Đừng tận diệt cá con

ảnh

Nếu thường xuyên đi chợ, người tiêu dùng thường thấy bày bán những thau cá rô non (rô bí), cá lóc non (lòng ròng), cá sặt non... (ảnh). Chẳng những thế, những loài tép non (tép co), hàu sữa, cá biển con... cũng bị đánh bắt. Đó là những món “hàng độc”, lạ, nên thường đắt khách. Nắm được nhu cầu thị trường nên bà con nông dân đua nhau tận diệt cá con mà không nghĩ đến hậu quả. 

Thị trường cá con sôi động hơn vào mùa cá đẻ trứng, mùa nước nổi. Vào mùa này các loài cá sinh sản, cá con mới được vài ngày đã bị đánh bắt. Thậm chí cá bống trứng, vào mùa nước son tháng 6 chưa đẻ đã bị xúc vào rổ. Cá lóc mới đẻ lòng ròng, người đi câu bắt được cá cái, đoán chắc có cá con quanh quẩn, liền mang rổ đi xúc để kho tiêu... Việc tận diệt cá non sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đến một ngày không xa sẽ chẳng còn con cá nào. Dù những loài cá này không nằm trong Sách đỏ Việt Nam nhưng chúng ta cần phải bảo vệ, để có cá to, cá trưởng thành tự nhiên mà dùng. Nhiều quốc gia trên thế giới có luật quy định chặt chẽ về việc đánh bắt cá. Nhất là mùa cá sinh sản, ngư dân buộc phải nghỉ ngơi để cho cá con sinh trưởng. Tại nước láng giềng Campuchia cũng áp dụng nghiêm ngặt việc này. Ở Biển Hồ (Tonlé Sap, huyện Aek Phnom, tỉnh Battambang), nơi được xem là vựa cá nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, người dân chỉ được đánh cá 6 tháng, 6 tháng còn lại phải nghỉ tay để cá đủ thời gian trưởng thành; nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Nhờ vậy nơi đây lúc nào cũng đầy ắp cá tự nhiên.

Luật Thủy sản đã quy định: Khai thác thủy sản ở vùng biển, sông, hồ, đầm, phá và các vùng nước tự nhiên khác phải bảo đảm không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; phải tuân theo quy định về mùa vụ khai thác, thời hạn khai thác, vùng khai thác, chủng loại và kích cỡ thủy sản được khai thác, sản lượng cho phép khai thác hàng năm và phải tuân theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.  Phải sử dụng các loại ngư cụ, phương tiện khai thác thủy sản có kích cỡ phù hợp với các loài thủy sản được phép khai thác. Tuy nhiên, do quy định về khai thác thủy sản còn quá chung chung nên ngư dân vẫn đánh bắt khai thác thủy sản vô tội vạ. Thực tế các cơ quan chức năng chỉ chú trọng quản lý việc đánh bắt hải sản, mà chưa quan tâm việc đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ ở đồng ruộng.

Để cá con không bị tận diệt, dẫn đến tài nguyên thủy sản, hải sản cạn kiệt, Luật Thủy sản cần được sửa đổi theo hướng ngăn chặn và xử lý nghiêm việc tận diệt cá con. Đồng thời, chính quyền các địa phương quan tâm vận động người dân không đánh bắt cá con mà nên thả cho chúng về với thiên nhiên. Hơn hết, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường chúng ta đang sống, từ việc chấm dứt đánh bắt cá con, không mua bán và tiêu thụ cá con.

ĐẶNG TRUNG THÀNH
(quận Bình Tân, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục