Đáng chú ý, một số doanh nghiệp (DN) châu Âu còn chọn Việt Nam để đặt cơ sở sản xuất nhằm đưa hàng hóa vào khu vực ASEAN với thị trường lên đến 650 triệu dân.
Nhộn nhịp xúc tiến thương mại
Tại các hội chợ, triển lãm ở Việt Nam, thông thường DN khu vực châu Á và trong nước chiếm đa số, còn DN EU rất ít. Thế nhưng, tại Triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp thực phẩm, dịch vụ khách sạn và nhà hàng Việt Nam - 2019 (Food & Hotel Vietnam - 2019) vừa diễn ra tại TPHCM, số DN đến từ khu vực EU chiếm đến một nửa trong số gần 450 DN tham dự triển lãm.
Theo ông BT Tee, sự tham gia đông đảo của nhóm DN EU cho thấy họ đang đón đầu cơ hội kinh doanh từ EVFTA, với kỳ vọng sớm được thông qua và Việt Nam được đánh giá là thị trường khá tiềm năng nhờ dân số trẻ, kinh tế đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Tương tự, trong lần đưa đoàn xúc tiến thương mại đến Việt Nam vào tháng 4 vừa rồi, ông Jose Ramón Godoy, Giám đốc quốc tế của Tổ chức Liên ngành của nền công nghiệp thịt bò Tây Ban Nha (Provacuno), cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên mà các nhà sản xuất và xuất khẩu thịt bò Tây Ban Nha đang hướng tới. Theo ông Godoy, hiện đã có 4 DN Tây Ban Nha được cấp phép xuất khẩu thịt bò vào
Việt Nam và 7 nhà xuất khẩu thịt bò khác của nước này đang chờ giấy phép nhập khẩu, dù Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò từ Australia, Mỹ và Canada, những quốc gia cạnh tranh trực tiếp với thịt bò Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ông Godoy tin rằng thịt bò Tây Ban Nha sẽ có thể thâm nhập được thị trường trong nước trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam nhập đến 60.000 tấn thịt bò ở nhiều nước trên thế giới.
Trên thực tế, khoảng 2 năm qua, nhiều đoàn DN lớn từ EU liên tiếp đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh thông qua tham gia các hội chợ triển lãm hoặc theo con đường xúc tiến thương mại của các hiệp hội, bộ ngành và Chính phủ. Họ bày tỏ sự lạc quan, không ngại cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Với đặc điểm ít mang tính cạnh tranh trực tiếp trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU, rất nhiều sản phẩm từ khu vực này đang chờ thời điểm để đưa vào Việt Nam bởi lẽ cam kết EVFTA mở cửa thị trường khá rộng, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu mà EU có thế mạnh như ô tô, máy móc - thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới, thực phẩm...
Từ Việt Nam để vào thị trường ASEAN
Các DN EU cho rằng Việt Nam đang có lợi thế thu hút đầu tư, làm “cầu nối” tốt để họ vào thị trường ASEAN. Theo các chuyên gia, với quy mô và tiềm năng phát triển của các nước EU và việc cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực.
Là một trong những DN Pháp đầu tư ở Việt Nam, ông Valentin Trần, Giám đốc Andros, DN chuyên chế biến các sản phẩm trái cây, cho biết việc Andros chọn Việt Nam đầu tư vì đất nước đang phát triển nhanh, dân số đông, cùng nguồn nguyên liệu dồi dào phù hợp với yêu cầu sản xuất của DN.
Ông Valentin Trần cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam - Pháp ngày càng tốt đẹp cũng là lý do để chọn Việt Nam đầu tư, từ đó tiếp cận với thị trường khoảng 650 triệu dân của khu vực ASEAN.
Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội DN Italy tại Việt Nam (ICham), nhận định: “Năm 2019, sức hấp dẫn đầu tư FDI của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh, đặc biệt về chất lượng, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ đang chọn Việt Nam là điểm đến. Các DN Italy đang xem xét nhiều đến việc đầu tư hoặc dời cơ sở hiện tại của họ từ các nước châu Á khác sang Việt Nam, chủ yếu ở khu vực TPHCM”.
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Eurocham, cũng cho rằng Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp EU. Khảo sát từ hơn 1.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, năm 2019 DN đến từ khu vực EU sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, kinh doanh và mở rộng giao thương tại Việt Nam.
Theo lãnh đạo EuroCham, EVFTA dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho các DN và người tiêu dùng cả hai bên. Các chuyên gia kinh tế cũng dự đoán, với sự thúc đẩy thương mại và đầu tư từ hiệp định EVFTA, vào năm 2025, GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 7% - 8%.
Tuy nhiên, các DN EU kiến nghị Việt Nam cần cải thiện hơn nữa các vấn đề như hậu cần và cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh, thuế và chuyển giá, nguồn nhân lực và các vấn đề pháp lý.
“Từ kiến nghị của các thành viên, nếu được xem xét tháo gỡ sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển”, ông Nicolas Audier nhấn mạnh.
Báo cáo “EVFTA: Góc nhìn từ Việt Nam” của EuroCham vào tháng 10-2018 cho thấy: Gần 80% DN tham gia khảo sát phản hồi, EVFTA sẽ có tác động “mạnh mẽ” hoặc “nhẹ” đến hoạt động kinh doanh trung hạn hoặc dài hạn. Hơn 80% tin rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó 72% nhận định thông qua EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho DN EU trong khu vực Đông Nam Á. |