Bừa bộn rác đường phố

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chỉnh trang đô thị là một trong 2 nhiệm vụ chiến lược nhằm cải thiện hình ảnh của TPHCM. Thế nhưng, đã gần 1 năm triển khai chương trình này, vấn nạn rác thải khắp nơi trên đường phố và tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán, xả thải tràn lan trên đường vẫn chưa được xử lý hiệu quả.
Bừa bộn rác đường phố

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chỉnh trang đô thị là một trong 2 nhiệm vụ chiến lược nhằm cải thiện hình ảnh của TPHCM. Thế nhưng, đã gần 1 năm triển khai chương trình này, vấn nạn rác thải khắp nơi trên đường phố và tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán, xả thải tràn lan trên đường vẫn chưa được xử lý hiệu quả.

Nóng với ô nhiễm khu vực giáp ranh

Tình trạng ô nhiễm rác thải gây nhiều bức xúc nhất trong cộng đồng chính là những khu vực giáp ranh, mặt cầu, chân cầu và hệ thống vỉa hè chưa được hoàn thiện.

Đơn cử như tại khu vực các cầu Chánh Hưng, Nguyễn Tri Phương, Chữ Y (quận 8); cầu Nguyễn Văn Cừ nối từ khu vực quận 8 sang quận 5 hay dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh kéo dài từ khu vực quận 7 sang huyện Bình Chánh…

Chị Nguyễn Thị Hoàng Giang, ngụ tại khu vực chân cầu Chữ Y (quận 8) bức xúc, trong 6 tháng trở lại đây, tình trạng rác thải bỏ tràn lan trên mặt cầu và hai bên hành lang cầu Chữ Y xuất hiện rất nhiều. Thậm chí, có những bao rác thải công nghiệp cũng được nhiều người lén thải bỏ trên mặt cầu cả tháng mà vẫn không thấy cơ quan chức năng nào đến dọn dẹp. Phía chân cầu thì tình trạng xả rác vẫn nghiêm trọng hơn. Nhiều người dân trong khu phố vì không thể chấp nhận được tình trạng ô nhiễm rác thải nên đã tự góp tiền thuê lực lượng vệ sinh quét dọn. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn thì tình trạng xả rác lại tiếp diễn.

Rác bên đường Nguyễn Văn Linh ngày 9-12-2016 Ảnh THÀNH TRÍ

Tương tự, tại khu vực cầu Chánh Hưng, quận 8, ngoài rác thải tràn lan hai bên thành mặt cầu thì còn có thêm bụi đóng lớp dày dọc hai bên mép thành cầu và hệ thống dải phân cách làn đường trên mặt cầu. Điều đáng nói, tuyến đường Phạm Hùng qua cầu Chánh Hưng là trục đường chính của quận 8 kết nối với các quận khác nên lưu lượng phương tiện và người dân tham gia lưu thông rất cao. Tình trạng ô nhiễm rác và bụi của tuyến đường đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người dân.

Tình trạng ô nhiễm chất thải còn nghiêm trọng hơn tại khu vực dọc hai bên đường Nguyễn Văn Linh nối từ quận 7 đi huyện Bình Chánh. Rất nhiều bao rác thải lớn được đổ tràn hai bên vỉa hè. Trong những ngày gần đây, mưa nhiều, nước mưa đã hòa trộn rác thải tràn ra đường phố trông hết sức nhếch nhác.

Ông Nguyễn Thành Ngoan, một người dân bán hàng tại khu vực đường Nguyễn Văn Linh chia sẻ, những ngày mưa thì đường sá nhếch nhác nhưng mùi hôi không nhiều; còn những ngày nắng thì mùi hôi bốc lên từ những đống rác thải rất kinh khủng. Nhiều người dân sống ở khu vực này cho biết thêm, không biết trong những bao tải lớn rác thải chứa gì, nhưng người dân cũng không dám mở ra xem. Thỉnh thoảng khoảng vài tuần, cứ vào đêm khuya lại có hàng loạt xe tải nhỏ chở rác đổ bỏ ở tuyến đường này. Quan sát thực tế của chúng tôi tại những tuyến đường trên cho thấy, hệ thống vỉa hè của đường Nguyễn Văn Linh chưa được hoàn thiện, vẫn còn là đất sình. Rác tràn ngập phủ dài theo tuyến đường.

Hậu kiểm lỏng hay chồng chéo chức năng?

Trao đổi về vấn đề này, đại diện các công ty công ích quận huyện cho biết, các đơn vị chỉ có chức năng quét dọn, thu gom rác tại khu vực địa bàn quận huyện. Tại những khu vực giáp ranh thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Các quận không xác định được rác thải thuộc khu vực quận nào nên không thể tiến hành xử lý. Mặc khác, lãnh đạo các quận thừa nhận có tình trạng xả rác thải lén lút vào thời gian ban đêm và tại những khu vực giáp ranh nhưng do lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng, yếu nên chưa thể phát hiện và xử lý triệt để.

Không chỉ vậy, tình trạng ô nhiễm do rác tràn lan trên đường phố cho đến nay vẫn chưa giải quyết được còn xuất phát từ tình trạng chồng chéo trong hoạt động thu gom, quét dọn rác đường phố. Cụ thể, các công ty công ích quận huyện chỉ có chức năng quét và gom rác hệ thống tuyến đường dẫn tới khu vực chân cầu. Còn mặt cầu thì do công ty quản lý cầu phà phụ trách. Riêng rác thải hoặc bùn đất khu vực hệ thống dải phân cách trên đường thuộc quyền quản lý của Công ty Công trình giao thông công cộng. Mặt khác, diện tích mặt đường thực hiện quét rác mà các công ty công ích được quy định thực hiện là 1m tính từ mép vỉa hè đi ra. Do đó, rác khu vực giữa lòng đường sẽ không được quét dọn vì nếu có quét dọn thì các công ty dịch vụ công ích sẽ không được trả chi phí. Về lượng rác phát sinh từ hộ gia đình bỏ ra khu vực trên vỉa hè thì Công ty Công ích chỉ thu gom trên hệ thống tuyến đường do công ty đảm trách. Còn tại những khu vực do lực lượng thu gom rác dân lập phụ trách sẽ do lực lượng này đảm trách. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, hiện lực lượng thu gom rác dân lập chưa được quản lý theo đúng quy trình nên chất lượng vệ sinh rất kém.

Một vấn đề khác là tình trạng xả rác bừa bãi trên đường phố và kênh rạch hiện vẫn chưa có giải pháp xử lý. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, những hành vi vi phạm môi trường như vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng; vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ,  nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, việc thực hiện nghị định trên rất khó khả thi trong thực tế. Bởi xét trên đối tượng có khả năng bị phạt nhiều nhất là người dân có thu nhập thấp, trong khi khả năng tài chính không cho phép họ chấp hành quyết định xử phạt. Chưa kể, trong trường hợp họ không có khả năng chấp hành thì cũng không có biện pháp chế tài áp dụng.

Một biện pháp chế tài cần thiết đã được nhiều chuyên gia môi trường cũng như các cơ quan chức năng kiến nghị là áp dụng hình thức phạt lao động công ích với những trường hợp vi phạm môi trường nhưng cho đến nay vẫn chưa được ghi nhận trong quy định. Với những bất cập trên, vấn đề ô nhiễm môi trường tại TPHCM nói riêng và những thành phố lớn nói chung xem ra vẫn khó được cải thiện trong thời gian tới.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục