Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở GD-ĐT 15 tỉnh, thành phố, hiệu trưởng các trường đại học phía Nam cùng nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý, nhà giáo đang công tác tại các đơn vị trường học.
Nhiều phương án tăng lương cho giáo viên
Theo ông Trần Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành (tỉnh Đồng Nai), tăng lương cho nhà giáo là chính sách đã được mong chờ từ lâu để tạo thêm động lực cho các thầy, cô giáo yên tâm công tác, tập trung hơn vào chuyên môn, qua đó góp phần hạn chế tiêu cực trong giảng dạy. Do đó, đây được xem là một trong những đề xuất mang tính đột phá, thu hút thêm nhiều người giỏi vào ngành sư phạm.
Tăng lương cho giáo viên là đề xuất đang nhận quan tâm nhiều nhất của xã hội. Ảnh: THU TÂM
Tuy nhiên, theo TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật hành chính, Trường Đại học Luật TPHCM, vấn đề đặt ra là lấy tiền ở đâu để tăng lương và tăng theo lộ trình thế nào cho hợp lý.
TS Thái Thị Tuyết Dung đề xuất ba phương án: mở rộng loại hình trường tự chủ tài chính (giáo viên không hưởng lương từ ngân sách mà lấy từ nguồn thu học phí của đơn vị giáo dục); tinh giản số lượng giáo viên tại các cơ sở giáo dục thông qua chuyển đổi phương thức giảng dạy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và cấu trúc lại “miếng bánh” ngân sách.
TS Thái Thị Tuyết Dung bày tỏ, việc tăng lương trước mắt có thể không thực hiện đồng loạt nhưng phải tính toán tăng ưu tiên ở nhóm đối tượng, bậc học nào trước.
Đồng quan điểm, PGS-TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Trưởng bộ môn Quản lý tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, thu nhập của nhà giáo hiện nay chưa tương xứng với vị trí việc làm. Việc Bộ GD-ĐT cần làm là xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm, đảm bảo vị trí nào tương ứng mức lương đó chứ đừng trông chờ vào các khoản phụ cấp. Song song đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất Luật Giáo dục sửa đổi không nên ôm đồm ngân sách chi cho khu vực ngoài công lập mà cần tập trung phát triển công lập trước, kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển đồng đều giữa các khu vực. Theo Bộ GD-ĐT, tổng mức chi 20% ngân sách hiện nay cho giáo dục là “miếng bánh” không hề nhỏ, vấn đề đặt ra là phải tính toán từng nguồn chi thế nào cho hiệu quả, có sự phù hợp giữa các bậc học và tương quan với nhiều ngành nghề khác trong xã hội.
Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, thành viên Ban soạn thảo dự thảo luật, lần sửa đổi này có 85 điểm mới được bổ sung, sửa đổi 30 điều trong tổng số 114 điều của Luật Giáo dục, nhưng vấn đề tăng lương cho giáo viên thu hút sự quan tâm nhiều nhất của xã hội.
GS-TS Mai Hồng Quỳ cho biết, trước mắt Bộ GD-ĐT đang tính đến hai phương án điều chỉnh thang bảng lương, nâng mức lương khởi điểm cho giáo viên mới ra trường từ bậc 1 lên thẳng bậc 2 (tức bỏ qua bậc lương khởi điểm) và nới rộng các tiêu chuẩn, điều kiện thay đổi ngạch lương cho giáo viên.
Vừa phổ quát vừa đảm bảo linh hoạt cho vùng, miền
Về đề xuất miễn học phí bậc THCS, các ý kiến đều cho rằng đây là chủ trương cần thiết nhưng cần tính đến sự thiếu hụt ngân sách của các trường ở khu vực đặc thù, kết hợp giữa miễn học phí với hỗ trợ kinh phí cho các trường duy tu, cải tạo cơ sở vật chất.
Ngoài ra, theo ông Phan Sĩ Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (tỉnh Đắk Nông), trước mắt nếu chưa thể miễn học phí bậc trung học phổ thông Bộ GD-ĐT cũng nên xem xét miễn học phí đối với các trường THPT ở các tỉnh miền núi, những vùng đời sống kinh tế người dân còn gặp nhiều khó khăn.
“Hiện nay, hàng năm chúng tôi phải miễn, giảm học phí cho nhiều trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hộ nghèo hay cận nghèo. Do đó, nếu ngân sách có thể hỗ trợ cho nhóm đối tượng này sẽ đỡ gánh nặng cho các trường, tạo thêm điều kiện cho học sinh nghèo viết tiếp giấc mơ đến trường”, ông Quang bày tỏ.
