Bầm giập, rỉ máu, lở loét khắp vùng ngực, đó là tình trạng của chị N.N.L. (36 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi tốn kém tới gần 300 triệu đồng để thực hiện phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi...
Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, nhiều người không chỉ có nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, mà còn phải... làm người đẹp. Phong trào làm đẹp nở rộ không chỉ trong giới chị em, ngay các đấng nam nhi cũng ngày càng chú trọng hơn tới hình thức bên ngoài. Vì thế các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, spa chăm sóc sắc đẹp đang “trăm hoa đua nở”. Sự bùng nổ của các cơ sở thẩm mỹ, spa có phép và không phép đang gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ được cấp phép khi quyết định phẫu thuật làm đẹp
Nô nức đi làm đẹp
Chập tối nhưng thẩm mỹ viện M.K trên phố Kim Mã (Hà Nội) vẫn nườm nượp người ra, kẻ vào.
Có nước da trắng mịn, vóc dáng khá chuẩn nhưng chị L.T.H. (nhân viên một công ty du lịch) vẫn tới đây để làm đẹp. Trò chuyện với chúng tôi, chị H. tâm sự: “Công việc của em thường xuyên phải tiếp xúc với du khách nước ngoài, khuôn mặt luôn được mọi người để ý đầu tiên và nhiều nhất. Trong khi khuôn mặt của em lại không có nét lắm nên sau khi được bạn bè tư vấn, em đã quyết định tới đây để bơm môi và xăm mí mắt để đẹp và có hồn hơn. Bước đầu, em cứ làm như vậy đã, nếu thấy đẹp thì sau đó em sẽ nâng mũi và tạo má lúm đồng tiền để đẹp hơn”.
Còn chị B.M.Hà (25 tuổi, ở Hàng Gai, Hà Nội), cũng là một khách hàng thường xuyên của trung tâm thẩm mỹ này, cho biết: “Sau hơn 2 tháng tới đây để tắm trắng và chăm sóc da mặt, tôi thấy khá hiệu quả khi da tôi đã bớt đen và khuôn mặt cũng không còn mụn nữa. Sắp tới, tôi sẽ nhờ các kỹ thuật viên ở đây tư vấn để nâng ngực to hơn. Dù vẫn biết rằng chi phí là khá tốn kém, nhưng đổi lại mình sẽ hấp dẫn hơn trong mắt mọi người”.
Không chỉ có phái yếu, ngày nay còn có không ít đấng nam nhi cũng nô nức đi làm đẹp. Tuy nhiên khác với chị em, nhu cầu làm đẹp của phái mạnh thường đơn giản hơn, chủ yếu là trị sẹo, trị mụn, trị lão hóa hay giảm béo bụng và chỉ số ít là thực hiện các kỹ thuật “nặng” như bơm ngực, nâng cơ.
Anh Huy Linh, một kỹ thuật viên phần mềm, cho biết: “Công việc của tôi phải ngồi nhiều, suốt ngày cắm mặt vào máy tính, khuôn mặt thường trông hốc hác, già nua, nên vào cuối tuần hay những lúc rảnh rỗi, tôi cùng đồng nghiệp lại đi spa để thư giãn và cũng là dịp “tút tát” lại để không bị già trước tuổi. Còn anh N.X. Hòa là nhân viên kinh doanh của một công ty điện tử, vừa mới đi hút mỡ bụng và nâng cơ ngực, lại có suy nghĩ: “Nam giới bây giờ nếu không có body chuẩn thì khó có thể tìm được bạn gái. Ngay cả trong công việc nhiều khi cũng không được thuận lợi...”.
Biến chứng khôn lường
Bầm giập, rỉ máu, lở loét khắp vùng ngực, đó là tình trạng của chị N.N.L. (36 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi tốn kém tới gần 300 triệu đồng để thực hiện phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi tại một bệnh viện thẩm mỹ ở Hà Nội, được quảng cáo là có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, kỹ thuật viên làm đẹp đến từ xứ sở kim chi.
Theo tìm hiểu, trước đó chị L. đã tới bệnh viện thẩm mỹ trên và nộp 13.000USD để được bác sĩ Hàn Quốc làm phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi. Ngay sau đó, chị L. được thực hiện ca phẫu thuật nâng ngực kéo dài tới 7 tiếng. 2 ngày sau, chị L. được ra viện trong tình trạng sức khỏe yếu, ngực sưng tấy bất thường so với tư vấn ban đầu của bác sĩ.
Chưa dừng lại ở đó, đúng một tuần sau ca phẫu thuật, ngực chị L. xuất hiện tình trạng bầm giập, vết mổ chảy máu và lở loét nên không thể cắt chỉ được. Trong khi đó, vị bác sĩ người Hàn Quốc phẫu thuật cho chị L. bỗng dưng bỏ về nước và không rõ ngày trở lại.
Cũng là một nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ nhưng tình trạng của chị T.T.Đ. ở quận Thủ Đức (TPHCM) lại nghiêm trọng hơn. Chỉ sau ít giờ được thực hiện ca phẫu thuật “chỉnh hình xương 2 hàm” tại BV Thẩm mỹ EMCAS, chị Đ. đã bị rơi vào tình trạng hôn mê sâu, giãn đồng tử nên phải chuyển tới cấp cứu tại BV Nhân dân 115, sau đó được chuyển tiếp sang Singapore điều trị mới giữ lại được tính mạng.
Biến chứng xấu không chỉ xảy ra ở những ca phẫu thuật, một số trường hợp dù chỉ dám thực hiện những thủ thuật như xăm môi, xăm mắt, luồn chỉ mí mắt, nâng mũi... cũng đã gặp những biến chứng nguy hại, khiến nhan sắc ngày càng trở nên “thảm họa”, còn sức khỏe thì giảm sút.
Suốt ngày phải đeo khẩu trang, kể cả lúc đi ngủ, hơn tuần nay, chị N.T.M. ở Hà Nội luôn trong tình trạng ăn không ngon, ngủ không yên vì đôi môi sưng tấy và mưng mủ. “Chỉ vì mong muốn được môi căng mọng, hồng hào, em đã tới một cơ sở thẩm mỹ để xăm môi. Ai ngờ đẹp đâu chẳng thấy mà bây giờ môi em sưng to quá, ăn uống, trò chuyện rất khó khăn vì đau lắm. Khi đi khám, các bác sĩ cho biết em đã bị nhiễm trùng mực xăm, phải điều trị lâu dài mới khỏi được”, chị M. mệt mỏi chia sẻ.
Bát nháo, lừa bịp
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước hiện có hơn 300 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó TPHCM chiếm gần 50%. Điều đáng lo ngại là có rất nhiều spa, thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng vẫn hoạt động trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, quảng cáo tràn lan sai sự thật và thực hiện nhiều kỹ thuật y tế không được cấp phép, gây nguy hiểm cho khách hàng.
Theo quy định, tất cả các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có triển khai những kỹ thuật y tế đều phải được Sở Y tế cấp phép thì mới được hoạt động. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, kể cả những cơ sở chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép cũng có nhiều vi phạm như: hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; bác sĩ hành nghề chưa có chứng chỉ. Nhiều cơ sở, cơ quan quản lý chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho một người, nhưng khi kiểm tra phát hiện có tới 4 - 5 người đang thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí điều dưỡng viên cũng dám “cầm dao, đụng kéo” với khách hàng…
MINH KHANG