Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở gia tăng do dòng nước “đói” phù sa

Tình hình thiệt hại do sạt lở gây ra ở các tỉnh ĐBSCL gia tăng từng năm. Tại các địa phương như Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu… gần như “luân phiên” nhau ban bố khẩn cấp về nạn sạt lở. 

Trong khi đó, các đập thủy điện trên dòng Mê Công dựng lên khiến cát và phù sa bị chặn lại. Do thiếu phù sa, “dòng nước đói” có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng… thế là sạt lở gia tăng. Giải pháp hạn chế thiệt hại do sạt lở ở ĐBSCL đang là vấn đề cấp bách đặt ra. 

Sạt lở ở vùng bán đảo Cà Mau ngày càng nghiêm trọng 
Mất phù sa và cát

An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ là 3 địa phương đang có nhiều điểm nóng về sạt lở bờ sông cần nhanh chóng xử lý. Mỗi địa phương đều có giải pháp khắc phục và giải pháp nào cũng ngốn từ vài trăm tỷ đồng trở lên. Tổng cục Phòng Chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết: “ĐBSCL có trên 500 điểm sạt lở dài khoảng 520km bờ sông và trên 50 điểm sạt lở dài 266km bờ biển (trong đó, gần 100 điểm sạt lở nguy hiểm). Ít nhất diện tích rừng đã mất hơn 28.000ha trong gần 20 năm qua…”. 

Các nhà khoa học cảnh báo việc thiếu phù sa có thể khiến tình hình sạt lở trong 5 - 10 năm tới tiếp tục tăng nhanh. Đối với bờ sông, sạt lở sẽ tăng cho đến khi lòng sông mở rộng và đạt trạng thái cân bằng mới. Đối với bờ biển, sạt lở liên tục diễn ra không ngừng và ngày càng gia tăng về tốc độ. Hiện nay, mỗi năm bờ biển ĐBSCL mất khoảng 500ha đất, nhưng sau 10 năm nữa có thể mất đến hàng ngàn hécta đất mỗi năm. 


Các nhà khoa học chỉ ra, khoảng năm 2005 về sau có thể xem là bước ngoặt của ĐBSCL, khi sạt lở nhiều hơn bồi. Sạt lở không còn là tự nhiên theo dạng “bên lở, bên bồi nữa”. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, đã dành nhiều công sức nghiên cứu, ông phân tích: “Phù sa mịn và cát là 2 vật liệu đã xây dựng nên ĐBSCL trong 6.000 năm qua. Trước đây, trong quá trình bồi đắp ĐBSCL thì luôn có bồi đắp và sạt lở, nhưng bồi đắp luôn trội hơn sạt lở; kết quả là ĐBSCL được bồi lấn về phía biển Đông trung bình 16m/năm và về phía mũi Cà Mau 26m/năm. Do đó, hiện tượng sạt lở ngày nay không còn tự nhiên nữa, mà bởi những biến động khác có sức ảnh hưởng lớn”.

 “Nguyên nhân chính của việc sạt lở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mê Công, tức là sự thiếu cát và phù sa, mà vấn đề cốt lõi bởi các đập thủy điện chặn cát và phù sa, cộng với khai thác cát trên sông Mê Công ở các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia đến Việt Nam. Số liệu của Ủy hội sông  Mê Công quốc tế so sánh giữa năm 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Công đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Sau này nếu có thêm 11 đập thủy điện trên dòng chính Mê Công ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm thêm phân nửa (còn khoảng 42 triệu tấn/năm). Về cát, khi có thêm những đập này thì 100% cát sẽ bị chặn lại, tức là không còn một hạt cát, viên sỏi nào về ĐBSCL nữa. Khi dòng nước bị thiếu phù sa sẽ trở thành “dòng nước đói”, có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng…”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra.

Không đủ kinh phí làm kè chống sạt lở

Nhu cầu kinh phí khắc phục sạt lở tràn lan ở ĐBSCL vô cùng lớn. Trong vài năm qua, Chính phủ đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để các tỉnh ĐBSCL làm những công trình phòng chống sạt lở. Năm 2020, tỉnh Đồng Tháp có công văn trình Thủ tướng Chính phủ, xin hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở và di dời dân vùng sạt lở cấp bách, với gần 1.000 tỷ đồng. Tình trạng “xin vốn” khắc phục sạt lở, sụp lún cũng diễn ra ở nhiều địa phương trong vùng. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước khó đáp ứng nhu cầu, ngoài ra mức độ hiệu quả các công trình chống sạt lở cũng cần có những đánh giá chính xác. 

“Mọi biện pháp dù là công trình hay phi công trình, cũng chỉ là chống đỡ chứ không thể làm ngừng sạt lở được, bởi vì không có biện pháp nào ở nội tại ĐBSCL có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của việc thiếu phù sa và thiếu cát…”, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện phân tích. Ông Thiện cũng cho rằng, việc trước mắt cần làm để hạn chế thiệt hại tài sản và tính mạng người dân là xây dựng công trình bảo vệ nơi xung yếu như thành phố, khu vực đông dân cư… Đối với những vùng ven sông ở nông thôn, nơi ít dân cư, nên chủ động di dời dân khỏi khu vực nguy cơ cao về sạt lở. Nhanh chóng quy hoạch lại khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh, vì khai thác cát một nơi cũng sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông. 

Ông Thiện lưu ý, đối với giải pháp công trình rất đắt đỏ, chi phí 1km bờ kè có thể lên đến 100 tỷ đồng. Vì thế Nhà nước sẽ không bao giờ có đủ kinh phí làm bờ kè chạy theo kịp tình hình sạt lở tràn lan. Chưa kể, khi làm bờ kè chống sạt lở nơi này thì đồng nghĩa với sự gia tăng sạt lở nơi khác, bởi dòng sông tự tìm cân bằng. Cần nhớ rằng, bờ kè hay bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ nhất định, cộng chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ gia tăng qua thời gian. Khi công trình hết tuổi thọ và sụp đổ thì tổn thất rất lớn. Công trình có thể tạo cảm giác an toàn “giả”, trong khi thực chất là không an toàn. Người dân thấy an tâm nên tự ý xây dựng nhà ở, kho xưởng… sát bờ kè và một khi bờ kè sụp đổ sẽ thiệt hại lớn hơn.

Tin cùng chuyên mục