Doanh nghiệp và trường học hợp tác cải thiện môi trường

Khu Công nghiệp (KCN) Hiệp Phước vừa ký kết hợp tác toàn diện với Trường Đại học Bách khoa TPHCM các vấn đề về xử lý môi trường, hạ tầng trong KCN Hiệp Phước với mục đích giảm chi phí đầu vào và hướng đến sự phát triển bền vững.
Doanh nghiệp và trường học hợp tác cải thiện môi trường

Khu Công nghiệp (KCN) Hiệp Phước vừa ký kết hợp tác toàn diện với Trường Đại học Bách khoa TPHCM các vấn đề về xử lý môi trường, hạ tầng trong KCN Hiệp Phước với mục đích giảm chi phí đầu vào và hướng đến sự phát triển bền vững.

Sinh viên cổ động cho môi trường xanh - sạch - đẹp

Ông Vương Hữu Mẫn, Tổng giám đốc KCN Hiệp Phước, cho biết hiện KCN Hiệp Phước rất quan tâm đến các vấn đề về phương án vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, DN có nguy cơ ô nhiễm cao (thuộc da, xi mạ, hóa chất, nhuộm). Nghiên cứu giải pháp công nghệ, phương án vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung nhằm nâng cao hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế trong điều kiện nước thải đầu vào bị nhiễm mặn. Các đề tài nghiên cứu, ứng dụng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến xử lý chất thải, sản xuất sạch hơn, các công cụ nhằm nâng hiệu quả hoạt động quản lý môi trường, KCN sinh thái, phát triển bền vững và các vấn đề liên quan đến môi trường KCN phát sinh trong thực tế. Không dừng lại ở đó, KCN Hiệp Phước cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề ổn định hạ tầng trên nền đất vùng hạ lưu sông Soài Rạp thuộc huyện Nhà Bè.

Khu vực huyện Nhà Bè với địa chất chủ yếu là bùn sét (chiều dày lớp bùn chiếm tới 40m), do đó chi phí xử lý lún triệt để khi đầu tư công trình xây dựng là rất lớn. Hiện nay, KCN Hiệp Phước đang lựa chọn giải pháp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa) và các hạ tầng khác trên tuyến không qua xử lý lún để giảm chi phí đầu tư ban đầu. Chi phí xử lý lún triệt để là rất lớn, nếu áp dụng sẽ làm tăng giá thành cho thuê đất, đánh mất tính cạnh tranh, thu hút đầu tư vào KCN  Hiệp Phước.

Để đáp ứng các yêu cầu thực tế, KCN Hiệp Phước mong muốn Trường Đại học Bách khoa TPHCM nghiên cứu tìm được giải pháp tối ưu đảm bảo được tính ổn định cho công trình ứng dụng được ngay vào thực tiễn đầu tư hạ tầng KCN Hiệp Phước với chi phí khả thi. Chia sẻ về vấn đề này, GS-TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, đây là một sự kiện quan trọng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên, đặc biệt đối với công tác nghiên cứu, đào tạo của nhà trường. GS-TS Vũ Đình Thành nhấn mạnh, sự hợp tác này sẽ là cơ hội cho cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐH Bách khoa được tiếp cận các công trình thực tế tại KCN Hiệp Phước. GS-TS Vũ Đình Thành tin tưởng, với những lợi ích của sự hợp tác giữa hai bên mang lại, cùng với sự quyết tâm của hai bên, các nội dung thỏa thuận sẽ được triển khai sớm và có hiệu quả trong thời gian gần nhất.

Có thể thấy rằng, việc hợp tác giữa trường học và DN ở Việt Nam còn hạn chế về số lượng, chất lượng đào tạo. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế. Trong khi đó, sự thiếu hụt thông tin từ cả hai phía, thiếu đầu mối liên hệ, liên lạc trong việc hợp tác là rào cản lớn của việc liên kết này. Để hợp tác giữa trường học và DN được thiết thực, hiệu quả và bền vững, các bên cần nhận thực rõ các lợi ích, tôn trọng và cân bằng lợi ích. Nhà trường ưu tiên chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ DN trong tư vấn, giải quyết các vấn đề của DN. Ngược lại, DN cần tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tham quan, khảo sát, tuyển dụng và sử dụng sinh viên của nhà trường; đóng vai trò là nhà cung cấp thông tin, phản biện để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động; thường xuyên trao đổi, góp ý chương trình đào tạo, mô hình phương pháp đào tạo của nhà trường.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục