Đông Bắc Á và an ninh kinh tế

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, đang lên kế hoạch thành lập một trung tâm an ninh kinh tế trong tháng 2 hoặc tháng 3-2022 nhằm tăng cường khả năng ứng phó của Seoul trước những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.

Kế hoạch dự chi 2,55 tỷ won (tương đương 2,15 triệu USD) để thành lập “trung tâm ngoại giao và an ninh kinh tế” nhằm phát hiện sớm, phân tích và xử lý các vấn đề liên quan đến kinh tế, công nghệ và an ninh.

heo Yonhap, một quan chức ngoại giao Hàn Quốc chia sẻ: “Thông qua quá trình này, chúng tôi cũng lên kế hoạch mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia khác nhau có quan điểm tương đồng”.

Tại Nhật Bản, dự luật An ninh kinh tế do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất nhằm đảm bảo nguồn cung cấp ổn định nguyên liệu quan trọng cho các ngành sản xuất, giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào các sản phẩm nước ngoài và ngăn chặn rò rỉ liên quan đến các đổi mới công nghệ của Nhật Bản.

Dự luật tập trung tăng cường an ninh ở 4 lĩnh vực chính: chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng trọng điểm; nền tảng công nghệ và bằng sáng chế cho các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh đến an ninh kinh tế với việc chọn ông Takayuki Kobayashi cho vị trí Bộ trưởng Nhà nước phụ trách an ninh kinh tế mới được thành lập.

Bên cạnh đó, theo Kyodo, Chính phủ Nhật Bản sẽ chi 500 tỷ yen (4,4 tỷ USD) để giúp phát triển và ứng dụng các công nghệ quan trọng, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, nhằm tăng cường an ninh kinh tế.

Động thái của Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng đối với các công nghệ tiên tiến và những lo ngại ngày càng tăng liên quan đến chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính công khai và minh bạch của thị trường. Dự báo đây cũng là xu thế tăng cường an ninh kinh tế chung của thế giới thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục