Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam là một điển hình doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư thành công ở Việt Nam. Pou Yuen đang sở hữu gần 100.000 lao động. Các thương hiệu Pou Yuen đang gia công được cả thế giới biết đến như Nike, adidas, New Balance... Thế nhưng, trong khi doanh thu mỗi năm của Pou Yuen lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thì tỷ lệ nộp thuế trên doanh thu lại chưa đầy 1%! Trong khi đó, xã hội phải gánh nhiều hệ lụy…
Công nhân Pou Yuen Việt Nam vào làm việc ca sáng. Ảnh: CAO THĂNG
Nghỉ hưu, mang về… bệnh nghề nghiệp
Pou Yuen liên tục phát triển mở rộng với nhiều đơn vị trực thuộc có mặt ở các tỉnh thành, doanh số tăng liên tục với hàng ngàn tỷ đồng/năm. Pou Yuen cũng đứng đầu về DN FDI sử dụng lao động địa phương. Tại TPHCM Pou Yuen có khoảng 90.000 lao động… Vậy với một DN sản xuất các thương hiệu đẳng cấp quốc tế, người lao động tạo ra sản phẩm đó có thu nhập thế nào?
Chúng tôi đến trụ sở chính của Pou Yuen ở quận Bình Tân (TPHCM) để tìm hiểu thực tế. Cơ ngơi Pou Yuen bề thế trong khuôn viên rộng 50 - 60ha, nhưng các công trình bên trong không hiện đại như chúng tôi tưởng tượng. Tìm đến các dãy nhà trọ trong khu dân cư xung quanh nhà máy, chúng tôi thật sự bất ngờ với đời sống cơ cực của công nhân, hầu hết là phụ nữ. Nhiều công nhân thuê ở chung 1 phòng, giá rẻ cũng 1,5 - 3 triệu đồng/phòng, trong khi với mức lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng thì việc làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập là chuyện thường xuyên. Vì nếu không làm thêm sẽ không đủ trang trải cho việc ở trọ, ăn uống và nuôi con.
Công nhân Nguyễn Thị N. than rằng đã làm việc ở đây khá lâu, nhưng đến nay chỉ dư được vài chục triệu đồng, giờ muốn nghỉ nhưng lo lắng về quê không biết làm gì. Tôi hỏi, sao chị không về mở tiệm đóng giày, làm hơn chục năm có kinh nghiệm rồi.
Chị N. cười lớn: “Tôi chỉ làm khâu nhỏ về lót giày thôi, không thể đóng hoàn chỉnh được chiếc giày. Cũng như công nhân bên may mặc, dù làm cả đời nhưng thấy có ai may được cái áo đâu, vì mỗi người chỉ biết làm một khâu. Người này làm khuy, người kia ráp cổ áo… nên về hưu cũng chẳng thể làm được gì”.
Còn chị Nguyễn T.T. cho biết, công nhân vào đây làm rất nhiều nhưng nghỉ việc cũng không ít, vì chẳng ai “trụ” nổi đến tuổi về hưu do hay đau cột sống và suy nhược cơ thể. Nhiều công nhân khi rời nhà máy, tích lũy không nhiều lắm nhưng phải mang bệnh nghề nghiệp về già.
Hỏi thăm chuyện ăn uống, các chị trải lòng, món ăn “truyền thống” là tàu hủ, cá và rau muống vì vừa rẻ vừa dễ chế biến. Không ai có thể ngờ, những sản phẩm mà các công nhân ở đây làm ra, được bán trên thị trường thế giới với giá hơn 100 USD/sản phẩm, trong khi cuộc sống của người làm ra sản phẩm đó lại cơ cực như thế!
Dẫu vậy, thương hiệu Pou Yuen vẫn liên tục phát triển. Năm 1994, Tập đoàn Pou Yuen đầu tư vào Việt Nam với nhà máy đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai, sau 20 năm, Pou Yuen có thêm nhiều nhà máy quy mô lớn ở nhiều tỉnh thành như TPHCM, Tiền Giang, Tây Ninh… Tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam hơn 1 tỷ USD, sử dụng gần 200.000 lao động.
Theo báo cáo của Pou Yuen mới đây với đoàn công tác của Thành ủy TPHCM đến thăm nhà máy, năm 2017, doanh thu của toàn tập đoàn đạt 6,3 tỷ USD. Sản phẩm do tập đoàn gia công cho các thương hiệu chiếm hơn 20% thị phần giày của thế giới.
Tại Việt Nam, Pou Yuen chỉ tận dụng sử dụng lao động giá rẻ, không dùng nguồn nguyên liệu trong nước. Tập đoàn này tự xây dựng các đơn vị trực thuộc như PouHung, PouLi (Tây Ninh); PouChen, PouSung (Đồng Nai); Duy Khang (Long An) chuyên sản xuất phụ kiện cung ứng cho nhau. Do vậy, tại Việt Nam, tập đoàn có doanh thu xuất khẩu lên đến 1,5 tỷ USD, nhưng nhà nước sở tại thật sự chẳng nhận được gì nhiều khi số thuế nộp nhỏ giọt, không xứng với nguồn tài nguyên họ sử dụng.
Thu chục ngàn tỷ đồng, nộp chỉ 0,8%
Giới chuyên gia cho rằng, chính hoạt động gia công này đã tạo ra kim ngạch xuất nhập khẩu ảo cho Việt Nam. Bởi các DN gia công hầu hết dùng nguồn nguyên liệu nhập khẩu - làm tăng kim ngạch nhập khẩu; sau gia công để xuất khẩu hàng hóa thì làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính riêng Pou Yuen, mỗi năm xuất khẩu hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng sự đóng góp của họ cho ngân sách lại quá ít.
Năm 2008 và 2009, doanh thu của Pou Yuen tại Việt Nam đạt mức chục ngàn tỷ đồng, nhưng không phải nộp thuế cho nhà nước. Năm 2010 trở đi, doanh thu của tập đoàn này liên tục tăng, lên 16.000 - 17.000 tỷ đồng nhưng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp chỉ 40 - 60 tỷ đồng (tỷ suất nộp thuế bằng 0,3% doanh thu). Kể từ năm 2013, doanh thu đã chạm mức 20.000 tỷ đồng và liên tục tăng lên, đến năm 2017 là hơn 28.000 tỷ đồng nhưng số thuế phải nộp chỉ ở mức hơn 200 tỷ đồng/năm (bằng 0,8% doanh thu). Tại sao một doanh nghiệp lớn, sử dụng rất nhiều nguồn tài nguyên xã hội, đường sá, điện, nước, lao động giá rẻ… nhưng nhà nước chẳng thu được bao nhiêu? Trong khi đó, xã hội lại phải gánh bao hệ lụy từ quá tải hạ tầng, quá tải nơi ăn ở, bệnh nghề nghiệp…
Chỉ tính riêng về an ninh trật tư, việc hàng chục ngàn công nhân ở các tỉnh về sinh sống tập trung trên địa bàn, đã khiến khu vực quanh nhà máy Pou Yuen trở thành điểm nóng về an ninh trật tự. Đến việc phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng thế, cháy nổ đã nhiều lần xảy ra ở Pou Yuen khiến thành phố phải huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, hàng chục xe đến chữa cháy. Mặc dù, Cảnh sát PCCC TPHCM, UBND quận Bình Tân và các đơn vị liên quan đã nhiều lần nhắc nhở đối với Pou Yuen, nhưng vi phạm vẫn phát sinh và nối tiếp. Trong 2 năm 2016 và 2017, qua 5 lần kiểm tra định kỳ về PCCC tại Pou Yuen, cơ quan chức năng phát hiện 76 lỗi vi phạm, như không đảm bảo điều kiện thoát nạn, không vệ sinh công nghiệp, phương tiện PCCC không đảm bảo (thiếu, hoặc có nhưng không sử dụng được…).
Trong khi lao động giá rẻ Việt Nam hiện nay không còn là lợi thế như trước nữa, nhưng Pou Yuen vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Được biết, Công ty IDEA thuộc Tập đoàn Pou Yuen (lãnh thổ Đài Loan) vừa ký thỏa thuận thuê 20ha đất tại Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM, để triển khai xây dựng thêm nhà máy sản xuất, tiếp tục sử dụng lao động và để lại nhiều hệ lụy xã hội phải gánh chịu, trong khi số thuế họ nộp chẳng thể bù đắp được…