Rào cản môi trường níu chân ngành da giày

Với sản lượng giày dép sản xuất ở mức 1 tỷ đôi/năm hiện nay và sẽ tăng lên 2 tỷ đôi vào năm 2025, nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất sản phẩm trên sẽ rất lớn. Trong khi đó, có đến 60% nguyên phụ liệu sản xuất sản phẩm này lại phụ thuộc vào nhập khẩu của nước ngoài. Do vậy, cùng với mức sản lượng tăng gấp đôi thì nhu cầu nguyên phụ liệu sản xuất phải nhập khẩu sẽ tăng gấp đôi, gây rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Phát triển nguồn nguyên phụ liệu nội địa là rất cần thiết. Tuy nhiên, các rào cản môi trường đã níu chân phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của da giày.
Rào cản môi trường níu chân ngành da giày

Với sản lượng giày dép sản xuất ở mức 1 tỷ đôi/năm hiện nay và sẽ tăng lên 2 tỷ đôi vào năm 2025, nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất sản phẩm trên sẽ rất lớn. Trong khi đó, có đến 60% nguyên phụ liệu sản xuất sản phẩm này lại phụ thuộc vào nhập khẩu của nước ngoài. Do vậy, cùng với mức sản lượng tăng gấp đôi thì nhu cầu nguyên phụ liệu sản xuất phải nhập khẩu sẽ tăng gấp đôi, gây rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Phát triển nguồn nguyên phụ liệu nội địa là rất cần thiết. Tuy nhiên, các rào cản môi trường đã níu chân phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của da giày.

Địa phương ngại cấp phép cho doanh nghiệp da giày

Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, ngành da giày Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu ước tính đến 60% nhu cầu với tổng số tiền gần 2 tỷ USD. Đó là chưa kể các doanh nghiệp còn phải chi phí hàng tỷ USD khác để nhập khẩu các nguyên phụ liệu khác và thiết bị, phụ tùng thay thế phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách chia sẻ, tại nước ta bước đầu đã hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giày như giả da, vải kỹ thuật, phụ liệu, phụ kiện… nhưng chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu sản xuất - rất thấp so với nhu cầu. Chưa hết, chất lượng nhiều loại nguyên phụ liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu về thẩm mỹ, độ đều và bền màu… Hơn nữa, chưa có sự đồng bộ giữa nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất và khả năng cung ứng.

Sản xuất giày tại một đơn vị.  Ảnh: CAO THĂNG

Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là mắc xích quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành da giày. Vấn đề này đã được hiệp hội cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đề xuất từ rất nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Đức Thuấn bức xúc, sản xuất nguyên phụ liệu cần đầu tư vốn lớn và cần có sự kết hợp của nhiều ngành như cơ khí, nhựa, cao su, hóa polymer… Tuy nhiên, những vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được bằng năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoặc có thể thực hiện giải pháp liên kết doanh nghiệp để cùng đầu tư xây dựng. Duy chỉ có vấn đề giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất thuộc da, dệt nhuộm hiện nay vẫn chưa có cách hóa giải.

Điều đáng nói là việc chưa có giải pháp hóa giải liên quan đến xử lý môi trường không phải do doanh nghiệp không thể đầu tư hệ thống xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất mà do tâm lý kỳ thị của địa phương, các cơ quan chức năng liên quan khi nhìn nhận, cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trước đây, có rất nhiều doanh nghiệp nguyên phụ liệu da giày đầu tư tại TPHCM. Kể từ năm 2003, thành phố có chủ trương hạn chế cấp phép cho những doanh nghiệp thuộc các ngành nghề nhạy cảm với môi trường thì cả doanh nghiệp đã đầu tư và doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư đều không thể trụ lại trên địa bàn thành phố. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã tự di dời nhà máy sang các tỉnh lân cận. Thế nhưng, chính sách thiếu nhất quán trong thu hút đầu tư của các tỉnh, thành một lần nữa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp các doanh nghiệp đang đầu tư tại Bình Phước. Thời điểm đầu tư, UBND tỉnh chấp thuận với yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường. Thế nhưng, hiện nay, dù các doanh nghiệp có đảm bảo môi trường vẫn có nguy cơ phải di dời vì không phù hợp quy hoạch.

Cần quy hoạch ổn định vùng sản xuất cho ngành da giày

Trước thực tế trên, đại diện các doanh nghiệp da giày đã kiến nghị Chính phủ cần thiết phải quy hoạch ổn định các khu công nghiệp tập trung sản xuất thuộc da, dệt nhuộm… chuyên dùng cho ngành da giày. Doanh nghiệp sẵn sàng đóng phí xử lý chất thải theo yêu cầu của Nhà nước và chủ đầu tư hạ tầng. Mặt khác, cần phải yêu cầu các tỉnh, thành thay đổi định kiến với hoạt động sản xuất của ngành. Theo đó, khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên ngành sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành ít gây ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày phát triển bền vững. Ngoài ra, chỉ tiêu xử lý chất thải ô nhiễm cũng cần phải xem xét lại cho phù hợp với từng ngành. Hiện có những chỉ tiêu mà cho dù doanh nghiệp có áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến nhất cũng vẫn không thể thực hiện được.

Có thể thấy, mục tiêu đạt 2 tỷ đôi giày dép, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD mà ngành da giày Việt Nam đặt ra vào năm 2025 là không khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu với tình trạng ngành công nghiệp phụ trợ trong nước không thể phát triển như hiện nay thì ngành da giày Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Tình trạng này sẽ khó khăn hơn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước khi ngành da giày Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, nguồn nguyên phụ liệu do khách hàng chỉ định và các doanh nghiệp không có khả năng cũng như không thể tìm nguồn nguyên liệu nội địa thay thế.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục