Trong khi đó, nếu vẫn giữ lại thì mỗi năm những doanh nghiệp này mang lại lợi nhuận cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, việc quyết tâm “buông” những doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã được các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá cao. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ, chính là thông điệp mà Nhà nước gửi đến các nhà đầu tư thế giới rằng, Việt Nam đã mở một sân chơi rộng rãi bằng hành động cụ thể - thoái vốn, cổ phần hóa - để thu hút đầu tư và xây dựng nền kinh tế với nhiều thành phần tham gia.
Nếu trước đây, việc Nhà nước vừa làm chức năng quản lý nhà nước, vừa tham gia kinh doanh trên thị trường khiến cho doanh nghiệp nhà nước có nhiều thuận lợi hơn so với dân doanh, thì nay Nhà nước đã chấp nhận thoái vốn, cổ phần hóa cho tư nhân vào, để cơ cấu lại nền kinh tế. Bởi theo cam kết WTO, Việt Nam mở cửa thì thị trường phải rộng mở, bình đẳng, các cơ quan nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý, không tham gia, can thiệp vào thị trường. Các loại hình doanh nghiệp bình đẳng với nhau, không còn cơ chế đặc thù hay đặc quyền, đặc lợi nữa thì sẽ giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng, làm xói mòn niềm tin xã hội.
Thực tế đã chứng minh hiệu quả các thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước chiếm phần lớn vốn trên thị trường nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao, đóng góp cho ngân sách không nhiều bằng dân doanh.
Cụ thể, trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHCM năm qua, khu vực kinh tế Nhà nước chỉ mang lại 22.200 tỷ đồng, trong khi đó số thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên đến 58.000 tỷ đồng và khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt gần 49.000 tỷ đồng. Theo khảo sát về hiệu quả kinh doanh (dựa trên thuế thu nhập doanh nghiệp), khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI tăng, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước lại giảm.
Theo báo cáo của Cục Thuế TPHCM, thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI tăng hơn 21% so với năm trước, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước khối trung ương giảm gần 13% và khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm đến 28%.
Do vậy, ngoài mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, gửi thông điệp kêu gọi đầu tư đến các nước, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nước ta chính là tạo tiền đề để thị trường phát triển lành mạnh. Tư nhân tham gia vào điều hành các doanh nghiệp nhà nước - vốn lâu nay các doanh nghiệp này được “bú bầu sữa ngân sách”, hưởng nhiều cơ chế đặc thù nên chây ì, ỷ lại - thì sau cổ phần hóa, tư nhân tham gia, sẽ đưa doanh nghiệp phát triển lành mạnh, mạnh mẽ hơn. Và thực tế này không có doanh nghiệp tư nhân nào bỏ vốn lớn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, vào việc mua cổ phần, sau đó lại để doanh nghiệp và vốn đầu tư của mình lỗ lã, bị thui chột đi. Đồng tiền liền khúc ruột - ông bà xưa đã dạy, cho nên phải gắn trách nhiệm đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn của mình.