Đừng là khẩu hiệu

Việc tái chế, tái sử dụng chất thải đã được nói đến rất nhiều ở nước ta. Trong các chương trình hành động vì môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; yêu cầu tái chế, tái sử dụng chất thải đã được đề cập đến như là một trong những giải pháp quan trọng. Thế nhưng, thử điểm lại thì hầu hết chỉ ở giai đoạn tuyên truyền, nâng cao nhận thức; các chính sách, hành động cụ thể đưa hoạt động này vào thực tiễn còn rất hiếm.

Việc tái sử dụng xỉ than là ví dụ điển hình. Tất cả cơ bản vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xem xét và chính thức quyết định. Trong khi đó, tro, xỉ ở dạng phế thải đang ngày một nhiều và trở thành nỗi lo cho không ít người dân sống xung quanh khu vực chứa phế thải này. Hay như việc tái chế giấy, tái chế bao ni lông… khách quan mà nói, việc này đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện từ rất lâu rồi, thế nhưng nhiều cơ sở tái chế lại hoạt động với công nghệ hết sức lạc hậu. Cách đây khoảng 5 năm, TPHCM đã có khảo sát về quy mô cũng như công nghệ trong hoạt động tái chế ở thành phố. Kết quả cho thấy, hầu hết các cơ sở này đều hoạt động nhỏ lẻ. Sản phẩm tái chế ra không đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và trong quá trình tái chế, các cơ sở này còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính.

Phân loại bao nhựa đã qua sử dụng để tái chế tại một cơ sở ở quận Bình Tân

Bao giờ hoạt động tái chế đi vào thực chất, giúp sử dụng hiệu quả hơn nữa các nguồn tài nguyên của đất nước, đồng thời giúp giảm phát thải khí nhà kính? Nhiều chuyên gia trong ngành được hỏi lại cho rằng họ không thể trả lời câu hỏi này bởi vẫn thiếu rất nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động này phát triển. Mong lắm, một sự thay đổi!

SƠN LAM

Tin cùng chuyên mục