Xung quanh quy định về nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết, thống kê trên cả nước cho thấy, hiện chỉ có 42% giáo viên tiểu học có trình độ từ đại học trở lên, 58% còn lại có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp. Vì vậy, đề xuất nâng chuẩn trình độ chung cho giáo viên bậc học này từ trung cấp lên cao đẳng là phù hợp. Đối với những giáo viên có ít hơn 5 năm thời gian còn lại công tác sẽ được bồi dưỡng chuyên môn để đảm bảo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Riêng đối với những giáo viên còn nhiều hơn 5 năm công tác, đặc biệt là nhóm giáo viên trẻ, giáo viên mới ra trường cần xem yêu cầu nâng cao trình độ từ cao đẳng trở lên là cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất cơ quan chủ quản tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp chung cho tất cả vùng, miền song song với tạo cơ chế mở cho địa phương vì cơ chế tài chính mỗi nơi một khác, có nơi đầu tư mạnh cho giáo dục, cũng có nơi còn nhiều hạn chế.
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 36/73 điều
PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học có 36/73 điều được sửa đổi, bổ sung. Theo đánh giá của các trường, các điều được sửa đổi, bổ sung bao quát các nội dung như quản lý nhà nước, tăng quyền tự chủ của các trường… đều được quy định khá rõ hơn so với luật cũ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính thực thi và triển khai áp dụng.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng ngành y, đào tạo bác sĩ vẫn là 6 năm, không thể rút ngắn 4 năm. Tuy nhiên, điều ông mong muốn là Bộ GD-ĐT cũng như ban soạn thảo phải có chế độ đãi ngộ đặc biệt vì học 6 năm ra trường, thêm 18 tháng thực tập nhưng lãnh lương bằng cử nhân 4 năm là quá thiệt thòi. Điều 32 đã nói rõ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường nhưng thực tế chưa nêu rõ tự chủ như thế nào, tự chủ đến đâu. Do đó, cần phải quy định rõ ràng hơn để các trường mạnh dạn phát huy tự chủ. Về hội đồng trường (HĐT), dự thảo quy định tốt hơn rất nhiều so với luật trước đây. Song, vấn đề là phải làm sao để mối quan hệ giữa HĐT và ban giám hiệu phải tương đối độc lập, đừng biến HĐT thành Bộ GD-ĐT thu nhỏ.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) kiến nghị: Vai trò của HĐT có đối trọng với điều hành của ban giám hiệu, hiệu trưởng không nên là thành viên HĐT, sinh viên cũng không nên vì nếu vào cho có tính hình thức thì ý kiến của sinh viên cũng rất hạn chế. Bên cạnh đó chúng ta có những tổ chức đoàn thể, có tiếng nói nên sự tham gia của sinh viên vào HĐT là không cần thiết.
GS Nguyễn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng còn nhiều điểm phải chủ ý. “Thế giới có nhiều ĐH quốc gia nhưng cấu trúc tên gọi không như Việt Nam. Thật sự họ lúng túng khi gọi tên trường ĐH trong ĐH nên chúng ta phải xem lại cho phù hợp. Để HĐT hoạt động hiệu quả, nhất thiết phải mạnh dạn nâng tỉ lệ người ngoài trường tham gia để thúc đẩy tính tự chủ trường. Chủ tịch HĐT các nước thường là nhà quản lý cấp cao và có uy tín. Luật mới nên chú trọng về năng lực của người tham gia vị trí này. Rất vui mừng vì trường ngoài công lập có kiểm định chất lượng được tự chủ trong việc mở ngành, đây là thay đổi “cách mạng” trong sửa đổi này".
GS Nguyễn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, kiến nghị tăng tỷ trọng thành viên ngoài trường tham gia Hội đồng trường. Ảnh: THANH HÙNG
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: Hiện nay lý luận và thực tiễn của 2 ĐHQG đã rõ. Xu hướng thế giới như Pháp, Nhật còn gom các trường lớn, truyền thống lại với nhau thành ĐHQG. Mô hình ĐHQG như hiện nay là nên tồn tại. Trong toàn dự thảo vẫn có nhiều chỗ chưa thống nhất và phải nên rà soát kỹ lại. Một điều đáng nói là ban soạn thảo quên một điều hết sức cơ bản của giáo dục đó là service (tạm dịch là phục vụ). Đây là một trong 3 yếu tố cơ bản của giáo dục ĐH trên thế giới nhưng lại không nhắc gì đến trong dự thảo này. Vì một ĐH phải có 3 yếu tố cơ bản: đào tạo cái gì, nghiên cứu cái gì và phục vụ cái gì.
Cùng với những ý kiến trên, những nội dung của dự thảo liên quan đến các trường tư thục như hiệu trường, quyền HĐQT, tài sản tích lũy… cũng chưa thật sự chặt chẽ nên có rất nhiều ý kiến của các “chủ trường” tranh luận với ban soạn thảo. Và có thể nói vấn đề bất ổn của các trường tư sẽ mãi còn kéo dài chưa có hồi kết với các quy định như hiện nay.