Giải quyết thách thức ngập nước, kẹt xe bằng liên kết vùng

Sự phát triển của TPHCM đang gặp nhiều khó khăn mà nổi bật trong số đó là tình trạng ách tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. TPHCM nếu “đơn độc”sẽ không thể giải quyết được vấn đề này. Vậy đâu là câu trả lời?

Sự phát triển của TPHCM đang gặp nhiều khó khăn mà nổi bật trong số đó là tình trạng ách tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường. TPHCM nếu “đơn độc”sẽ không thể giải quyết được vấn đề này. Vậy đâu là câu trả lời?

Nhìn nhận mới về dân số đô thị

TPHCM chỉ có thể thoát ra khỏi những vấn nạn trên nếu Chính phủ, các bộ ngành trung ương, TPHCM và các tỉnh, thành trong vùng liên kết, xử lý tốt mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển đô thị tại TPHCM và các đô thị khác trong vùng, theo hướng cùng nhau phát triển toàn diện, vững chắc trong bối cảnh cạnh tranh phát triển trong khu vực và thế giới.

Giải quyết thách thức ngập nước, kẹt xe bằng liên kết vùng ảnh 1

Quốc lộ 50 kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang Ảnh: THÀNH TRÍ

Chỉ xin lấy một ví dụ cụ thể để thấy rõ mức độ hợp tác và tính sẵn sàng trong liên kết vùng cách đây không lâu. Khi Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đến thăm tỉnh Bình Dương đã đặt vấn đề thành phố có thể xây nhà ở với giá khoảng 100 triệu đồng cho người lao động hay không? Câu trả lời từ các sở ngành, quận huyện chỉ tập trung phân tích về việc TPHCM hiện thiếu quỹ đất giá rẻ để có thể xây dựng nhà ở loại này chứ không thấy cơ quan nào, kể cả cơ quan Trung ương đề xuất tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối với tỉnh Bình Dương cho thật tốt để người lao động tại TPHCM có thể mua nhà giá rẻ ở Bình Dương với khoảng cách về TPHCM chỉ khoảng 20 - 30km, thay vì phải chờ lên tận huyện Củ Chi hay xuống huyện Nhà Bè để có thể mua được nhà ở giá rẻ. Câu hỏi đặt ra, TPHCM đã thực sự chú ý đẩy mạnh liên kết vùng hay chưa? Hay lúc nào cũng nghĩ đến phát triển trong địa giới hành chính của mình, nghĩ tới việc “một mình tự lo” cho người dân có hộ khẩu hay tạm trú tại TPHCM?

Ngày nay trên thế giới, tại các vùng đô thị lớn, bài toán dân số, lao động, việc làm, nhà ở đều được nghiên cứu xử lý và tìm lời giải thông qua giải pháp liên kết giữa các đô thị trong vùng bằng việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Nếu như tầm nhìn trước đây của TPHCM mang một ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của thành phố là giãn dân từ các quận nội thành ra vùng ngoại thành, thì ngày nay với sự tập trung quá đông dân ở TPHCM trong tiến trình đô thị hóa với những tác động tiêu cực tới công tác quản lý đô thị, cần một tầm nhìn chiến lược từ Trung ương theo hướng “giãn dân” từ các khu vực không thuận lợi cho phát triển đô thị tại TPHCM ra các đô thị trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… trên cơ sở cùng nghiên cứu giải bài toán dân số, lao động, việc làm, nhà ở trên một khu vực rộng lớn hơn. Nếu TPHCM cùng các tỉnh trong vùng giải quyết tốt vấn đề này thì không những TPHCM sẽ từng bước giải quyết được một cách bền vững những vấn nạn về ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mà còn tạo điều kiện cho các tỉnh trong vùng khai thác tốt nhất những tiềm năng phát triển sẵn có của mình. TPHCM cũng cần xin chủ trương của Chính phủ, cùng bàn bạc với các bộ ngành, các địa phương trong vùng để điều chỉnh các khu chức năng cho hợp lý hơn, trên cơ sở khai thác tốt nhất các điều kiện về đất đai, hạ tầng kỹ thuật cũng như bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

Với tầm nhìn về toàn vùng như trên, nếu được từng bước thực hiện trong tương lai, TPHCM có thể hướng tới mục tiêu giữ dân số ổn định 10 triệu người tới năm 2025 và giảm dần ở mức 8 triệu người ở những năm sau đó. Ý tưởng này đưa ra trong thời điểm hiện nay có thể gây nhiều tranh luận nhưng với các điều kiện về địa hình, tài nguyên, đất đai, nước… và phải từng bước ứng phó với biến đổi khí hậu, TPHCM chỉ có thể phát triển đô thị nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm của vùng và cả nước theo Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị chỉ khi có cách nhìn nhận mới về dân số đô thị.

Xây dựng chiến lược phát triển đô thị

Trong suốt thời gian qua, tại TPHCM, định hướng phát triển đô thị trong từng thời kỳ hay giai đoạn nhất định được xác định 5 năm/lần trong các văn kiện của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, để sau đó UBND TPHCM xây dựng kế hoạch thực hiện. Cách làm như hiện nay còn mang nặng tính tổng kết - đánh giá việc thực hiện công trình, chương trình và các chỉ tiêu đã được xác định trong nghị quyết của các nhiệm kỳ trước để xây dựng các chương trình, công trình, mục tiêu cho các nhiệm kỳ sau nhưng chưa có điều kiện tập trung nghiên cứu sâu về việc thực hiện tầm nhìn đã đặt ra, cũng như những điều chỉnh, thay đổi cần thiết về tầm nhìn - định hướng phát triển trong quá trình hội nhập trước những biến động đang diễn ra liên tục.

Theo kinh nghiệm phát triển đô thị trên thế giới, ở tầm một đô thị nhất là đô thị lớn trung tâm của cả một vùng phát triển năng động nhất nước, TPHCM phải tập trung cho việc nghiên cứu xây dựng “Chiến lược phát triển đô thị” theo tầm nhìn dài hạn (có thể từ 30 - 50 năm) và có sự điều chỉnh phù hợp trong mỗi giai đoạn nhất định được xác định 5 năm/lần theo nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ TPHCM. Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của TPHCM đã có quy hoạch và nhiều quy hoạch đã và đang được triển khai thực hiện. Sau đó, TPHCM cũng đã xây dựng đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” nhưng do cách làm nên đề án này thay vì mang tính chủ đạo lại trở thành như một “bảng cân đối” mang tính liên ngành, được lập trên cơ sở của các đồ án quy hoạch ngành đã được lập và phê duyệt trước đó…

Sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, TPHCM nên điều chỉnh lại đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” theo luật này. Bản đề án này có thể coi như “Chiến lược phát triển đô thị” cho một thời kỳ hay giai đoạn nhất định được xác định trước. TPHCM nên giao một cơ quan nghiên cứu chiến lược liên tục cập nhật và đánh giá các triển vọng tiềm năng phát triển - hội nhập của TPHCM để nếu cần thiết, có thể điều chỉnh về tầm nhìn, xác định lại chính xác các định hướng để nghiên cứu, đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TPHCM. Nếu làm được như vậy, các nghị quyết này sẽ thực sự mang tính quyết định cho công tác quản lý, phát triển đô thị tại TPHCM trong thời gian tới.

GS-TS Nguyễn Trọng Hòa

Tin cùng chuyên mục