Đổi mới đào tạo giáo viên - Cần chất hơn lượng

Do trình độ, năng lực thực tiễn của giáo viên Việt Nam đang ở chuẩn thấp, yếu về kỹ năng sư phạm nên nhiều người rất ngại thay đổi, làm mới bản thân. Làm thế nào để hơn 1 triệu giáo viên thích ứng với yêu cầu cải cách, đổi mới giáo dục toàn diện?
Đổi mới đào tạo giáo viên - Cần chất hơn lượng

Do trình độ, năng lực thực tiễn của giáo viên Việt Nam đang ở chuẩn thấp, yếu về kỹ năng sư phạm nên nhiều người rất ngại thay đổi, làm mới bản thân. Làm thế nào để hơn 1 triệu giáo viên thích ứng với yêu cầu cải cách, đổi mới giáo dục toàn diện?

Bảo thủ và ngại đổi mới

Tại sao có những tiết học gây ấn tượng sâu sắc, học sinh càng học càng thấy hứng thú nhưng ngược lại còn nhiều tiết học, môn học đã khiến các em ngán ngẩm, chán học? Ngoài chất lượng giáo viên không đồng đều, năng lực chuyên môn yếu, thiếu kỹ năng sư phạm vì “đào tạo bị lỗi” thì tâm lý ngại đổi mới, kể cả bảo thủ, chiếm khá cao. Không chỉ lên lớp thụ động, truyền thụ kiến thức một chiều, họ còn bị học sinh ví von như “rô bốt”, thợ dạy chữ. Mặc dù được khuyến khích, trao quyền làm mới tiết học, mở rộng kiến thức và coi học sinh là trung tâm, nhưng chưa nhiều thầy cô nhiệt tình thay đổi, dấn thân vào guồng máy đổi mới giáo dục. Một hiệu trưởng trường THPT bộc bạch về sức ì khó lay chuyển: “Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy nhưng nhiều giáo viên đứng tuổi, có thâm niên trong nghề rất ngại đổi mới, ngại đi tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ dạy học mới. Hơn nữa, nhiều giáo viên có tư tưởng bảo thủ, muốn giảng dạy theo phương pháp cũ, sách cũ để khỏi phải đầu tư làm lại hoặc làm mới tác phong của mình...”.

Lý giải về lực cản chung đang án ngữ hành trình đổi mới giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển nói rằng: “Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường, giáo viên chủ động đổi mới cách dạy và học, giảm tải nội dung chương trình. Giáo viên có thể chọn lọc nội dung thành các chủ đề tích hợp, kết hợp kiến thức liên môn nhằm giúp người học tiếp thu kiến thức có hệ thống, giảm bớt gánh nặng chương trình. Thế nhưng, nhiều giáo viên vẫn coi sách giáo khoa là pháp lệnh, áp dụng máy móc và truyền tải kiến thức xơ cứng khiến học trò chán học, không thích đến trường”. Không chịu sáng tạo, đổi mới, nhiều giáo viên còn viện lý do chương trình quá nặng, trên lớp không đủ thời gian chuyển tải nên phải dạy thêm học sinh mới hiểu.

Niềm vui của giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân trong buổi chia tay học sinh. Ảnh: KHÁNH BÌNH

Theo nhận định của chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (Sở GD-ĐT TPHCM), 90% giáo viên hiện nay cần bổ sung phương pháp giảng dạy sáng tạo - lấy học sinh làm trung tâm. Bởi vì, học sinh thuộc thế kỷ 21 có nhiều tố chất thông minh, sáng tạo, linh hoạt nhưng giáo viên thì lại đào tạo từ thế kỷ 20 nên “lỗi nhịp”, không theo kịp yêu cầu dạy học sáng tạo. Thời công nghệ số, kiến thức được cập nhật và thay đổi rất nhanh, vì thế người thầy phải đóng vai trò truyền lửa, định hướng học tập, tổ chức các hoạt động phát triển năng lực, kỹ năng của thế kỷ 21. Từ đó tạo động lực giúp học sinh hứng thú tìm kiếm, khám phá kiến thức, đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Trường sư phạm chưa theo kịp đổi mới

Trong khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường mỗi năm một nhiều và tỷ lệ thất nghiệp ngày một cao thì “cung vẫn không đáp ứng cầu”. Rất nhiều hiệu trưởng than rằng giáo sinh mới ra nghề yếu kỹ năng giảng dạy lẫn chuyên môn. Nguyên nhân lưu cữu là do cỗ máy đào tạo sư phạm trong cả nước chậm đổi mới và phần đông sinh viên chưa chủ động học tập nâng cao chuyên môn, bổ sung thêm các kỹ năng cần thiết để đứng trên bục giảng.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành GD-ĐT cả nước mới đây, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - GS Nguyễn Văn Minh - đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong đào tạo giáo viên hiện nay. Đó là, trong khi nguồn tài chính eo hẹp thì chúng ta lại có quá nhiều các trường đại học sư phạm. Hệ quả là cơ sở vật chất, trang thiết bị từ phòng thí nghiệm, thực hành nghiên cứu đến hạ tầng công nghệ thông tin, ký túc xá… của trường sư phạm đều cũ và lạc hậu, không thể đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên theo chuẩn mới. “Đơn cử như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - một trường lớn trong hệ thống sư phạm, nhưng 5 năm qua mới được đầu tư mới một công trình, cải tạo sửa chữa 5 công trình khác. Kiến trúc, chất lượng xây dựng và bố trí của các tòa nhà xây dựng trước những năm 1990 ngày càng trở nên xa lạ với yêu cầu của một giảng đường hay phòng thí nghiệm của đại học hiện đại”, GS Nguyễn Văn Minh cho biết. Từ thực trạng này, ông kiến nghị cần sớm quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm để đầu tư có trọng điểm, tránh tình trạng manh mún, thiếu chiến lược như trong thời gian qua.

Thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, Chính phủ mới phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, từ nay đến năm 2020, đề án tập trung đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đạt chuẩn nghề nghiệp. Ngoài đào tạo thay thế số giáo viên nghỉ hưu (khoảng 130.000 người), các trường sư phạm sẽ đào tạo thêm 60.000 giáo viên mới. Như thế, với số lượng hơn 1 triệu giáo viên hiện có, trước mắt mới có khoảng hơn 10% trong tổng số giáo viên nghỉ hưu, còn lại 90% sẽ được nâng chuẩn trình độ, năng lực ra sao để ngang tầm các nước trong khu vực?

Để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu phấn đấu là 100% nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông sẽ được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng. Tuy nhiên, với trình độ, năng lực thực tiễn của giáo viên Việt Nam đang ở chuẩn thấp, yếu về kỹ năng sư phạm, làm sao chúng ta có thể chạm vào đích trong 4 năm tới?

Trong khi đoàn tàu đổi mới giáo dục bắt buộc phải tăng tốc, phải cải cách bài bản hơn thì sự chuyển động tư duy, hành động của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhìn chung vẫn chậm chạp, thậm chí là ì ạch. Sứ mệnh đổi mới đào tạo sinh viên sư phạm ở các trường sư phạm và bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên phổ thông đang trở thành yêu cầu cấp thiết, không thể chậm trễ. Đến bao giờ thì Bộ GD-ĐT mới chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng và đào tạo quá dư thừa như hiện nay?

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục