Đột phá từ thương mại điện tử

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 22%/năm và dự báo quy mô thị trường có thể cán mốc 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Tính riêng năm 2016, trị giá thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước khoảng 4 tỷ USD, tương đương gần 100.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, khoảng 45% dân số nước ta đã tiếp cận Internet, trong đó 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM có tỷ lệ người dân sử dụng Internet thường xuyên, chiếm tới 28%. 

Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 22%/năm và dự báo quy mô thị trường có thể cán mốc 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Tính riêng năm 2016, trị giá thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước khoảng 4 tỷ USD, tương đương gần 100.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, khoảng 45% dân số nước ta đã tiếp cận Internet, trong đó 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM có tỷ lệ người dân sử dụng Internet thường xuyên, chiếm tới 28%. 

Cuộc chiến của những “đại gia”

Với một vài số liệu phác thảo như trên cho thấy, thị trường tiềm năng này đang cực kỳ rộng mở. Nhiều doanh nghiệp (DN) nhận định, tốc độ tăng trưởng thực tế của thương mại điện tử nước ta cao hơn nhiều so với số liệu thống kê, có thể đạt mức 30% -50%/năm. Điểm qua các “đại gia” của thị trường thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, nhiều DN đã chi số tiền lớn cho cuộc cạnh tranh thương mại đầy hấp dẫn nhưng cũng không kém phần khốc liệt này.

Theo giám đốc kinh doanh của một công ty thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, đặc điểm chung khó tránh khỏi của thị trường thương mại điện tử ở nước ta hiện nay chính là đang… lỗ vốn. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao lỗ nhưng DN vẫn lao vào đầu tư với số vốn bỏ ra từ vài triệu thậm chí lên đến hàng tỷ USD? Câu trả lời được lý giải, DN phải chi số tiền lớn làm vốn “mồi” để phát triển thị trường, khi nào có lượng khách hàng ổn định, lâu dài thì lúc đó mới có lời. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải có vốn mạnh, chiến lược bài bản, chiêu thức kinh doanh đột phá. Nếu không, sẽ dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi. Tiki.vn - trang bán hàng trực tuyến chuyên về sách, điện thoại… là một ví dụ. Sau 11 tháng được VNG đổ vốn vào (từ tháng 1-2016), mức lỗ của Tiki lên tới gần 255 tỷ đồng, “bay” hết khoảng 3/4 số tiền mà VNG đầu tư vào Tiki.vn. Mặc dù lỗ, nhưng theo thông tin của đại diện Tiki.vn thì DN đã sử dụng ngân sách đầu tư toàn diện vào hệ thống hạ tầng, như kho bãi, giao nhận, thanh toán trực tuyến hướng tới việc dễ dàng kiểm định chất lượng hàng hóa… Đây là các khoản đầu tư dài hạn, theo lộ trình nên DN không quá lo lắng. Tương tự, Lazada cũng từng làm mưa làm gió ở thị trường các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã chấp nhận để một tập đoàn lớn thâu tóm với giá chi khoảng 1 tỷ USD. Trước đó, công ty mẹ của Lazada đã thông báo lỗ tới 690 triệu USD trong vòng nửa năm 2016 trên quy mô toàn cầu.

Nhiều DN thừa nhận, thị trường thương mại điện tử Việt Nam là “chiếc bánh” cực kỳ hấp dẫn nhưng cũng khó tiếp cận. Trong cuộc đua khốc liệt này, nhiều “đại gia” trong ngành bán lẻ Việt Nam cũng tham gia cả thị trường truyền thống lẫn kênh bán lẻ trực tuyến để tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả và triệt để. Chẳng hạn như hệ thống Saigon Co.op, DN này cũng không đứng ngoài cuộc chơi khi đã và đang đẩy mạnh tối ưu hóa việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa quy trình kinh doanh trực tuyến bên cạnh kênh bán lẻ truyền thống như hiện nay.

Người tiêu dùng tìm hiểu, mua hàng trực tuyến. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp mới

Các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng, Việt Nam có dân số trẻ, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) tăng mạnh thời gian gần đây nên thương mại điện tử có nhiều cơ hội bứt phá. Trung bình, người dân nước ta đang bỏ ra khoảng 3,5 triệu đồng/năm cho thương mại điện tử, bao gồm mua sắm, thanh toán cước phí điện thoại, hóa đơn tiền điện, nước… Chính sức hấp dẫn của quốc gia trên 90 triệu dân với hơn 45% người sử dụng Internet nên Việt Nam đã và đang là một trong số những quốc gia ở châu Á rơi vào đích ngắm của những DN lớn về thương mại điện tử trên thế giới. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN khởi nghiệp (startup) non trẻ, thiếu kinh nghiệm nhưng muốn phát triển nhờ sự hỗ trợ tích cực của công nghệ số. Trong đó, các lĩnh vực thường được tập trung, gồm: mua sắm, thời trang, ẩm thực, các điểm đến du lịch, nhà hàng, khách sạn…

Thực tế cho thấy, trong cuộc chiến thương mại điện tử như hiện nay, phần lớn thị phần đều rơi vào tay các “đại gia” trong nước cũng như quốc tế. Tuy vậy, vẫn có những DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp nhờ nỗ lực của bản thân cũng từng bước tạo được chỗ đứng nhất định, thu hút sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư. Ví dụ như Vntrip.vn - chuyên về đặt phòng khách sạn trực tuyến, được rót vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng; Hellomam - chuyên về thực phẩm sạch được rót vốn 90 tỷ đồng; MoMo - chuyên về tài khoản ngân hàng thu hút khoảng 600 tỷ đồng từ Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs…

Ông Âu Dương Đạt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty VHT, cho rằng: “Ngoài ý tưởng kinh doanh mới lạ và sự kiên trì thì các bạn trẻ, DN mới khởi nghiệp phải có tiềm lực về tài chính, nhưng đây chính là cái khó. Để duy trì, phát triển DN, các bạn trẻ cần gầy dựng tên tuổi, cung cấp các sản phẩm thực sự hữu ích, chất lượng; sau đó thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà “đầu tư thiên thần”, quỹ đầu tư mạo hiểm để có được nguồn vốn hoạt động. Mặc dù thống kê chưa đầy đủ đã chỉ ra rằng, chỉ khoảng 5%-10% DN khởi nghiệp được rót vốn phát triển thành công, nhưng các bạn trẻ cũng đừng quá lo ngại về điều này, bởi cơ hội lớn vẫn còn ở phía trước”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục