Doanh nghiệp chế biến gỗ chưa chịu lớn

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành chế biến gỗ là một trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu và đóng góp đáng kể vào GDP cả nước.
 Một công ty liên doanh sản xuất gỗ tại Bình Dương. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một công ty liên doanh sản xuất gỗ tại Bình Dương. Ảnh: THÀNH TRÍ

Ngành chế biến gỗ đã có hơn 1 thập niên phát triển đầy ấn tượng. Từ 219 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2000 lên 7 tỷ USD vào năm 2016. Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là một trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu và đóng góp đáng kể vào GDP cả nước.

Kết thúc giai đoạn phát triển nhanh

Trong báo cáo “Công nghiệp nhẹ Việt Nam: Tạo việc làm và triển vọng nền kinh tế thu nhập trung bình” của Ngân hàng Thế giới (WB) có nhận định, đây là ngành tiềm năng lớn, học hỏi nhanh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thị trường lớn và đa dạng. Trước đây, khi kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ Việt Nam chỉ vài trăm triệu USD/năm thì Malaysia, Indonesia và  Thái Lan đã lên tới vài tỷ USD/năm. Nhưng với tốc độ phát triển bình quân 2 con số liên tục nhiều năm (có năm tăng 30%) nên sau 15 năm, quốc gia đứng đầu về xuất khẩu mặt hàng gỗ chế biến vùng Đông Nam Á là Việt Nam, lọt vào tốp 5 các nước xuất khẩu đồ gỗ chế biến hàng đầu thế giới. So với 10 nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất, Việt Nam là nước có ưu thế về sản xuất, lao động, khu vực chế biến tập trung với bán kính khoảng 50km như khu vực Đông Nam bộ cùng TPHCM... Ngành chế biến gỗ có năng suất lao động khá cao, mỗi lao động tạo ra khoảng 18.300 USD/năm, so với 13.900 USD/lao động/năm ngành giày dép, 8.900 USD/lao động/năm ngành thủy sản, và 7.100 USD/lao động/năm ngành dệt may.

Nếu nói về tiềm năng, ngành này còn nhiều dư địa để phát triển khi thị phần đồ gỗ chế biến Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 1,5% giá trị thương mại toàn cầu, nhưng ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sadaco, nguyên Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), nhận xét: “Vấn đề lớn hiện nay của ngành chế biến gỗ là tốc độ tăng trưởng bị chựng lại, thậm chí có nhận định là đang đi ngang. Những năm gần đây để tăng trưởng vượt 2 con số vô cùng vất vả. Đây là xu thế của bất cứ ngành hàng hay doanh nghiệp (DN) nào trong quá trình phát triển. Khi đã kết thúc một giai đoạn phát triển nhanh, cần phải định ra hướng đi phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Nếu không sẽ không còn đi ngang nữa mà là đi xuống. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là cần chuyển qua giai đoạn mới để có thể tiếp tục phát triển”.

Liên kết để chuyên sâu

Là ngành đứng đầu khu vực ASEAN nhưng các DN chế biến gỗ vẫn chủ yếu là vừa và nhỏ. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho rằng đa phần DN chế biến gỗ đều có quy mô nhỏ, đầu tư chưa thỏa đáng, tỷ suất lợi nhuận trung bình chưa cao; chưa có chính sách marketing nhất quán về sản phẩm như phân khúc thị trường; chưa có chiến lược cụ thể về vật liệu và sử dụng nguyên liệu trong nước. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, chi phí lương ở nước có vị trí số 1 về xuất khẩu gỗ chế biến là Trung Quốc chỉ chiếm 14% doanh thu, còn ở Việt Nam chiếm gần 20%. Ngoài ra còn một loạt hạn chế khác như một lao động Việt Nam làm ra 1,9 sản phẩm/ngày, còn ở Trung Quốc là 4,5 sản phẩm/ngày; kinh nghiệm quản lý và chương trình đào tạo cho công nhân cũng hạn chế; công suất sử dụng thấp. Trong khi đó, việc hợp tác phân công giữa các DN còn yếu, không thể hợp lực tạo thành sức mạnh để có thể đón nhận những đơn hàng lớn.

Thật ra vấn đề liên kết đã được đặt ra khá lâu, nhưng bản thân các DN không có tầm nhìn xa hoặc không được cơ quan chức năng tư vấn kịp thời. Nhưng trong bối cảnh thay đổi, việc liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất là xu hướng chung của ngành chế biến gỗ các nước. Nếu không liên kết sẽ bị các nước, gần nhất là DN của Trung Quốc cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam. Bức xúc vấn đề này, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, góp ý để phát triển cần sự bền vững. Muốn bền vững phải kết nối, liên kết. Bản chất liên kết là cộng hưởng lực. Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) cho rằng, giai đoạn hiện nay cần sự chuyên môn hóa và chuyên sâu. Vì vậy cần hình thành các chuỗi sản xuất mà liên kết là khởi đầu. Khi sản xuất chuyên sâu trong chuỗi sản xuất sẽ hiệu quả và thành công thay vì tự thân mỗi DN cái gì cũng làm. Riêng việc dự trữ nguồn nguyên liệu gỗ mỗi DN phải bỏ ra 70% vốn lưu động.

Điều này cần vai trò của hiệp hội và chính sách nhà nước để thúc đẩy sự liên kết. Bifa muốn hình thành cụm hay khu công nghiệp. Nơi đó các DN chế biến gỗ cùng vào đầu tư. Với không gian gần nhau sẽ dễ hình thành chuỗi sản xuất. Mỗi DN làm một khâu mà chuyên sâu. Khi có đơn hàng lớn thay vì từ chối vì tự thân một DN không kham nỗi, nếu liên kết sẽ phân chia cho các DN trong chuỗi. Mỗi công đoạn chuyên sâu làm giảm chi phí sản xuất, thâm dụng lao động cũng như giảm chi phí tiêu hao năng lượng; giảm bớt gánh nặng chôn vốn quá nhiều vào khâu nguyên liệu khi đã có chuỗi sản xuất từ DN chuyên lo khâu nguyên liệu nhập khẩu hay DN trồng rừng đảm trách. Khi có đơn hàng lớn DN chuyên sâu sẽ mạnh dạn đầu tư thiết bị chuyên sâu để làm với số lượng lớn giúp giảm chi phí...

Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện các mô hình liên kết như giữa Công ty Scansia Pacific với nhiều hộ trồng rừng ở 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; giữa Công ty Tavico chuyên cung ứng gỗ nguyên liệu và các làng nghề, giữa Công ty cổ phần Xuất khẩu Nam Định (Nafoco) với các hộ trồng rừng ở Yên Bái, Tuyên Quang... Đây sẽ là những mô hình cần được tìm hiểu và nhân rộng dựa trên những điều kiện phù hợp cho các bên. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Phúc, Tổng thư ký Bifa, DN Việt Nam đa số vẫn thích làm riêng, ôm đồm tất cả các công đoạn, thay vì liên kết, hợp tác để phân chia từng khâu cho từng DN để cùng phát triển và cùng nhau lớn lên. Dù bối cảnh đã thay đổi nhưng vẫn còn nhiều DN chế biến gỗ chưa chịu lớn!

Tin cùng chuyên mục