Nhà sách là nơi trầm lắng, còn quán cà phê thì sôi động, nhộn nhịp; hai yếu tố tưởng như mâu thuẫn nhưng khi kết hợp với nhau lại để làm không gian sách lại tạo nên một nét văn hóa đọc hiện đại trong thời buổi hội nhập.
Trước đây, các nhà sách thường chỉ chú trọng tới việc bổ sung thật nhiều đầu sách hay; về mặt thẩm mỹ thì chỉ cần gọn gàng, các loại sách được chia khu vực riêng và đánh dấu rõ ràng là đã có thể hoạt động kinh doanh, cho thuê mướn sách thuận lợi. Nhưng hiện nay, nếu nhà sách chỉ có sách hay, sắp xếp gọn gàng thì chưa đủ, nó sẽ dần mất đi sự thu hút đối với bạn đọc trẻ, bởi ngoài những quyển sách in, các bạn còn có nhiều thú vui, sự lựa chọn giải trí khác trong thời đại số hóa này. Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, mô hình cà phê sách ra đời và được đón nhận khá tốt.
Nhà sách Phương Nam Book City là một trong những điểm tích hợp cà phê sách thành công. Với diện tích hơn 3.000m2 cùng sức chứa khoảng một triệu đầu sách các loại; mỗi khu vực sách được sắp xếp đẹp mắt, khoa học, tiện lợi cho khách hàng tìm kiếm và mua sắm, kết hợp cùng quán cà phê để khách hàng có thể thoải mái làm việc và đọc sách.
Là một người yêu thích đọc sách, anh Hoàng Xuân Thư (34 tuổi, quận 3), chia sẻ: “Lần đầu tiên ghé một nơi tích hợp cả sách và cà phê khiến tôi vô cùng thích thú. Từng loại sách ở đây được phân lô rất rõ ràng, khi chọn được một tác phẩm ưng ý, tôi có thể thư giãn, vừa uống cà phê, vừa đọc sách. Với một không gian đẹp, năng động và tiện lợi như vậy, bạn đọc chắc chắn sẽ quay trở lại với sách in”.
Một địa điểm cà phê sách nổi tiếng khác cũng là nơi dừng chân quen thuộc của các độc giả nhí là Nhà sách Kim Đồng (248 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Không gian rộng rãi, trang trí bắt mắt cùng các loại sách hay được cập nhật mỗi ngày, tầng 2 của nhà sách được trang bị thêm một quầy cà phê để khách hàng có thể tránh xa những xô bồ của phố thị, thoải mái thưởng thức đồ uống và đọc sách. “Sau những buổi học căng thẳng, tôi thường tới Nhà sách Kim Đồng để tự thưởng cho mình một quyển sách, truyện hay và đọc luôn tại quầy cà phê ở đây. Không gian ở đây yên tĩnh, thoải mái và riêng tư. Nhờ đó mà tôi đã đọc sách nhiều hơn hẳn trước đây”, Võ Đăng Nam (20 tuổi, quận 5) hào hứng chia sẻ.
Sự thay đổi về tầm nhìn, không gian và những ý tưởng hữu ích của những nhà sách thế hệ mới đã và đang góp phần làm thay đổi nhu cầu đọc sách của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng. Đây chính là những mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên một diện mạo đô thị hiện đại, văn hóa ngày nay.
Thách thức với sách điện tử
Đã có nhiều dự báo rằng sách điện tử (ebook) sẽ lên ngôi, thậm chí là “đè bẹp” sách giấy. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, ít nhất là cho đến năm 2019, sách giấy vẫn giữ vai trò chủ đạo trong ngành xuất bản của Việt Nam. Một dẫn chứng là 6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành xuất bản nộp lưu chiểu 16.004 xuất bản phẩm với gần 175 triệu bản. Sách giấy chiếm ưu thế hoàn toàn với 15.650 đầu sách và 165 triệu bản. Trong khi đó, sách điện tử chỉ có 19 xuất bản phẩm với 176.000 bản. Quan trọng hơn là độc giả trong nước vẫn còn giữ thói quen đọc sách giấy.
Từ năm 2011, bên cạnh sách giấy, NXB Tổng hợp TPHCM bắt đầu khai thác ebook; đến tháng 10-2012, đơn vị này ra mắt trang sách điện tử, chuyên kinh doanh ebook tại sachweb.vn với các gói khác nhau: 50.000 đồng/30 ngày; 80.000 đồng/60 ngày và 100.000 đồng/90 ngày. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, mảng sách giấy vẫn là chủ lực, việc phát hành ebook chủ yếu nhằm đáp ứng nhiệm vụ quảng bá thương hiệu và mở rộng đối tượng khách hàng, thị phần không đáng kể. “Hiện nay trọn kho ebook của NXB chưa tới 3.000 tựa. Hàng năm chúng tôi bán được vài ngàn bản”, bà Thanh Thủy cho biết.
Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của sách điện tử trong cuộc sống hiện nay, nhất là đối với giới trẻ. Bạn đọc Thúy Quỳnh, hiện là biên kịch tự do, chọn ebook vì sự nhỏ gọn, tiện lợi, dễ mang theo, đọc lúc nào cũng được. Mặc dù vậy, theo Thúy Quỳnh, cảm giác đọc ebook không đã bằng sách giấy. Thúy Quỳnh chia sẻ: “Theo tôi, cho dù đọc ebook hay sách giấy thì cũng không quan trọng. Quan trọng là có đọc hay không. Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, ebook sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc lựa chọn đọc sách của độc giả. Với nhiều người ưa thích sự tiện lợi thì có thể họ sẽ chờ sách có bản ebook rồi mới đọc. Tôi nghĩ, các NXB cũng nên hướng đến ebook thay cho sách giấy, nhằm bảo vệ môi trường”.
Ngoài NXB Tổng hợp TPHCM, thị trường sách điện tử hiện nay còn chứng kiến những cuộc “so tài” của các đơn vị khác như Ybook, Waka, Iread, Phương Nam Book, Tiki, Vinabook… Dù đã có nhiều đơn vị tham gia vào thị trường ebook, tuy nhiên để thay đổi thói quen đọc sách lâu nay của độc giả vẫn cần phải có thêm thời gian. Chính vì vậy, đánh giá về cơ hội của ebook hiện nay, bà Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng, sẽ có nhiều thách thức bởi rất nhiều nguyên nhân như: năng lực kỹ thuật còn hạn chế, bị vi phạm bản quyền, giá bán ebook thấp nên phí tác quyền thấp thành ra tác giả không mặn mà cho phiên bản ebook.
Rõ ràng, những xu hướng đọc sách mới, hiện đại hơn đã dần thay thế cho cách tiếp cận cũ kỹ và thiếu tiện lợi. Tuy nhiên, để có thể tiệm cận đời sống văn hóa mới, vốn đa dạng và không ngừng thay đổi là những thách thức với những người làm sách TPHCM.