Nỗ lực kéo giảm ô nhiễm môi trường

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường được xem là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM giai đoạn 2016-2020. Trong thời gian qua, nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được triển khai nhưng hiệu quả còn hạn chế. Trước thực tế đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm gì để kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố trong năm 2017?
Nỗ lực kéo giảm ô nhiễm môi trường

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường được xem là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM giai đoạn 2016-2020. Trong thời gian qua, nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được triển khai nhưng hiệu quả còn hạn chế. Trước thực tế đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ làm gì để kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố trong năm 2017?

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về vấn đề này.

Ông Nguyễn Toàn Thắng

* Phóng viên: Chất lượng môi trường thành phố đang bị suy giảm nghiêm trọng. Vậy những giải pháp cải thiện môi trường nào sẽ được ưu tiên tăng cường thực hiện nhằm cải thiện hiệu quả chất lượng môi trường TPHCM trong thời gian tới?

- Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Trong năm 2017, nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu nguồn thải ô nhiễm sẽ được thực hiện đồng bộ. Cụ thể, với nguồn xả thải, thực hiện giải pháp ngăn ngừa bằng cách tăng cường hiệu quả hoạt động của công cụ thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Kế đến là đẩy mạnh công tác hậu kiểm đối với các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Riêng với nguồn thải có khối lượng lớn trên 1.000m3/ngày đêm phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động. Hệ thống này có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường phối hợp với Sở Y tế triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo, đầu tư mới các công trình xử lý chất thải tại các cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố đảm bảo đạt quy chuẩn về môi trường. Giám sát, theo dõi việc xử lý nước thải của các cơ sở y tế tư nhân; tập trung xử lý hiệu quả các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Định kỳ hàng năm, lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để thực hiện xử lý theo quy định; triển khai Dự án đầu tư công “Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường tại TPHCM giai đoạn 2016-2020” kết hợp kêu gọi các nguồn tài trợ quốc tế cho việc đầu tư các trạm quan trắc môi trường với mục tiêu nhanh nhất để xây dựng được hệ thống quan trắc tự động cho thành phố.

Ngoài ra, để đạt chỉ tiêu 40% chất thải rắn sinh hoạt sẽ được xử lý theo phương án tái chế, làm phân compost và đốt đảm bảo vệ sinh môi trường, sở đã thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư có công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tiên tiến.
 
* Hầu hết chất lượng nguồn nước kênh rạch nội thành đều bị ô nhiễm nặng. Nhiều giải pháp công trình và phi công trình đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Phải thừa nhận rằng, chất lượng nguồn nước kênh rạch vẫn còn ô nhiễm.  Để tiếp tục giải quyết vấn đề ô nhiễm kênh rạch, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung (Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000m3/ngày, Nhiêu Lộc - Thị Nghè 480.000m3/ngày, Bình Hưng giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày); thực hiện cải tạo, nạo vét, khai thông, duy tu, bảo dưỡng hệ thống các kênh rạch được phân cấp quản lý.

Về phía UBND các quận, huyện phải thực hiện kiểm soát nạn lấn chiếm lòng kênh để xây, mở rộng nhà cửa. Đặc biệt, triệt để giảm tình trạng xả rác xuống lòng kênh của người dân dẫn đến tù đọng nước gây ô nhiễm. Hiện TP đang có khoảng 2.000km kênh thoát nước, hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả thải. Thế nhưng, nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước trên của TP.

* Vấn đề xử lý rác thải đô thị bằng công nghệ chôn lấp phát sinh mùi hôi đang gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư. Sở có những biện pháp gì để không tái lập tình trạng trên?

- Hiện nay, tại thành phố đang áp dụng công nghệ xử lý khoảng 76% chôn lấp hợp vệ sinh, 14,7% sản xuất compost và tái chế nhựa; 9,3% đốt không phát điện.

Việc phát sinh mùi hôi từ hệ thống bãi rác chôn lấp trong thời gian qua đã và đang được thành phố thực hiện các giải pháp để khắc phục và ngăn chặn, khống chế. Ngoài ra, sở cũng đang tổ chức kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, ít phát thải, chi phí hợp lý. Hiện thành phố đang xem xét 1 dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ đốt Plasma với công suất 1.000 tấn/ngày. Đây là công nghệ xử lý rác thải tiên tiến nhất đang được sử dụng trên thế giới. Dự kiến năm 2017, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi thêm 1 dự án với công suất 1.000 tấn/ngày với công nghệ tiên tiến.

Thi công nạo vét Ụ Cây, xây dựng môi trường sống xanh. Ảnh: Thành Trí

* Tình trạng chồng chéo trong việc phân công chức năng quét dọn, thu gom rác thải, khiến cho bộ mặt thành phố vẫn còn nhiều nhếch nhác. Tại sao tình trạng này đến nay vẫn chưa được khắc phục?

- Để giải quyết vấn đề trùng lắp, đùn đẩy trách nhiệm này, UBND TPHCM đã chỉ đạo giao thí điểm phân cấp cho UBND các quận 1, 3, 5 tổ chức thực hiện công tác vệ sinh mặt đường, mặt cầu, lề đường, lề bộ hành, vỉa hè, lan can cầu đối với toàn bộ các công trình cầu, đường trên địa bàn quản lý. Theo đó, các quận, huyện sẽ thực hiện vệ sinh cả các tuyến cầu đường do Sở Giao thông Vận tải quản lý trong thời gian Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật đối với công tác vệ sinh các công trình giao thông đường bộ (cầu, đường) để áp dụng thống nhất trên toàn địa bàn để tiến tới triển khai đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích chuyên ngành nêu trên kể từ năm 2017.

* Cục Cảnh sát môi trường phát hiện nhiều vụ việc vi phạm quy định xử lý  chất thải nguy hại (CTNH). Điều này phát sinh từ bất cập trong cung và cầu hoạt động xử lý CTNH. Vậy vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào trong thời gian tới?

- Thành phố hiện có 12 công ty đang hoạt động xử lý CTNH được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép theo quy định với tổng công suất tiếp nhận là 251 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý CTNH từ 62,75%-71,71% CTNH phát sinh trên địa bàn thành phố. Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án xử lý CTNH có công suất khoảng 800 tấn/ngày của Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu và dự án của Công ty CP Bất động sản Tiến Phước - Công ty CP Môi trường Việt Úc. Dự kiến đến cuối năm 2018, có ít nhất 1 dự án đi vào hoạt động.

Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý CTNH trên địa bàn thành phố, sở đang trình UBND TP xem xét ban hành kế hoạch tăng cường công tác thu gom, vận chuyển CTNH trên địa bàn thành phố theo hướng phân cấp cho quận, huyện nhằm tăng cường, giám sát hoạt động thu gom, xử lý CTNH tại địa phương.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục