“Cao không tới, thấp không xong”
Tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển ngành dệt may do Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa tổ chức, nhiều DN cho rằng rất khó để định hình phân khúc sản phẩm dệt may tại thị trường nội địa. Bởi lẽ, nếu đưa ra sản phẩm phân khúc cao cấp thì người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng nhập khẩu, còn với phân khúc hàng trung và thấp cấp thì không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Dung, chủ cửa hiệu bán quần áo sỉ, lẻ tại chợ Tân Bình, cho biết với quần áo bộ trẻ em, nếu lấy sỉ tùy theo kích cỡ, số lượng đơn hàng, giá có thể giao động hơn 30.000 - 60.000 đồng/bộ. Trong khi đó, nếu cùng sản phẩm nhưng do DN trong nước sản xuất (vải nhập khẩu từ Trung Quốc) thì giá cao hơn khoảng 10.000 - 20.000 đồng/bộ. Còn những sản phẩm may mặc phân khúc cao cấp có giá trên 1 triệu đồng hiện khá đa dạng tại trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, tuy nhiên phần lớn đến từ nhà nhập khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Tương tự với ngành hàng dệt may, ngành hàng mỹ phẩm trong nước cũng đang lao đao vì không thể chen chân vào thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu và Mỹ phẩm Việt Nam, cho biết rất ít nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước có thể bán được hàng tại thị trường nội địa. Ngay Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn và Thorakao (được đánh giá là có tên tuổi nhất của mỹ phẩm nội) cũng chỉ chiếm thị phần khá khiêm tốn. Để tồn tại được, các công ty này đã phải chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm cho thị trường thế giới.
Cũng theo ông Minh, cùng là sản phẩm đắp mặt nạ chiết xuất từ tinh chất trái dừa Việt Nam, người tiêu dùng chỉ ưu tiên lựa chọn sử dụng sản phẩm của các DN Hàn Quốc sản xuất thay vì của Việt Nam, dù sản phẩm sản xuất trong nước có giá thành thấp hơn 50% hàng ngoại nhập.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Bart Verheyen, Giám đốc thương mại Medicare, khẳng định trong chuỗi hệ thống phân phối của Medicare có đến hơn 90% là mỹ phẩm ngoại nhập. Số mỹ phẩm trong nước rất ít do người tiêu dùng không ưa chuộng.
Gầy dựng niềm tin để tiếp sức hàng Việt
Ở góc độ DN, nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm nội nói chung không thua sản phẩm ngoại ở chất lượng nhưng thua về “độ phủ” thương hiệu lên nhận thức của người tiêu dùng. DN ngoại có lợi thế vốn mạnh, trước khi tham gia vào thị trường Việt Nam, họ thường làm những đợt “đổ bộ” về truyền thông để tạo nhận thức về thương hiệu của họ với người Việt. Chưa kể, họ còn được tiếp sức trực tiếp bởi hệ thống phân phối ngoại từ khâu trưng bày, chi phí chiết khấu và cả chiến dịch tiếp cận khách hàng.
Trong khi đó, DN trong nước chỉ có thể dành cho truyền thông thương hiệu với một mức chi phí khá khiêm tốn. Một số khác thì “lay lắt” tại các kệ hàng của siêu thị, do chi phí chiết khấu để đưa hàng vào hệ thống siêu thị, thuê mặt bằng quá cao.
Chưa dừng lại đó, những DN có tiềm lực xuất khẩu và vốn chỉ tập trung cho thị trường xuất khẩu hiện cũng đang đối diện với nhiều rủi ro lớn. Bởi các nước nhập khẩu đang ráo riết thiết lập các rào cản thương mại về tiêu chuẩn, chất lượng, quy cách dán nhãn, thay đổi hình thức bao bì sản phẩm…
Mỗi sự thay đổi về rào cản kỹ thuật sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN, bởi DN buộc phải điều chỉnh quy trình, công nghệ sản xuất, thậm chí thay đổi cả kế hoạch sản xuất, khiến tiêu tốn rất nhiều chi phí và giảm đáng kể năng lực cạnh tranh trên thị trường ngoại.
Tận dụng lợi thế từ thị trường nội địa để chắc chân thị trường xuất khẩu là hướng đi sống còn của DN Việt. Do vậy, hiện nhiều DN trong nước hoạt động ở nhiều ngành hàng tiêu dùng khác nhau đang phải bắt tay để thuê và khai thác sử dụng chung mặt bằng. Đây là sở đoản của các DN sản xuất, nhưng trong bối cảnh bị lép vế trước hàng ngoại, DN nội buộc phải thực hiện để có thể tăng độ nhận diện thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa.
Về lâu dài, các DN cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ nội địa phát triển, tránh tình trạng các địa phương chỉ ưu tiên vị trí mặt bằng thuận lợi cho hệ thống phân phối ngoại.
Riêng về chính sách hỗ trợ DN, Chính phủ không nên tập trung vào việc hỗ trợ vốn mà nên mở rộng thêm các giải pháp hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, thương hiệu quốc gia. Đặc biệt, phải triệt để thực hiện quy định đơn vị công, đầu tư công phải sử dụng hàng trong nước đã sản xuất được; chỉ sử dụng hàng ngoại thay thế khi hàng trong nước chưa thể sản xuất. Điều này là rất cần thiết để từng bước cải thiện niềm tin và xây dựng dựng thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt trong nước. |