Du lịch cần nhiều cơ chế đột phá để cất cánh

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại hiệu quả thiết thực đối với nền kinh tế thì không chỉ cần chính sách đồng bộ, mà cần nhiều cơ chế đột phá… Đó là quan điểm được ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nêu ra trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo SGGP.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch NGUYỄN VĂN TUẤN:

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại hiệu quả thiết thực đối với nền kinh tế thì không chỉ cần chính sách đồng bộ, mà cần nhiều cơ chế đột phá… Đó là quan điểm được ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nêu ra trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo SGGP.

- Phóng viên: Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch cho rằng, muốn du lịch phát triển mạnh mẽ và bền vững thì cần có một hệ thống chính sách mạnh mẽ và nhất quán, ưu tiên cho du lịch. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Du lịch cần nhiều cơ chế đột phá để cất cánh ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Tuấn

* Ông NGUYỄN VĂN TUẤN: Đánh giá về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới đã chỉ rõ, chúng ta ở thứ hạng 75/141 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, những yếu tố mức độ thuận lợi về xuất nhập cảnh, visa, mức độ ưu tiên cho du lịch phát triển, mức độ đồng bộ về mặt chính sách cho du lịch phát triển của Việt Nam ở thứ hạng rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN. Chúng ta có lợi thế phát triển du lịch, đặc biệt là có tiềm năng về văn hóa và tự nhiên nhưng các chính sách thì kém cạnh tranh. Việc đầu tư cho du lịch rất thấp, chủ yếu doanh nghiệp du lịch tự đầu tư phát triển, nguồn lực của Nhà nước dành cho du lịch hiện quá ít cả về hạ tầng, đào tạo và quảng bá xúc tiến.

- Việc vừa thiếu vừa yếu cả về kinh phí lẫn hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch hiện đã có giải pháp nào khắc phục?

Chúng ta chỉ có từ 2% - 5% nguồn lực đầu tư cho xúc tiến, vì thế có sản phẩm du lịch tốt cũng không quảng bá, xúc tiến được. Mỗi năm, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng, cụ thể năm 2017 có 54 tỷ đồng, mà phải làm biết bao nhiêu việc trong và ngoài nước. Câu chuyện 1 USD được trích lại từ lệ phí nhập khách của mỗi khách du lịch quốc tế để bổ sung cho nguồn lực làm xúc tiến đang dần trở thành hiện thực. Nếu năm 2017 hoàn thiện được các thủ tục để lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đây sẽ là bước tiến lớn đối với ngành.

Công tác công - tư trong thúc đẩy phát triển du lịch cũng đang được đẩy mạnh. Chúng tôi mời 11 nhà đầu tư chiến lược và doanh nghiệp hàng đầu kết hợp cùng TCDL nhằm dẫn dắt câu chuyện phát triển du lịch Việt Nam.

Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách cũng là vấn đề then chốt. Chúng ta phải bảo đảm để khi khách đến, họ thấy một Việt Nam ổn định, an toàn, thân thiện. Thường khi hài lòng, du khách ít bộc lộ hay chỉ chia sẻ với số ít người. Nhưng khi có gì đó không vừa ý, dù chỉ là những sự vụ cá biệt thì phản ứng của khách sẽ tiêu cực và lập tức lan tỏa rất nhanh. Vì thế, chúng ta có sản phẩm tốt, chúng ta quảng bá xúc tiến cho khách du lịch nhưng khi họ đến rồi phải hài lòng, yên tâm… Đó là hoạt động xúc tiến tốt nhất, xúc tiến tại chỗ bằng sản phẩm, bằng ứng xử và chất lượng.

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã gỡ khó cho vấn đề tài chính bằng cách: “Đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”. Điều này cho phép đề xuất thí điểm visa điện tử; thí điểm thành lập Quỹ phát triển du lịch; thí điểm cấp visa cửa khẩu; thí điểm quy chế quản lý khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu đường bộ ở Quảng Ninh…

Du khách quốc tế nghỉ dưỡng tại đảo Phú Quốc. Ảnh: MỸ HẠNH

* Vấn đề quản lý, khai thác, tiếp cận khách du lịch Trung Quốc trong nhiều năm qua vẫn liên tục gặp nhiều vướng mắc, chúng ta giải quyết câu chuyện này thế nào, thưa ông?

Vấn đề khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là du khách qua Việt Nam bằng đường bộ còn vướng mắc nhiều, nếu không xây dựng quy chế đặc biệt thì không thể điều chỉnh được. Vì thế, việc TCDL đề xuất thí điểm quy chế quản lý khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu đường bộ ở Quảng Ninh nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, thiết lập trật tự của hoạt động này. Với việc ra đời của quy chế, sẽ xóa được việc bán tour, trốn thuế, kinh doanh hạ giá, phá giá gây ảnh hưởng tới hình ảnh cũng như nguồn thu từ du khách của du lịch Việt Nam. Trong quy chế quy định rõ các doanh nghiệp phải ký hợp đồng tour trọn gói, chống “bán” khách; phải cam kết thực hiện giá sàn - tránh trường hợp phá giá trục lợi cá nhân; thành lập chi nhánh và kê khai nộp thuế ở Quảng Ninh… Nếu việc thí điểm hiệu quả thì sẽ nhân rộng mô hình.

- Xin cảm ơn ông!

Ước tính số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt hơn 2,6 triệu lượt (tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2016); khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 112.054 lượt (tăng 66,2% so với cùng kỳ năm 2016); khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt 468.844 lượt (tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016). Ước tính số liệu khách du lịch nội địa 3 tháng đầu năm 2017 đạt 22,2 triệu lượt, trong đó có 10,6 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 131.900 tỷ đồng, tăng 20,85% so với cùng kỳ năm 2016.

MAI AN (thực hiện)

>> Bài 1: Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”
>> Bài 2: Hạ tầng phát triển, nhân lực du lịch thiếu hụt
>> Bài 3: Làm gì để du lịch tăng mạnh?

Tin cùng chuyên mục