Sáng nay 8-7, Thành ủy TPHCM tổ chức Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và nhân dân Gia Định - TPHCM”, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Chiêu (16-6-1907--16-6-2017), nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Gia Định.
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy TPHCM các thời kỳ, các nhà khoa học, các tác giả có bài viết tham luận tại tọa đàm và đại diện gia đình đồng chí Phạm Văn Chiêu.
Nhà giáo - trí thức yêu nước, nhà tổ chức, lãnh đạo cách mạng
Ông Võ Anh Tuấn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc được mời lên phát biểu mở đầu cuộc tọa đàm, với chủ đề: "Nhớ con người làm nên nhiều điều kỳ diệu".
Ông nói: “Phạm Văn Chiêu chào đời trong một gia đình nông dân ở tỉnh Gia Định. Từ nhỏ, Phạm Văn Chiêu đã là một học sinh thông minh, hiếu học và sớm trở thành một thầy giáo với 16 năm dạy học, vừa truyền thụ kiến thức, vừa gieo tinh thần yêu nước cho các thế hệ học sinh. Rồi những năm trong lao tù của thực dân Pháp đã biến người thanh niên yêu nước thành người cộng sản, người trí thức - nhà tổ chức, lãnh đạo cách mạng sau này…”.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: hcmcpv
Nói về Nhà giáo - trí thức yêu nước Phạm Văn Chiêu, ông Huỳnh Văn Trung, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM nói lên sự cảm phục trước kỳ tích của phong trào “chống giặc dốt” ở Gia Định trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, được bắt đầu từ xã Quới Xuân (nay là quận Gò Vấp).
Với vùng đất có đến 95% người mù chữ, nhưng chỉ một thời gian ngắn 100% người dân biết chữ, và Quới Xuân trở thành xã đầu tiên của cả nước và Nam bộ xóa mù chữ.
Điều kỳ diệu này được ghi công đầu của đồng chí Phạm Văn Chiêu, người có công lớn được Bác Hồ khen thưởng trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Gia Định và người Thầy xóa mùa chữ.
Các tham luận của ông Nguyễn Trọng Xuất, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM; Vũ Hắc Bồng, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM; PGS-TS Phạm Danh Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh… cũng nêu bật những phẩm chất cao đẹp, ý chí cách mạng kiên cường của Nhà giáo - trí thức yêu nước, nhà lãnh đạo cách mạng Phạm Văn Chiêu.
Ông Nguyễn Trọng Xuất nói: “Từ chủ nghĩa yêu nước, Nhà giáo Phạm Văn Chiêu đã đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, đã lãnh đạo thế hệ thanh niên do mình đào tạo, không chỉ dừng lại ở tình cảm sôi nổi đứng lên khởi nghĩa gỡ bỏ xiềng xích nô lệ, mà cao hơn, đã đi vào kháng chiến với tinh thần cảm tử “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Tấm gương sáng, đạo đức mẫu mực của một nhà trí thức cách mạng
Bà Lê Minh Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM là một trong những học sinh miền Nam, trong những năm tháng học tập tại miền Bắc được đồng chí Phạm Văn Chiêu ân cần chăm sóc, dạy bảo. Bà đã nghẹn lời khi kể về những kỷ niệm về bác Bảy Chiêu: “Mỗi đứa chúng tôi theo học một trường khác nhau, tuy không hẹn mà cứ nghỉ hè là cùng kéo nhau về nhà bác Bảy, chung sống một đại gia đình, lúc nào cũng có mặt trên dưới 15 đứa, trong một căn phòng nhỏ bé 27m2 tại nhà số 3 Cao Bá Quát. Cứ đêm đến, bác Bảy nằm trên chiếc giường nhỏ sát góc nhà. Không chỉ lo cho chúng tôi ăn, mà từ sự dạy bảo từng li từng tí của bác, từ sự chân tình ân cần, ấm áp tình cha của bác, từ phẩm chất người đảng viên cộng sản của bác mà những đứa con Sài Gòn - Gia Định của bác đứa nào cũng phấn đấu tu dưỡng tốt, với ước nguyện mai này đủ tài, đủ đức về miền Nam…”.
Đức tính mẫu mực của đồng chí Phạm Văn Chiêu còn được thể hiện qua câu chuyện của người con trai thứ 7 của ông - ông Phạm Minh Hiền.
Ông Hiền kể: “Năm 1946, chính quyền cách mạng chủ trương tiêu thổ kháng chiến, tất cả các ngôi nhà ngói, tường xây đều phải phá hết, không để giặc chiếm làm bót. Nhà ông nội tôi cũng thuộc diện đó. Nhưng khi anh em làm nhiệm vụ biết đấy là nhà cha mẹ ông Bảy Chiêu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Gia Định thì do dự, không dám. Biết chuyện, ba tôi yêu cầu địa phương phải thực hiện ngay việc phá dỡ nhà. Khi biết tin này, ông nội tôi nói: “Nó như vậy là đứa con có hiếu đó!”…
Đồng chí Phạm Văn Chiêu còn là một người truyền đạt kiến thức, dạy dỗ, chỉ bảo cho thế hệ sau, dù ở cương vị nào cũng đem hết tâm trí và sức lực của mình cho cách mạng và xây dựng đất nước, chính quyền và con người, truyền bá cho các thế hệ cách mạng những tư tưởng tiến bộ về tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Tất cả toát lên một tấm lòng cao thượng, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời.
Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Văn Chiêu rút ra cho thế hệ hôm nay bài học lớn về tấm lòng nhân hậu thấm đẫm tính nhân văn, nghĩa tình để vận dụng vào thực tế xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.