giám sát, nhắc nhở, tình hình an ninh trật tự tại đây đã tốt lên, tệ nạn giảm dần”.
Đưa hệ thống chính trị vào cuộc
Bà Bùi Thị Hồng Quế, Chủ tịch UBND phường 19, cho biết: “Qua 1 năm áp dụng công nghệ giám sát đô thị bằng camera và loa phát thanh, tình hình thay đổi tích cực. Đường thông hè thoáng, sinh hoạt của người dân đi vào nền nếp, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn chuyển biến tốt. Nhưng cái được còn lớn hơn là đã đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay xây dựng địa phương và tạo được sự đồng thuận, gắn kết giữa chính quyền với người dân.
Với điện thoại cầm tay, dù đang đi công tác hay ở nhà, tôi vẫn có thể biết rõ những hoạt động của người dân và cán bộ trên địa bàn để chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Không chỉ thấy các vụ vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, đổ cát đá, vật tư xây dựng trên địa bàn, mà còn biết cả thái độ, cách xử lý của nhân viên đối với người vi phạm. Những cán bộ, nhân viên xử lý vi phạm không kịp thời, thiếu công tâm sẽ bị nhắc nhở, kỷ luật. Điều này tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền với người dân trong công tác điều hành và quản lý xã hội”.
Trung tá Trần Thế Dân, Trưởng Công an phường 19, cho hay: “Từ khi đưa hệ thống giám sát vào quản lý xã hội, công an phường đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm, tình hình an ninh trật tự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Không còn cảnh lực lượng công an ra đường đôi co với người vi phạm lấn chiếm lòng lề đường. Hình ảnh người cảnh sát nhân dân trong mắt người dân được cải thiện, trở nên thân thiện, dễ gần”.
Công nghệ đang giúp thay đổi bộ mặt đô thị cũng như nếp suy nghĩ, hành động của nhiều người. Lắp camera, loa phát thanh để giám sát xã hội, trật tự đô thị, không những phát huy hiệu quả mà đã tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân. Đây là cách làm mới và có hiệu quả, nên rất cần được nhân rộng.