Tạm tháo ngòi nổ
Đáng nói ngày cuối cùng là lần đàm phán “xuyên đêm”. Bản thỏa thuận dài 28 trang đã được CDU/CSU và SPD thông qua, vạch ra nguyên tắc cơ bản và lộ trình đàm phán chính thức. Động thái này đã tạm tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng từng đẩy nước Đức vào một giai đoạn bất ổn sau khi vòng thương lượng đầu tiên về thành lập đại liên minh thất bại hồi cuối năm ngoái. Nhằm có được cái bắt tay với ông Martin Schulz - cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu và hiện là Chủ tịch SPD, Thủ tướng Angela Merkel đã chấp nhận một loạt yêu cầu của SPD. Điều này sẽ giúp bà có thể nắm giữ cương vị Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp - san bằng kỷ lục của cựu Thủ tướng Helmut Kohl.
Các nhà thương lượng của CDU/CSU và SPD đã cùng nhau đề ra được các mục tiêu chính sách cho nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 4 liên tiếp của bà Angela Merkel, làm cơ sở cho các cuộc đàm phán chính thức sẽ bắt đầu trong vài tuần tới. Một trong những điểm nhấn của thỏa thuận vừa đạt được giữa CDU/CSU và SPD là việc Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Pháp trong nỗ lực cải cách châu Âu, củng cố và tăng cường sức mạnh của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Điều này cho thấy một nước Đức ổn định dựa trên một chính phủ ổn định đóng vai trò rất quan trọng đối với châu Âu, đặc biệt là công cuộc cải cách Liên minh châu Âu (EU) do Pháp khởi xướng.
Liên đảng CDU/CSU muốn kết thúc việc đàm phán thành lập chính phủ vào giữa tháng 2 tới, trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng, sớm nhất thì cũng phải đến cuối quý 1, đầu quý 2 năm nay chính phủ mới ở Đức mới có thể ra đời. Tuy nhiên, khó khăn trong cuộc đàm phán sắp tới được dự báo là khá lớn khi mà giữa các bên còn tồn tại nhiều bất đồng.
EU như trút gánh nặng
Toàn EU đang cần sự lãnh đạo của Berlin để vượt qua hàng loạt thử thách hiện nay nên kết quả này là tin vui không chỉ với riêng cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel mà với cả người dân Đức, cũng như với cả châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều bày tỏ hài lòng về kết quả vòng đàm phán thăm dò thành lập chính phủ liên minh tại Đức.
Dưới sự dẫn dắt của bà Merkel, Đức từng được xem là khá yên ổn trong cơn bão táp chính trị đang hoành hành châu Âu. Không chỉ là nền kinh tế hàng đầu của EU, nước Đức còn là trọng tâm ổn định của khối. Tờ New York Times mô tả bà Merkel giống như một nhà lãnh đạo không thể thiếu của khu vực. Sau 12 năm dẫn dắt nước Đức, bà Merkel còn là người chèo lái châu Âu trong cơn khủng hoảng nợ, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga trong vấn đề Ukraine. Jackson Janes, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đức đương đại có trụ sở tại Washington cho rằng dù trọng tâm chính trong đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp là các vấn đề chính trị nội bộ, nhưng nền chính trị bất ổn của Đức lại tác động tới các chính sách đối ngoại quan trọng, đặc biệt với châu Âu.
Khủng hoảng chính trị ở Đức khiến những quyết định quan trọng về Eurozone, nhập cư, tị nạn, an ninh, kể cả việc đàm phán về Brexit, vốn đã phải treo lại do cuộc bầu cử của Đức và Pháp trong năm nay, sẽ tiếp tục bị treo cho đến khi nước Đức đạt được đột phá về mặt chính trị. EU sẽ không thể tiến hành công cuộc cải cách.