Từ mê nổi tiếng đến… mại dâm trá hình
Gần đây, cư dân mạng dậy sóng và chia sẻ cho nhau đoạn livestream cảnh vén áo khoe vùng nhạy cảm của một cô gái còn khá trẻ ngay trên trang Facebook cá nhân của mình. Còn trước đó, bạn trẻ B.B.K. với đoạn livestream cảnh trong nhà nghỉ, không ngần ngại khoe thân, được phát trong nhóm công khai trên Facebook “Trai xinh gái đẹp…”, đã thu hút hơn 10.000 người xem và 1.500 like chỉ trong vài giờ.
Người viết vào thử trang tìm kiếm của Google gõ cụm từ “livestream cởi đồ” là ngay lập tức xuất hiện hàng tá địa chỉ trang Facebook cá nhân dẫn đến các video với nội dung khoe thân phản cảm, như “Girl xinh livestream thay đồ trực tiếp, khách xem mãn nhãn”, “livestream cởi đồ, anh em thích ở đâu, em cởi”, “Facebook em gái 2k3 livestream lột áo khoe vòng 1”… Dĩ nhiên đó là cách tìm kiếm thông thường dành cho người dùng không tương tác quá nhiều trên mạng xã hội. Còn khi đã là tín đồ mạng thì chuyện trở thành thành viên của các nhóm công khai không phải quá khó khăn, chưa kể hàng ngày sẽ nhận vô số lời mời từ các trang nhóm phản cảm.
Đặc biệt gần đây, tính năng livestream còn được sử dụng như là công cụ để các kiều nữ Việt hành nghề mại dâm. Chúng tôi thử liên hệ với một cô gái có tài khoản ảo Bánh Bao Sữa trên Bigo Live. Tầm 12 giờ đêm trở về sáng, cô gái này thường livestream ăn mặc “thiếu vải” nhún nhảy sexy, thu hút đến hàng ngàn lượt xem. Giá khởi điểm để cô gái này “cởi” là những viên kim cương ảo được nạp bằng thẻ VISA hoặc tin nhắn SMS. Thường sau vài giờ mỗi đêm, cô thu được khoảng 3.000 viên kim cương, tương đương khoảng 90USD.
Qua tìm hiểu, bước đầu những cô gái này sẽ lên mạng “chat sex” với đoạn livestream nóng bỏng để tìm kiếm khách. Khi có người liên hệ, những cô gái hành nghề sẽ yêu cầu khách hàng nạp thẻ cào với mệnh giá khác nhau tùy vào số lượng cởi và thời gian khoe, rồi thực hiện theo yêu cầu của khách hàng. Nhiều đối tượng còn để lại số điện thoại và mệnh giá đi khách (từ 300.000 - 500.000 đồng) rồi chờ khách liên hệ. Thậm chí, ở mức độ chuyên nghiệp hơn, họ truy lùng những khách hàng có hầu bao dày cộm rồi chiêu dụ để có được lượng khách ổn định. Bằng hình thức này, các kiều nữ kiếm được tiền triệu mỗi ngày mà không mất quá nhiều thời gian.
Lệch lạc trong cách dùng công nghệ
Với công nghệ livestream, mỗi cá nhân dùng Facebook giờ đây là chủ của một kênh truyền hình tự tạo, cộng thêm nội dung lúc nào cũng nóng hổi bởi tính chất trực tiếp, càng làm cho chủ nhân của kênh lẫn người xem hứng thú hơn bao giờ hết. Nhưng cũng chính sự thức thời ấy của công nghệ livestream đã tạo nên một cuộc chạy đua về nội dung cho tất cả những ai trót nghiện tính năng này. Nếu cách đây không lâu Bigo Live hay 17 - Live Video Streaming đã hút giới trẻ bởi những cảnh nhảy sexy, những lần khoe thân phản cảm, thì nay những video phát trực tiếp diễn ra trên Facebook còn khủng khiếp hơn nhiều. Vậy là từ một tính năng giúp nối liền khoảng cách, livestream đang dần mất đi giá trị nhân văn nguyên bản, trở thành nơi hỗn tạp, lẫn lộn giữa những điều tốt, xấu.
“Khi bạn livestream, nó sẽ hiện thông báo đến tất cả bạn bè, những ai theo dõi bạn nên khả năng phát tán của clip rất nhanh, lượt like và share khủng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cần thấy rằng việc phát tán những hình ảnh không lành mạnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và nhận thức văn hóa, nhất là đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Những hình ảnh phản cảm, tệ hại nhưng lại mang tính chất kích thích này sẽ là thứ “rác văn hóa” đầu độc giới trẻ”, giảng viên Vũ Thị Lụa phân tích.
Nhiều chuyên gia tâm lý học nhận định, công nghệ đang được nhiều bạn trẻ sử dụng lệch lạc, với mục đích tiêu cực hơn tích cực. Trong đó, các mạng xã hội giờ đây không còn là nơi để giao lưu, trò chuyện một cách đơn thuần, mà nó đã biến tướng trở thành nơi trình diễn của những cô gái ham nổi tiếng, bất chấp thân thể. Điều nguy hiểm là, trên mạng xã hội, các bạn càng cởi, càng bạo, càng làm trò thì càng có nhiều người xem, mà càng nhiều người xem thì càng phải đăng tải nhiều hơn để giữ chân khán giả. Cái vòng luẩn quẩn dẫn nhiều bạn trẻ vào con đường mù quáng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Lụa, giảng viên môn Tâm lý học Trường Đại học Lao Động - Xã Hội, đánh giá: “Đây là hiện tượng không phải phổ biến nhưng xuất hiện ngày càng nhiều bởi tâm lý thích nổi tiếng, thích thể hiện bản thân nhưng chưa nhận thức rõ vấn đề tích cực và tiêu cực khi đăng tải những clip lên mạng xã hội”. Cũng theo chuyên gia này, con người tạo ra công nghệ nhưng không ít người đang trở thành nô lệ cho công nghệ. Sẽ chẳng có công nghệ nào ra đời phục vụ con người mà lại mang nghĩa tiêu cực. Chỉ có con người đang sử dụng nó sai mục đích, sai văn hóa. Sự cám dỗ và những lợi ích thức thời mà nó mang lại đã vô tình làm mờ đi việc nhìn nhận đúng đắn và ý thức hành động của con người.
Đồng tình với quan điểm ấy, Tiến sĩ Trần Long, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), nhận định: Xu hướng thích nghi văn hóa công nghệ của một bộ phận người dùng đang có phần lệch lạc và chưa đánh giá đúng được sức mạnh của công nghệ. Livestream có thể là đường tắt đưa bạn đến sự nổi tiếng nhanh nhất, nhưng cái gì nhanh đến thì cũng sẽ nhanh đi. Do vậy, các bạn trẻ cần tỉnh táo và sáng suốt, nếu không, rất có thể sẽ trở thành nạn nhân và bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng lệch lạc.