Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, đã có 3 ứng viên cho các vị trí phó chủ tịch tuyên bố sẽ rút lui, không tham gia tranh cử. Đáng tiếc hơn, cả 3 người này đều có kinh nghiệm làm việc ở bóng đá Việt Nam, trưởng thành từ phong trào dần lên đến đỉnh cao.
Với 17 ứng viên cho 4 chức vụ quan trọng (1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch) thì những sự rút lui kia không ảnh hưởng gì cho công tác nhân sự, nếu xét về số lượng. Tuy nhiên, bản danh sách còn lại hiện nay có đến 70% ứng viên chưa từng tham gia trực tiếp làm bóng đá nếu xét ở các công việc quản lý hay điều hành từ cấp CLB hay ở bộ máy VFF. Điều này sẽ dẫn đến một viễn cảnh không biết nên vui hay bi quan, đó là VFF khóa 8 sẽ toàn những gương mặt lần đầu tiên đảm nhiệm công việc trong một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn là một sự thay đổi toàn diện bộ máy VFF. Thế nhưng, điều này chỉ nên xảy ra khi VFF khóa 7 làm việc quá tệ, thành tích của bóng đá Việt Nam quá kém cỏi, cần một cuộc cải tổ sâu rộng. Đằng này, dù vẫn còn nhiều vấn đề nhưng VFF nhiệm kỳ vừa qua cho thấy cái cần là bổ sung nguồn lực tốt hơn, giàu tiềm năng năng hơn chứ không phải thay thế cho bằng hết.
Ở một góc độ khác, việc có nhiều ứng viên mới tinh, ít kinh nghiệm tham gia VFF vừa là tín hiệu mừng, nhưng bên cạnh cũng là nỗi lo. Mừng là vì dù sao bóng đá Việt Nam vẫn còn sức hút đối với nhiều người, dù họ tham gia chủ yếu vì đam mê hơn là có kinh nghiệm. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, sự thu hút này chủ yếu đến từ hiệu ứng U.23 chứ không phải đến từ sự hấp dẫn của nền bóng đá nói chung.
Trong khi đó, cái lo thì rất nhiều. Lớn nhất và quan trọng nhất đó là bóng đá Việt Nam hiện còn nhiều việc phức tạp mà để giải quyết, rất cần những người có kinh nghiệm và uy tín cao trong làng cầu. Lấy ví dụ, chỉ mới “đụng” đến 1-2 nhân vật trong giới trọng tài mà bầu Tú - người trước nay làm mảng futsal nay đang là Chủ tịch Công ty VPF - đã phải vất vả đối phó, trong bối cảnh mà những sai phạm của trọng tài vốn triền miên từ mùa này sang mùa khác, hoặc như mảng công việc thúc đẩy tính chuyên nghiệp của các CLB. Đây là vấn đề thậm chí còn nhạy cảm hơn cả trọng tài, vì đụng đến các đội bóng cũng có nghĩa là sẽ có xung đột với các ông bầu, hoặc địa phương vốn dĩ có những lợi ích không tương đồng với những nhà quản lý chung của nền bóng đá. Lấy ví dụ như việc bầu Đức tuyên bố rút khỏi V-League vừa qua cũng khiến cho các nhà tổ chức giải ngồi trên đống lửa, chưa nói đến trường hợp “một ông bầu, nhiều đội bóng” gây bức xúc còn lớn hơn.
Những người như ông Tú dù sao cũng đã có kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia bóng đá, trong khi đó những ứng cử viên tại VFF hiện nay có những người chưa từng va chạm với các CLB chuyên nghiệp hay đội ngũ trọng tài, giám sát hoặc thậm chí là các nhà quản lý thể thao địa phương thì liệu có đủ bản lĩnh để tạo nên sự thay đổi nào đó?
Ở góc độ khác, thông qua sự rút lui của những người như bầu Tú hay 2 ứng cử viên có kinh nghiệm gần đây, dường như đã là lời cảnh báo về hiện tượng VFF khóa mới vẫn là bình mới mà rượu cũ. Tức là đa số họ hầu như không làm việc gì, chỉ ngồi suốt 4 năm nhiệm kỳ mà thôi, đi kèm với nó sẽ là các vấn đề về mất đoàn kết nội bộ. Phải có một sự phức tạp nào đó trong quá trình đại hội thì mới có sự rút lui trước khi tranh cử công khai.
Nói đúng hơn, nếu VFF thực sự là một tổ chức có uy tín, hoạt động công khai minh bạch, có tầm nhìn và hội tụ những con người có đam mê thì lẽ ra không nên có chuyện các ứng cử viên bất ngờ tham gia và cũng lặng lẽ rút lui như vậy.