“Cuộc chiến” 4G giữa các nhà mạng

VinaPhone “nắm thắt lưng” Viettel
“Cuộc chiến” 4G giữa các nhà mạng

Sau một thời gian dài chờ đợi, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã chính thức cấp phép dịch vụ 4G cho Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone và cả Gmobile. Một cuộc đua mới bắt đầu diễn ra ở thị trường viễn thông di động Việt Nam, mà “phát súng” đầu tiên xuất phát từ VinaPhone với việc chính thức khai trương 4G tại Phú Quốc. Nhưng… 

VinaPhone “nắm thắt lưng” Viettel

Ngày 14-10-2016, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã ký cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT.

VinaPhone đã cắm cờ 4G đầu tiên bằng việc chính thức công bố dịch vụ 4G tại Phú Quốc. Ảnh: T.BA

Với quyết định này, hai nhà mạng Viettel và VinaPhone có thể chính thức triển khai, cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800MHz ra thị trường một cách rộng rãi.

“Lên” 4G như là tất yếu nên trước đó, Viettel đã thử nghiệm cung cấp 4G từ cuối năm 2015 tại Bà Rịa - Vũng Tàu và sau đó là Hà Nội; còn VNPT VinaPhone thử nghiệm 4G tại TPHCM và Kiên Giang từ tháng 1-2016.

Đây cũng là hai doanh nghiệp đầu tiên nộp hồ sơ xin cấp phép 4G lên Cục Viễn thông và trải qua quá trình rà soát, thẩm định chặt chẽ của Bộ TT-TT về hạ tầng, công nghệ cũng như phương án, mô hình kinh doanh…

Nhưng VinaPhone “rất” nhanh chân, đã công bố chính thức cung cấp 4G tại Phú Quốc ngay ngày 3-11.

Tại đây, phía VinaPhone còn cho biết: Năm 2017, VinaPhone cam kết triển khai đến 63 tỉnh thành, phủ sóng 4G đến tận huyện lỵ, khu du lịch…, triển khai nhanh khoảng 21.000 trạm 4G đảm bảo vùng phủ sóng 4G rộng khắp.

Còn Viettel thì chưa công bố chính thức dịch vụ 4G dù đã thử nghiệm khá lâu, chỉ nói chung chung là đầu năm 2017 sẽ chính thức cung cấp dịch vụ.

Có thể thấy, hiện nay giữa Viettel và VNPT đang có một cuộc cạnh tranh quyết liệt về mọi mặt, nhất là ở mảng viễn thông di động.

VNPT sau khi tái cấu trúc thành công (MobiFone tách khỏi) thì đang dồn toàn lực cho việc kinh doanh VinaPhone, đầu tư hạ tầng, nhằm tìm lại vị trí thống lĩnh của mình.

Một thực tế đang diễn ra, thuê bao của Viettel, nhất là ở vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu đang “chạy sang” mạng VinaPhone. Giữa Viettel và VinaPhone hạ tầng, cơ sở mạng lưới, truyền dẫn gần như tương đương nhau.

12 năm trước, khi ra mắt mạng di động, Viettel đã tập trung ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với chính sách cước rẻ, nhân viên tận tình, linh động để thu hút thuê bao. Điều đó cũng với nhiều chính sách khác đã làm nên cuộc cách mạng di động về giá cước và dịch vụ ở Việt Nam.

Hiện VinaPhone đang dùng chính những chính sách 12 năm trước Viettel đã áp dụng, để cạnh tranh với Viettel.

Nói một cách hình ảnh, VinaPhone đang “nắm thắt lưng” của Viettel thu hút thuê bao mới, đang diễn ra quyết liệt và trong đó 4G làm “điểm nhấn” cho bước tiến của VinaPhone. 

MobiFone “khó khăn” và “bất ngờ” Gmobile

Sau khi tách khỏi VNPT và thực hiện tái cơ cấu, MobiFone khá “trầm lặng” và đang tụt lại sau Viettel và VinaPhone…

Theo nhiều chuyên gia viễn thông, trong quá trình tái cơ cấu, MobiFone đã tập trung quá nhiều vào vấn đề thay đổi lãnh đạo; rồi làm mới nhiều thứ và không kế thừa, phát huy những giá trị vốn có.

Chưa hết, khi còn “chung mẹ” VNPT, MobiFone được dùng chung hạ tầng với VinaPhone nhưng khi “ra riêng” thì phải tốn tiền và thời gian để đầu tư, hoàn thiện cho hạ tầng mạng lưới. Chưa hết, với thương vụ mua lại AVG để xây dựng hệ thống MobiTV đang bị thanh tra, nên MobiFone cũng khó để toàn tâm đầu tư hay phát triển bất cứ dịch vụ mới nào.

Ngay cả khi tham gia cuộc chơi 4G, nhà mạng này cũng tuyên bố tham gia thử nghiệm một cách “nhỏ nhẹ” và chưa đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào về thời điểm cung cấp 4G chính thức.

Nhiều người dự báo, dù có chen vào cuộc đua 4G với nhiều chính sách tốt hơn song cũng rất khó để MobiFone tìm lại được vị trí ngày xưa.

Bất ngờ trong “cuộc chiến” 4G của các nhà mạng là Gmobile (trước đây là Beeline, thuộc Bộ Công an).

Đây là mạng duy nhất đến nay chưa triển khai 3G và luôn “kín tiếng” về số lượng thuê bao cũng như doanh thu.

Được biết, trong thời gian gần đây, Gmobile đã rất nỗ lực để tìm đối tác trong cũng như ngoài nước đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Có lẽ với giấy phép này, Gmobile sẽ bỏ qua 3G, tiến thẳng lên 4G.

Thông tin từ Bộ TT-TT cho hay, hiện nay một nhà đầu tư lớn nước ngoài đang đàm phán để thực hiện đầu tư vào Gmobile. Nếu tất cả thuận lợi, Gmobile sẽ được đầu tư khoảng 500 triệu USD trong thương vụ này.

Sự đầu tư lớn cho hạ tầng, mạng lưới cũng như các dịch vụ mới là con đường bắt buộc Gmobile phải thực hiện trong thời gian tới, nếu muốn tiếp tục phát triển.

Nên 4G là cuộc chơi lớn, sống còn đối với Gmobile hiện nay!

Trong thị trường viễn thông Việt Nam còn có Vietnamobile, vừa trải qua một cuộc thay đổi lớn. Sau khi Thủ tướng đồng ý cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Hanoi Telecom và Hutchison thành Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile (tháng 4-2016), thì một chiến lược mới cho nhà mạng này đã được hoạch định lại.

Quan trọng hơn nhà đầu tư Hutchison đã tuyên bố rót thêm 450 triệu USD nhằm đầu tư, nâng cấp hạ tầng, mở rộng vùng phủ sóng của Vietnamobile.

Gần đây, Vietnamobile tung ra nhiều gói cước mới, dịch vụ sáng tạo có tính hấp dẫn cao, nhất là với lớp trẻ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Vietnamobile sẽ tiếp cận dịch vụ 4G như thế nào, trong khi mảnh đất 4G đã dần phân chia.


TRẦN BÌNH - BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục