Điều này hoàn toàn không quá lời nếu được tham gia vào buổi giao lưu nhỏ với tên gọi “Chạm và Bật”, vừa được tổ chức tại Đường sách TPHCM.
Thoạt tiên, cái tên không chút liên quan đến sách nhưng mục đích mà chương trình hướng đến lại là khuyến khích các bạn trẻ đọc sách, biết cách chọn lọc và tiếp thu tri thức một cách hiệu quả.
Qua chương trình, những người thực hiện hy vọng mang thông điệp: “Giá trị của một cuốn sách không phải nằm ở những gì tác giả viết ra, mà nằm ở những bài học bạn lấy ra được và đem theo trong cuộc đời mình” đến gần hơn với các bạn trẻ.
Bạn Phan Duy mang đến câu trích dẫn trong tác phẩm Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Haruki Murakami: “Cái gì mua được bằng tiền, phải bỏ tiền mua đừng đắn đo hơn thiệt. Hãy để dành tâm lực cho những cái không mua được bằng tiền”.
Từ Phan Thiết, bác Nguyễn Thành Lợi, 81 tuổi, mang đến câu nói đầy chiêm nghiệm trong cuốn Thả trôi phiền muộn của tác giả Suối Thông: “Đã là cuộc sống thì không thể thiếu cay đắng ngọt bùi. Đã là cuộc đời thì sao tránh khỏi tình người ấm lạnh”.
Bên cạnh những câu trích dẫn ý nghĩa, mang tính truyền cảm hứng; buổi giao lưu nhỏ còn có đầy đủ cung bậc cảm xúc với niềm vui, tiếng cười cùng những câu chuyện chân thực và xúc động liên quan đến sách.
Ngoài câu trích dẫn trong tác phẩm nổi tiếng Nhà giả kim của nhà văn Paulo Coelhe: “Khi bạn khát khao điều gì đó thì vũ trụ sẽ giúp bạn đạt được điều đó”, anh Hiển, 47 tuổi còn mang đến câu chuyện của chính mình. Cách đây 2 năm, lúc đang chênh vênh giữa việc đi tiếp hay dừng lại thì anh được một người bạn tặng cho cuốn sách trên, kèm lời nhắn đơn giản: “Đọc đi”.
Cuốn sách đã tác động mạnh mẽ đến anh, giúp anh tự tin về quyết định của mình: Rời Huế vào TPHCM lập nghiệp. Đến bây giờ, anh Hiển đã là ông chủ của một thương hiệu về trà. Tất cả mới đang bắt đầu nhưng ít nhất điều khiến anh Hiển vui nhất là được sống với lựa chọn và đam mê của mình. Từ câu chuyện của mình, anh Hiển nhắn nhủ: “Nếu các bạn có ước mơ, có khát khao gì đấy, các bạn cứ làm đi rồi nó sẽ đến!”.
Trước khi nhận được học bổng cho một khóa học về thiết kế thời trang ở Anh, bạn Cát Tường từng bị trầm cảm và 3 lần tìm đến cái chết. Cát Tường tâm sự, bạn có năng khiếu về hội họa và khát khao trở thành một nhà thiết kế thời trang nhưng bố mẹ chỉ xem đó như một trò chơi trẻ con.
Để chiều lòng bố mẹ, Cát Tường đành phải theo ngành ngôn ngữ Đức. Tuy nhiên, lựa chọn đó chỉ giúp bố mẹ vui lòng, còn Cát Tường thì lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, chán chường. Đó là lý do khiến cô gái trẻ này tìm đến cái chết, để không mang lại niềm đau, sự buồn lòng cho người thân.
Tuy nhiên, trong một lần tình cờ, Cát Tường mở ra cuốn sổ tay ghi lại những câu nói hay trích dẫn truyền cảm hứng, trong đó có câu: “Heaven is comfort but is’s still not living” (tạm dịch: Thiên đường thì rất tuyệt vời nhưng nó không phải là sự sống) từ cuốn tiểu thuyết The Lovely Bones của nhà văn Alice Sebold.
Cát Tường xúc động kể lại: “Khi cố gắng học tiếng Đức, em nhận ra mình không đang sống mà chỉ đang tồn tại, tồn tại với mong muốn của người khác. Em nhận ra mình cần phải làm gì đó cho mình nếu không mình sẽ còn chết nữa. Câu này giúp em tỉnh lại và cố gắng với con đường mà em tiếp tục đang đi”.
Trên thực tế, sách cũng giúp không ít người nổi tiếng, thành công, có thể “đổi đời”. Ken Honda, tác giả bestseller của Nhật Bản với 7 triệu cuốn sách đã bán và cũng là diễn giả nổi tiếng trên thế giới cho rằng, chỉ có việc đọc sách mới mang lại hiệu quả cao nhất, giúp ông có được thành công như ngày hôm nay.
Trong cuốn sách Tuổi 20 nhiệt huyết, ông viết: “So với việc đi bắt chuyện với người này người kia, việc tìm một cuốn sách thích hợp cho mình có vẻ dễ dàng hơn nhiều, cũng ít hao tốn thời gian và tiền bạc hơn. Đọc sách, cho đến tận hôm nay vẫn còn đem đến nhiều ảnh hưởng tốt đẹp cho cuộc đời tôi. Tôi khuyên bạn hãy đặt việc đọc sách lên hàng đầu. Hãy đọc một cách ngấu nghiến và xem đó như là chất dinh dưỡng cho tâm hồn bạn”.
Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng thói quen đọc sách của người Việt rất thấp. Cộng cả sách giáo khoa, giáo trình mới đạt 4 cuốn/người/năm; nếu không tính sách giáo khoa thì Việt Nam mới chỉ đạt 1 cuốn/người/năm. Con số này quả thực “không thấm vào đâu” so với Malaysia khi tỷ lệ đọc sách ở đất nước này là 12 cuốn/người/năm.
Nhìn vào những con số trên, không tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi. Nhưng vì thói quen đọc sách không phải hình thành một sớm một chiều, mà đó là một quá trình rèn luyện và tạo lập lâu năm.
Bởi vậy, rất cần sự chung tay của những cá nhân và các nhóm, cùng nhau hành động để tạo ra những dự án hay chương trình như “Chạm và Bật” vừa thực hiện. Dẫu quy mô không lớn, nhưng những điều mà chương trình mang đến lại không nhỏ chút nào.