Gia tăng nhận thức về môi trường sống

Sau hơn 1 tháng diễn ra chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam, 5 dự án Chuyển động xanh, Cộng đồng xanh, Điểm đến xanh, Tương lai xanh và Kết nối xanh đã được đồng loạt triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu hút sự tham gia của hàng trăm ngàn người dân và tình nguyện viên.

Sau hơn 1 tháng diễn ra chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam, 5 dự án Chuyển động xanh, Cộng đồng xanh, Điểm đến xanh, Tương lai xanh và Kết nối xanh đã được đồng loạt triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu hút sự tham gia của hàng trăm ngàn người dân và tình nguyện viên.

Ấn tượng số người tham gia

Chỉ tính trên fanpage Giờ Trái đất Việt Nam (facebook Giotraidatvn), lượng like lên đến hơn 53.000 người, lượng theo dõi cũng đạt con số hơn 52.000 người. Số lượng người tương tác với các hoạt động trên fanpage cũng dao động cao ở mức 120.000 - 190.000 người/tuần. Chương trình cũng lần đầu tiên xác lập kỷ lục mới khi 2.000 tình nguyện viên tham gia chiến dịch thực hiện đồng loạt đổi avatar và cover facebook cá nhân trong lễ ra quân. Chưa kể, với dự án Kết nối xanh, phát triển song song hai hoạt động tình nguyện viên online và offline ở TPHCM và các tỉnh thành khác, đã nâng số lượng tổng tình nguyện viên tham gia chiến dịch lên đến gần 100.000 người. Tình nguyện viên hoạt động trực tiếp trên 5 dự án là 3.500 người.

Đại diện Ban tổ chức chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, chia sẻ: “Năm 2017 là năm thứ 11 diễn ra Giờ Trái đất thế giới và là năm thứ 9 của Giờ Trái đất Việt Nam, đánh dấu cột mốc thứ 2 trong lộ trình 3 năm “thách thức - vượt qua - thay đổi” của chiến dịch và hướng đến kỷ niệm 10 năm hoạt động vào năm 2018. Rất nhiều dự án trong chiến dịch đã được phát triển mới và đạt được những kết quả vượt bật. Cụ thể, với dự án Điểm đến xanh nhằm xây dựng và kiến tạo lộ trình, kết nối các điểm tham quan trên địa bàn thành phố thành tour du lịch sinh thái, giới thiệu đến du khách những điểm đến xanh, hoặc sự thay đổi của những điểm từng là vấn nạn ô nhiễm nhiều năm về trước. Lễ ra quân dự án đã được tổ chức dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với các hoạt động song song trên bờ - dưới nước để kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng kênh và giới thiệu các tour tham quan có trong dự án đã được triển khai thu hút số lượng đăng ký tham gia lên đến hơn 600 du khách”.

Đạp xe hưởng ứng Giờ Trái đất tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Một dự án khác cũng đạt được nhiều thành công ấn tượng trong năm nay là dự án Kết nối xanh. Với mục tiêu chuyển giao và mở rộng hoạt động bảo vệ môi trường đến các đối tượng học sinh, sinh viên, dự án đã nhanh chóng thu hút hơn 20.000 học sinh, sinh viên thuộc 30 trường đại học, trung học phổ thông đăng ký tham gia. Những trường đại học có hoạt động phong phú, thiết thực hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất như: Ngoại thương, Kinh tế, Lao động xã hội, Bách Khoa, Công nghệ, Sư phạm Kỹ thuật, Khoa học xã hội và nhân văn, Ngân hàng, Khoa học Tự nhiên... Các tình nguyện viên không chỉ giới hạn hoạt động ở hành động kêu gọi tiết kiện điện mà còn vận động cộng đồng nói chung không xả rác, cải tạo các điểm nóng ô nhiễm và hướng dẫn cách sống xanh. Đặc biệt, năm nay, chiến dịch còn thu hút và hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường dành cho đối tượng là trẻ em khuyết tật và trẻ mồ côi.

Riêng với một số hoạt động ở các ngã 4 kêu gọi tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 25 giây để giảm lượng xăng tiêu thụ, giảm khí phát thải ra môi trường, tiếp tục được duy trì và phát triển từ dự án “25 giây cho Giờ Trái đất”; đến hộ dân tuyên truyền trực tiếp về tiết kiệm điện và kêu gọi tắt điện ủng hộ Giờ Trái đất; vận động tham gia các chương trình kích cầu xanh khi mua sắm tại hệ thống siêu thị Co.opmart trong tháng 3 của các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường; hướng dẫn hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn; vận động gần 200 cửa hàng ăn uống - dịch vụ tặng voucher giảm giá khi khách hàng ký cam kết tắt điện tại nhà riêng và nhận diện bằng công nghệ QRCode bên cạnh các kênh truyền thông online. Đặc biệt, lắp đặt quạt làm mát từ vỏ chai (Eco Cooler) tại các khu dân cư để hỗ trợ giảm nhiệt độ trong nhà, giảm mức tiêu thụ điện vào mùa nóng cao điểm đã rất nhiều sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Đưa hoạt động trở nên thiết thực hơn

Chiến dịch Giờ Trái đất do Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund - WWF) khởi xướng từ năm 2007, khuyến khích các hộ gia đình cùng các cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong 1 giờ, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 vào ngày thứ bảy, tuần cuối cùng của tháng ba hàng năm. Mục đích của chiến dịch nhằm kêu gọi cộng đồng thay đổi những thói quen không có lợi cho môi trường sống, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, nhằm góp phần gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải hành động trước biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 tại 6 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang, cùng với sự tham gia của hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Sau đó, chương trình tiếp tục nhân rộng và thu hút ngày càng đông các tỉnh thành cũng như tầng lớp trong xã hội tham gia. Riêng tại TPHCM, từ năm 2011, UBND TPHCM đã chỉ đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì phối hợp với Sở TN-MT, Sở Công thương và Saigon Co.op tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất. Bà Lý Việt Trung, Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, cho biết: “Để chiến dịch có thể phát triển và lan rộng mạnh mẽ ra cộng đồng, không thể không nhắc đến vai trò hỗ trợ tích cực từ các doanh nghiệp xanh - doanh nghiệp có trách nhiệm và đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường sống của cộng đồng như Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam; Công ty CP Kinh Đô; Tổng công ty Điện lực TPHCM, Công ty CP B.O.O Thủ Đức (TDW), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam...”.

Trong thời gian tới, ban tổ chức chiến dịch hướng đến gia tăng các hoạt động thực tế khác ngoài hoạt động đơn thuần là tuyên truyền, kêu gọi người dân hưởng ứng thực hiện tiết kiệm năng lượng. Từ đó, giúp tăng số lượng tình nguyện viên tham gia và đối tượng thụ hưởng thành quả trực tiếp từ các dự án, từng bước hoàn thiện và đưa hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động cộng đồng trở nên gần gũi, thiết thực hơn.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục