Gia tăng ô nhiễm từ phương tiện giao thông

TPHCM vừa thực hiện công khai thông tin ô nhiễm môi trường đến với người dân. Vào trước ngày 25 hàng tháng, 5 thông số về chất lượng môi trường không khí (bao gồm NO2, CO, bụi tổng, bụi PM10 và tiếng ồn) sẽ được công bố trên bản thông tin điện tử gắn trên hệ thống giao thông thành phố. Đây là giải pháp giúp người dân giám sát chất lượng môi trường TPHCM. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, Trường Đại học Hoa Sen TPHCM, một số thông tin về vấn đề này.

TPHCM vừa thực hiện công khai thông tin ô nhiễm môi trường đến với người dân. Vào trước ngày 25 hàng tháng, 5 thông số về chất lượng môi trường không khí (bao gồm NO2, CO, bụi tổng, bụi PM10 và tiếng ồn) sẽ được công bố trên bản thông tin điện tử gắn trên hệ thống giao thông thành phố. Đây là giải pháp giúp người dân giám sát chất lượng môi trường TPHCM. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, Trường Đại học Hoa Sen TPHCM, một số thông tin về vấn đề này.

° Phóng viên: Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố thời gian gần đây khá nghiêm trọng; vậy theo ông, thực trạng này đang tác động như thế nào đến chất lượng môi trường không khí?

° PGS - TS Nguyễn Đình Tuấn: Vấn đề kẹt xe có liên quan chặt chẽ đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở thành phố. Kẹt xe sẽ kéo dài hành trình và làm tăng lượng nhiên liệu tiêu thụ của các phương tiện tham gia giao thông. Từ đó dẫn đến lượng khí thải ô nhiễm của việc đốt nhiên liệu trong các động cơ xe, thải ra môi trường sẽ tăng lên.

Nhìn nhận chung về chất lượng môi trường không khí của TPHCM, thì mức độ ô nhiễm ngày càng tăng chứ không giảm. Ngoại trừ nồng độ ô nhiễm của một số thông số như chì, benzen, toluene vì chúng ta đã ngưng sử dụng xăng pha chì. Căn cứ để khẳng định điều này rất dễ nhìn thấy, đó là dựa vào mức độ gia tăng số lượng phương tiện tham gia giao thông. Năm 2003, thành phố có 2,5 triệu xe gắn máy và 400.000 ô tô. Còn hiện nay, lượng xe gắn máy đã tăng 7,5 triệu chiếc và ô tô đã cán mức 1 triệu chiếc. Thực tế cho thấy, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện tham gia giao thông trong khi hạ tầng chưa thể đáp ứng đã làm phát sinh rất nhiều điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Ô nhiễm khí thải môi trường vì số lượng phương tiện giao thông tăng cao. Ảnh: THÀNH TRÍ

° Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc của cơ quan chức năng gần đây, cho thấy chất lượng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng giảm?

° Như tôi đã nói ở trên, lượng phương tiện tăng, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng và số điểm kẹt xe tăng thì không thể nói ô nhiễm không khí tại thành phố giảm. Sở dĩ kết quả quan trắc hiện tại chưa được xem là chuẩn xác bởi hai yếu tố. Một là hệ thống quan trắc tự động 24/24 giờ (9 trạm) đã bị hư hỏng hoàn toàn và phải thay bằng quan trắc bán tự động với tần suất 3 ngày/lần và 2 lần/ngày. Ngoài ra còn có 6 điểm quan trắc bán tự động khác. Số liệu trong thời điểm quan trắc bán tự động là khoảng 1 giờ và chỉ tập trung tại khu vực trọng điểm giao thông. Như vậy, số liệu trên không đủ độ đặc trưng như mạng lưới quan trắc tự động nên không thể đánh giá phổ quát diễn biến chất lượng ô nhiễm không khí. Hai là các điểm quan trắc đã được xác lập từ khoảng 10 năm trước như vòng xoay Hàng Xanh, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Điện Biên Phủ... không còn phù hợp. Tại các điểm này đã có nhiều cải thiện về hạ tầng giao thông (xây cầu vượt) nên tình trạng ùn tắc giao thông giảm, dẫn đến khí thải ô nhiễm cũng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, toàn thành phố lại phát sinh nhiều điểm ùn tắc giao thông khác nhưng chưa được xác lập điểm quan trắc. Do vậy, không thể chỉ dựa trên một số kết quả quan trắc tại số ít các điểm giao thông mà có thể khẳng định mức độ ô nhiễm không khí của thành phố giảm.

° Gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành những quy chuẩn liên quan vấn đề an toàn cho khí thải. Nếu siết chặt việc áp dụng quy chuẩn này thì dù phương tiện tham gia giao thông có tăng thì ô nhiễm khí thải có giảm không, thưa ông?

° Tất nhiên việc siết chặt các quy chuẩn khí thải sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm khí thải. Tuy nhiên, đáng tiếc là những quy định quy chuẩn tương đương EURO II của châu Âu chỉ mới áp dụng cho các loại xe sản xuất mới. Còn xe cũ vẫn chưa có quy chuẩn bắt buộc. Ngoài ra, dù các xe mới có đạt tiêu chuẩn đi nữa nhưng nếu số lượng xe tăng quá nhiều, kéo theo lượng nhiên liệu tiêu thụ tăng thì mức độ ô nhiễm vẫn có khả năng tăng lên.

° Ông chỉ đề cập đến vấn đề gia tăng phương tiện giao thông đang là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí. Vậy khí thải phát sinh từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt ra sao thưa ông?

° Hiện toàn thành phố có khoảng 300.000 doanh nghiệp và hơn 10 triệu người dân. Thực ra nếu xét về lượng thì lượng khí thải từ hoạt động công nghiệp lớn hơn rất nhiều so với lượng khí thải từ hoạt động giao thông. Tuy nhiên, nếu xét đến yếu tố ảnh hưởng thì khí thải từ giao thông có tác động mạnh và trực tiếp đến sức khỏe người dân hơn. Bởi hiện nay phần lớn doanh nghiệp sản xuất nằm ở ngoại vi thành phố và khuếch tán ở một độ cao nhất định và rộng. Mặt khác, những quy định và giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng dành cho doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động những ngành nghề nhậy cảm với môi trường đã có những chuyển hóa ngành nghề nhất định. Số ít di dời ra ngoại thành, tỉnh thành lân cận, kết hợp với đổi mới công nghệ nên đã giảm thiểu đáng kể những tác động đến với môi trường.

° Là chuyên gia lâu năm nghiên cứu ô nhiễm không khí, theo ông, cần áp dụng những giải pháp nào để giảm thiểu hiệu quả tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay?

° Thực ra, bài toán giảm ô nhiễm không khí gắn liền với bài toán giảm ùn tắc giao thông. Nhưng để làm được điều này cần phải thay đổi cơ sở hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ phải chờ đến lúc xây dựng xong 5, 6 hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao thì mới giải quyết căn cơ vấn đề. Còn hiện tại, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt giải pháp phân luồng, phân tuyến hợp lý, tránh trường hợp đẩy ùn tắc giao thông từ điểm này đến điểm khác gần đó.

Ngoài ra, ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông cũng rất quan trọng. Người dân cần phải hiểu rằng, chúng ta đang là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ô nhiễm môi trường nhưng cũng chính là người gây ra ô nhiễm môi trường. Do vậy, để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế tối đa khả năng sử dụng xe gắn máy, tích cực đi bộ và tham gia vào các phương tiện công cộng.

MINH XUÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục